Mạnh cũng tính đến sáp nhập với mạnh

(ĐTTCO) - Một trong những mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD tại Việt Nam là rút gọn số lượng NH để tạo ra những NH mạnh hơn, và sáp nhập hợp nhất (M&A) NH được xem là giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu này. 
Tuy nhiên, từ khi bước vào giai đoạn 2 của hoạt động tái cơ cấu đến nay, mới chỉ ghi nhận HDBank thông qua việc sáp nhập với PGBank, còn các NH khác có ý định nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH nhận định:
Muốn các NH chủ động sáp nhập để giảm số lượng NH và mạnh lên, NHNN có thể sử dụng các chuẩn mực an toàn vốn của Basel II làm thước đo, để buộc các NH không đạt được các chỉ số an toàn phải M&A.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau một thời gian không có thương vụ M&A NH nào kể từ khi kết thúc tái cơ cấu giai đoạn 1, thì hiện đã có NH cho biết sẽ thực hiện M&A ngay trong năm nay và một số NH cũng có ý định muốn tìm kiếm đối tác để M&A. Ông nhận định như thế nào về hoạt động M&A của ngành NH trong giai đoạn này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong vòng 10 năm qua, hiện tượng các NH Việt Nam sáp nhập với nhau xảy ra rất nhiều, bắt đầu từ năm 2010-2011, với sự khởi đầu là hợp nhất 3 NH Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn. Thời điểm đó, M&A của ngành NH chủ yếu đi từ việc có một số NH yếu kém khó tồn tại, nên được chỉ đạo M&A hoặc tình nguyện M&A với những NH lớn hơn. Tức M&A ngành NH giai đoạn trước xuất phát từ nhu cầu của những NH yếu kém phải được xử lý. 
Mạnh cũng tính đến sáp nhập với mạnh ảnh 1
Song từ nay trở đi, có thể việc xử lý NH yếu qua sáp nhập sẽ tiếp tục, nhưng sẽ có hiện tượng ngay cả những NH mạnh cũng sẽ tính đến việc sáp nhập với nhau để mạnh hơn. Đồng thời, các đối tác nước ngoài cũng sẽ đầu tư vào NH Việt Nam, và họ cũng có thể là đầu mối để mua lại cổ phần hay mua lại 100% vốn của những NH yếu tại Việt Nam.
Cách giải quyết các NH yếu kém qua sáp nhập trong thời gian trước là một hiện tượng chẳng đặng đừng, NH yếu không thể tồn tại được, nếu không sáp nhập buộc phải giải thể phá sản, và NHNN đã chọn phương án sáp nhập. 
Trong giai đoạn này, M&A được khuyến khích, vì sẽ giúp các NH giảm được số lượng và mạnh hơn về chất lượng. Hiện ngành NH Việt Nam tiến tới mục tiêu rút số lượng NH để tái cơ cấu ngành NH. Khi số lượng NH trong hệ thống NH Việt Nam giảm xuống còn 15-17 NH, những NH đó phải rất lớn, có khả năng tài chính lớn, vốn chủ sở hữu tăng lên bảo đảm độ an toàn của NH, tăng quy mô hoạt động.
Đồng thời, NH có nhiều vốn để tăng quy mô hoạt động, đầu tư hạ tầng, công nghệ, đảm bảo tài sản lâu dài. Rút gọn bằng giải pháp M&A là xu hướng phù hợp để đạt được yêu cầu này.
- Vậy liệu giai đoạn này, khi 2 NH tiến hành hoạt động M&A có còn lo ngại NH hậu M&A rơi vào cảnh khó khăn hơn hay không?
- Trường hợp sáp nhập của một NH yếu hơn vào một NH mạnh hơn, trong quá khứ đã cho thấy, sau sáp nhập NH mạnh cũng chịu tác động bởi nợ xấu của NH yếu. Trong giai đoạn này, khi một NH mạnh sẽ yếu đi sau khi M&A với NH yếu hơn, do kết quả kinh doanh xấu của NH được nhận sáp nhập cũng vẫn là khả năng có thể xảy ra.
Còn với những NH mà cả 2 cùng ở trong tình trạng hoạt động lành mạnh, và cổ đông đồng ý sáp nhập với nhau để cổ phiếu của họ gia tăng giá trị, thì NH sau sáp nhập sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quy mô hoạt động, tổng tài sản tăng lên, chất lượng dịch vụ tăng hơn.
Đồng thời, khi đó chất lượng của ban quản trị, ban điều hành cũng tăng lên, vì sau M&A sẽ có 2 đội ngũ kết hợp với nhau, tăng lên số lượng chuyên gia, chuyên viên, những người có năng lực. 
Tuy nhiên, dù 2 NH hoạt động lành mạnh kết hợp với nhau, cũng thường đưa đến kết quả một NH hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Bởi 2 NH khác nhau thường khác biệt về văn hóa kinh doanh, mỗi NH có một chủ trương, một mục tiêu riêng, giờ M&A với nhau nếu may mắn họ sẽ bổ sung cho nhau.
Song ở Việt Nam lại có khó khăn là các NH có sự trùng lắp về thị trường, nên khi M&A sẽ nảy sinh vấn đề lượng nhân viên dư thừa, mạng lưới trùng lắp, nếu không giải quyết tốt sẽ trở thành gánh nặng do cạnh tranh lẫn nhau.
Đồng thời, các ông chủ NH Việt Nam cũng không thích bị sáp nhập. NH nào được cấp giấy phép kinh doanh, được làm chủ NH thường tìm cách duy trì lợi thế đó. Bởi làm chủ NH không phải là chuyện dễ khi thời điểm này NHNN không ban hành thêm bất cứ giấy phép thành lập NH nào nữa, thậm chí còn rút lại, chỉ trừ các NH nước ngoài vì vấn đề quan hệ với các quốc gia khác, nên có thể cho phép thành lập NH ở Việt Nam. 
- Như ông nhận định, trong giai đoạn này, nếu các NH không tự nguyện M&A để giảm số lượng và nâng chất lượng NH, NHNN có thể dùng các chuẩn mực an toàn vốn của Basel II để ép NH thực hiện?
- Đúng vậy. Đó là công cụ để các NH tự nguyện M&A. Nếu áp dụng Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NH hiện tại sẽ giảm xuống. Hệ số CAR là tỷ lệ vốn chủ sở hữu chia cho tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của một số NH hiện nay khó tăng lên được, nhưng mẫu số tổng tài sản có thể tăng vì trong tương lai, hệ số rủi ro của tài sản tăng sẽ làm cho tổng tài sản phình ra.
Thêm vào đó, khi áp dụng Basel II, những rủi ro về hoạt động và rủi ro về thị trường sẽ được lượng hóa cộng thêm vào mẫu số tổng tài sản. Như vậy, hệ số CAR sẽ giảm xuống. Theo quy định, trong tương lai, hệ số CAR tối thiểu là 8%. Nếu lúc đó, NH nào có hệ số CAR dưới 8%, NHNN có thể cảnh cáo và yêu cầu trong thời gian nào đó phải điều chỉnh vốn chủ sở hữu để tăng hệ số CAR lên mức 8%. NH nào không thực hiện được yêu cầu phải M&A. 
Cùng với hệ số CAR, các chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ ở mức 40% từ năm 2019 trở đi, dư nợ cho vay trên tổng huy động không quá 80%, cũng có thể trở thành chỉ tiêu pháp lệnh đối với NH. Áp dụng những công cụ của Basel II để bắt buộc các NH phải tuân thủ, và từ đó họ sẽ nhìn thấy được phải sáp nhập để tồn tại sẽ giải quyết được vấn đề gút mắc trong hệ thống NH Việt Nam.
Còn nếu NH nào không đáp ứng được những yêu cầu này nhưng không chịu M&A, phải chịu sự xử lý từ NHNN, chịu kiểm soát đặc biệt, thậm chí cho phá sản để lành mạnh hóa hệ thống.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác