Mô hình 'mua trước trả sau' hấp dẫn doanh nghiệp fintech đến từ Indonesia

(ĐTTCO) - Dù còn khá mới mẻ nhưng mô hình “mua trước trả sau” (BNPL) được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng rất lớn tại Việt Nam. 

Khách hàng không có thẻ tín dụng vẫn có thể mua sắm trên các nền tảng trực tuyến thông qua mô hình BNPL.
Khách hàng không có thẻ tín dụng vẫn có thể mua sắm trên các nền tảng trực tuyến thông qua mô hình BNPL.

BNLP (buy now pay later) là loại hình tài trợ tín dụng ngắn hạn cho phép khách hàng mua sắm hàng hoá ngay lập tức mà không phải trả toàn bộ chi phí một lần, chỉ cần chia nhỏ số tiền phải trả thành nhiều lần và thanh toán dần theo từng chu kỳ, thường kéo dài trong vòng một cho đến vài tháng, mà không bị phát sinh thêm bất cứ chi phí nào nếu trả đúng hạn.

Trước đây, người tiêu dùng đã quen với việc trả góp để mua hàng điện máy điện tử, xe máy hoặc mua sắm trực tuyến và thanh toán qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, giờ đây khách hàng không có thẻ tín dụng thì vẫn có thể mua sắm trên các nền tảng trực tuyến thông qua mô hình BNPL.

Điểm nổi trội của BNPL chính là thủ tục đăng ký đơn giản, dễ thao tác và thuận tiện ngay trên thiết bị di động với danh mục sản phẩm đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu sử dụng của khách hàng. BNPL còn hấp dẫn ở chỗ cho phép khách hàng mua sắm ngay lập tức mà không cần có thẻ tín dụng như trước đây.

Với hình thức này, khách hàng có thể mua một đôi giày, một bộ quần áo hay các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày với mức giá không quá cao thông qua hình thức BNPL. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sử dụng khoản vay BNPL để trả các hóa đơn hàng tháng như điện, nước, internet.

Mặc dù các hình thức BNPL vẫn còn khá mới mẻ nhưng dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới, với sự tham gia của các tập đoàn fintech ngoại. Lý do là Việt Nam có quy mô dân số đông, trong đó tỷ lệ người trẻ (18-40 tuổi) đang chiếm ưu thế, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao, ngày càng ưa thích sử dụng các ứng dụng công nghệ để chi tiêu mua sắm.

Theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam của Deloitte, dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến với tỷ lệ từ 68-76% người trẻ trong độ tuổi từ 20-40 có tần suất mua sắm trực tuyến từ 1-3 lần/tháng thông qua các trang thương mại điện tử.

Tương tự, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo từ năm 2021-2025 sẽ là giai đoạn phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, với mức tăng trưởng bình quân có thể lên đến 29% so với 15% trong năm 2020, tiếp tục mở ra cơ hội cho các nền tảng bán hàng trực tuyến phát triển mạnh.

Đây được xem là những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy mô hình BNPL “trỗi dậy” mạnh mẽ và sớm được ưa chuộng tại Việt Nam. Đây cũng là yếu tố dẫn đến cú “bắt tay” của tập đoàn fintech hàng đầu của Indonesia Kredivo và Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit).

Theo ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit, quyết định hợp tác với công ty fintech lớn mạnh như Kredivo thể hiện sự chủ động của VietCredit tuân thủ theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, là khuyến khích các công ty tài chính hợp tác với công ty fintech, để phát triển các giải pháp, mô hình kinh doanh mới với sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi và chi phí thấp.

Đựợc biết, các sản phẩm dự kiến triển khai theo từng giai đoạn, đầu tiên là cung cấp giải pháp thanh toán hóa đơn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cho vay cá nhân. Dự kiến, ứng dụng thương mại điện tử BNPL sẽ chính thức ra mắt trong quý IV sắp tới.

Các tin khác