Muốn minh bạch đốc thúc lên sàn

(ĐTTCO) - Thông tin VPBank chuẩn bị niêm yết 1,3 tỷ cổ phiếu (CP) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 17-8 tới đây, khiến việc niêm yết của ngành NH nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường.
 Như vậy, tính từ đầu năm đến nay đã có 3 NH tiến hành niêm yết theo quy định. Dù vậy, vẫn khó chờ đón một làn sóng niêm yết mạnh mẽ trong năm nay, vì đến giờ nhiều NH vẫn tiếp tục trì hoãn, thậm chí “án binh bất động” kế hoạch niêm yết CP.
Vài NH sốt sắng

Theo thông báo từ HOSE, ngày 8-8, VPBank đã niêm yết 1,3 tỷ CP với mã chứng khoán VPB và sẽ chính thức chào sàn giao dịch trên HOSE từ ngày 17-8. Giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch của VPB là 39.000 đồng/CP.  Như vậy, đây là NH thứ 9 niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán chính thức, sau nhiều năm việc NH lên sàn được nhắc nhở và trông đợi.
Với giá trị vốn hóa ước tính gần 52.000 tỷ đồng, VPBank trở thành NH có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 4 sau Vietcombank, BIDV, VietinBank và là NHTMCP có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Thông tin niêm yết đã đẩy nhu cầu giao dịch và giá CP VPBank trên thị trường tự do tăng đột biến trong thời gian gần đây. Cận ngày chốt quyền Lưu ký, giá CP VPBank giao dịch trên sàn OTC thấp hơn 8% so với mức giá chào sàn của VPBank, nhưng hiện mức giá chào mua trên sàn OTC đã lên đến 39.000 đồng/CP.

Ngày 17-7 vừa qua, LienVietPostBank cũng đã chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS) và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày 8-8, HĐQT LienVietPostBank quyết định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại NH này ở mức 5% vốn điều lệ. Việc giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ được lấy ý kiến cổ đông. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 22-8.
Nếu LienVietPostBank sớm hoàn thành thủ tục để lên sàn vào quý III-2017 như dự kiến, sàn UPCoM có thêm NH thứ 3 niêm yết trong năm nay. Phía ABBank cũng đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận niêm yết và thị trường đang kỳ vọng NH này có thể lên sàn trong năm nay. 

Nhiều NH trì hoãn

Dù thị trường đang đón nhận những thông tin mới về việc niêm yết của các NH trong năm 2017, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khó có một làn sóng niêm yết mạnh mẽ trong năm nay và năm tới. Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán TPHCM cho rằng sẽ có chỉ thêm 3-4 NH nữa niêm yết trong năm nay và khoảng 4-5 NH niêm yết trong năm 2018.
Theo quy định tại Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính, chậm nhất cuối năm 2016, các NH sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM. Trong năm nay, việc niêm yết đã có sự cải thiện khi sàn giao dịch UPCoM đã chính thức chào đón VIB, KienlongBank và tới đây là VPBank niêm yết tại HOSE. Giới phân tích cho rằng áp lực niêm yết từ cơ quan quản lý đối với ngành NH đang tăng, nhưng do số lượng NH cần niêm yết nhiều nên cuối năm nay vẫn chưa phải là thời hạn cuối cùng.
Muốn minh bạch đốc thúc lên sàn ảnh 1 ĐHCĐ 2017 vừa qua, lãnh đạo OCB cho biết sẽ tính việc niêm yết từ 2018.  
Tại ĐHCĐ năm 2017, HĐQT OCB cho biết thời gian qua OCB không lên UPCoM bởi giá CP quá thấp. NH niêm yết với mục đích huy động vốn, không phải theo trào lưu nên cần thời gian phù hợp, nhưng cũng không để cổ đông đợi quá lâu. Đây cũng là lý do khá nhiều NH đã đưa ra khi cổ đông hỏi về kế hoạch niêm yết. Phía OCB cho biết mục tiêu sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), còn về thời điểm phải chờ đến năm 2018.  Tháng 1-2017, Maritime Bank thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung tại VSD nhằm chuẩn bị đăng ký giao dịch 1,17 tỷ CP MSB trên sàn UPCoM. Tại ĐHCĐ năm 2017, HĐQT Maritime Bank cho biết sẽ nỗ lực hoàn thiện sớm các thủ tục lên sàn và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6-2017. Nhưng sau khi biểu quyết về vấn đề này, có đến 71% cổ đông không thông qua cả 3 phương án niêm yết trên sàn HNX, HOSE và UPCoM.  2 NH này chỉ là một trong số nhiều NH còn gặp rào cản trong việc niêm yết dù kế hoạch đã được đặt ra trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, có thể nói, việc NH đưa ra nhiều lý do để chậm niêm yết vì cơ quan quản lý chưa có sự quyết liệt, chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt, dù quy định về thời hạn niêm yết đã được ban hành và NHNN đã nhiều lần hối thúc.Cần quyết liệt hơn
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc niêm yết trên sàn cần thiết đối với các NH. Thứ nhất, điều này thể hiện CP được giao dịch một cách minh bạch trên thị trường vốn. Hiện còn rất nhiều CP NH được giao dịch qua bán riêng lẻ, không thể hiện công khai trên thị trường chứng khoán, không minh bạch giá CP.  Thứ hai, khi niêm yết trên sàn, các NH phải có các báo cáo tài chính kiểm toán độc lập, sẽ minh bạch hóa thông tin tài chính của NH đúng theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam và dần đi đến chuẩn mực của quốc tế. Một điều quan trọng nữa, việc lên sàn sẽ làm sáng tỏ vốn chủ sở hữu của các NH và những người sở hữu NH, giúp giải quyết vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo còn tồn tại trong ngành NH và đã gây ra những hậu quả rất lớn. Đồng thời, niêm yết trên sàn sẽ giúp các NH gọi vốn từ đại chúng.  Cho đến nay, rất nhiều NH có kế hoạch tăng vốn nhưng không phải huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Nếu lên sàn và minh bạch sẽ giúp NH huy động được vốn đầu tư từ kênh này. Tuy nhiên, một số NH chưa sẵn sàng lên sàn vì thông tin tài chính có thể chưa thuận lợi như tỷ lệ mức sinh lời chưa cao, trong tài sản có vấn đề như nợ xấu, đầu tư có tính rủi ro cao hay có thể CP dưới mệnh giá, nếu lên sàn sẽ bộc lộ ra những NH này không được thị trường chào đón…  TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, ở Hoa Kỳ tất cả các NH đều giao dịch CP trên thị trường chứng khoán và thông tin rất minh bạch. Không phải NH nào cũng niêm yết trên thị trường chính thức mà có những NH cũng niêm yết trên thị trường dành cho CP không được rao bán rộng rãi, nhưng tất cả đểu phải niêm yết.
Và một điểm đặc biệt tại Hoa Kỳ là tại website của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và các NH đều công bố bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh mỗi tháng thay vì mỗi quý hay mỗi năm. Dần dần Việt Nam phải tiến đến một hệ thống NH có tính minh bạch cao như vậy mới tiệm cận được chuẩn mực thông lệ quốc tế. 

Ngành NH đang chuẩn bị  triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, việc này cũng phải phải đồng bộ với việc thông tin của các NH được minh bạch hóa trên thị trường. Đối với việc niêm yết, các NH phải có lộ trình thực hiện vì đã trễ hẹn nhiều lần. Để đẩy NH lên sàn là việc có ý nghĩa chính đáng, nhưng muốn các NH đều thực thi theo đúng quy định, Chính phủ và NHNN cần quyết liệt hơn, NH nào không lên sàn đúng thời điểm quy định sẽ bị phạt.

Các tin khác