Ngân hàng đồng hành tạo thuận lợi cho DN nhỏ tiếp cận vốn

(ĐTTCO)-Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đây là dịp để đại diện các ngân hàng, các hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng đồng hành tạo thuận lợi cho DN nhỏ tiếp cận vốn

Đánh giá cao tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, NHNN đã triển khai rất nhiều chính sách ưu đãi để làm tốt vai trò hỗ trợ nền kinh tế, cung ứng các nguồn lực về vốn, tài chính cho doanh nghiệp.
Đảng và Nhà nước đã, đang tạo điều kiện bứt phá, tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế, sự năng động cho các doanh nghiệp trẻ nhưng đôi lúc vẫn còn những vướng mắc trong vấn đề tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng đòi hỏi các bên tích cực trao đổi.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,4%. Ngoài ra, mới đây để tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp, NHNN đã quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, các TCTD chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV với mức lãi suất thấp hơn quy định của NHNN (xuống mức 5,5%/năm đối với nhu cầu vốn ngắn hạn bằng VND) như: BIDV triển khai các chương trình, gói tín dụng đối  với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới 90.000 tỷ như Gói tín dụng ngắn hạn tri ân DNNVV là khách hàng VIP và phát triển quan hệ với DNNVV là khách hàng mới có tiềm năng phát triển, gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh 15.000 tỷ đồng dành cho DNNVV trong năm 2018...

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10 vừa qua, chỉ số tiếp cận tín dụng là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng thẳng thắn thừa nhận: Vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều DN còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn giá rẻ để cho vay ưu đãi các DN; thực hiện chuyển đổi hệ thống quản trị rủi ro hiện đại, khả năng áp dụng các điều kiện được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp không cao. Nguyên nhân nữa từ chính các doanh nghiệp là: Tình hình tài chính doanh nghiệp chưa minh bạch; khả năng quản trị, điều hành của DN hạn chế; thị trường biến động, nhiều sản phẩm thay thế ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của phương án kinh doanh.
Tại buổi toạ đàm, các kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp tập trung vào giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm các điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tiết giảm thủ tục vay vốn…
Khẳng định dư địa cải thiện vẫn còn, lãnh đạo NHNN cho rằng, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD); thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách.
Ngành ngân hàng vẫn cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm phổ biến kiến thức, hiểu biết của công chúng về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình và cách thức tiếp cận vốn vay.
NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc, trong đó có khu vực trung du và miền núi phía bắc.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu các TCTD cần tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân; chủ động tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn.
Các ngân hàng cần cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật. Nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở từng ngành, lĩnh vực, các đối tượng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
Phó Thống đốc mong muốn các hiệp hội ngành, nghề nâng cao hơn nữa vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD và làm đầu mối trong việc hỗ trợ cho các hội viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.

Các tin khác