Ngân hàng muốn tăng vốn, vướng đủ đường

(ĐTTCO) - Các NHTM có vốn nhà nước đang chịu áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II. Tuy nhiên, việc tăng vốn của các NH này lại đối mặt với hàng loạt vướng mắc, khó khăn.
Có tiền cũng không được tăng vốn
Tại Diễn đàn toàn cảnh NH 2018 vừa diễn ra, một trong những khó khăn nổi bật của ngành NH được ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) nêu lên là việc tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước, do gặp vướng mắc về pháp lý và thực tiễn triển khai. Cụ thể, để nâng cao năng lực tài chính, các NHTM có vốn nhà nước phải tăng vốn thông qua một số hình thức như bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.
 Nới room, thậm chí bán 100% cho nước ngoài vì yêu cầu tái cơ cấu, nhưng khó kỳ vọng được nới room ngoại đại trà cho tất cả. Bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, cần đề phòng trường hợp khối ngoại ồ ạt thoái vốn ảnh hưởng đến cả hệ thống. Hơn nữa, hiện khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang rất lớn trong nền kinh tế, nếu nới room sẽ khiến khối đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tiếp tục tình trạng này, dẫn đến nền kinh tế Việt Nam biến thành nền kinh tế nước ngoài. Đây là điều cần cân nhắc kỹ.
TS. TRẦN DU LỊCH,
thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định các NHTM có vốn nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. Trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của nhà nước.
Bởi tăng vốn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II đề ra tại Quyết định 1058 nhưng yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các NHTM có vốn nhà nước (đối với các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; riêng đối với Agribank, triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ).
Cách đây 2 năm, để tăng vốn, BIDV và Vietinbank đã thông qua quyết định chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị NHNN chỉ đạo 2 NH này chia cổ tức bằng tiền mặt, và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách.
Do đó, kế hoạch tăng vốn của 2 NH này đã tắc nghẽn, và từ đó đến nay cổ tức của các NH này đều chia bằng tiền mặt. BIDV đã chọn giải pháp khác để thực hiện dự định tăng vốn thêm 4.445 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng trong năm 2017, là phát hành 239 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2016 với tỷ lệ 7%, phát hành cho người lao động (ESOP) 102,6 triệu cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cũng với 102,6 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thành công. 
Kể từ khi thương vụ bán 7,7% vốn cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC (năm 2016) bất thành do không thống nhất được giá, Vietcombank cũng chưa tăng được vốn. Điều này đã khiến lãnh đạo các NH sốt ruột.
Đầu năm 2018, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã đề xuất cho NH được giữ lại 50% cổ tức của nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn, vì CAR của các NHTM có vốn nhà nước đã sát ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cũng kiến nghị Chính phủ cho Vietinbank được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 và xem xét bổ sung vốn điều lệ cho NH từ các nguồn vốn khác, như từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp vì tình hình rất cấp bách, CAR của NH đã sát ngưỡng tối thiểu quy định.
Đồng thời, lãnh đạo Agribank kiến nghị Chính phủ cho phép được tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách, vì NH có vốn 100% nhà nước. Nhưng một lần nữa, khó khăn mà Cơ quan thanh tra giám sát đưa ra cho thấy, việc tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước còn nhiều gian nan.
Ngân hàng muốn tăng vốn, vướng đủ đường ảnh 1 BIDV muốn tăng vốn điều lệ bằng phát hành cho NĐTNN bên cạnh chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu ESOP. 
Hệ số an toàn đã tiệm cận
Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm cuối năm 2017, Vietinbank có vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng với 64,5% vốn nhà nước, Vietcombank đạt 35.977 tỷ đồng vốn điều lệ với 77,1% vốn nhà nước, BIDV với  vốn điều lệ 34.187 tỷ đồng với 95,3% vốn nhà nước, và Agribank đạt hơn 30.354 tỷ đồng với 100% vốn nhà nước.
Đây cũng là các NH nằm trong nhóm Big 4 của hệ thống. Tuy vậy, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, CAR của các NH này đã tiệm cận mức 9% (cuối năm 2017), nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. 
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã tiến hành xây dựng mô hình dự báo nhu cầu vốn tự có cần bổ sung hàng năm đối với 3 NH là Vietinbank, BIDV và Vietcombank để ước lượng nhu cầu vốn giai đoạn 2018-2020 dựa trên các giả định là tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 14-18%/năm, đáp ứng tỷ lệ CAR là 8%, và tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản áp dụng Basel II khoảng 65-95%.
Kết quả cho thấy tới cuối năm 2020 còn nhu cầu vốn tự có tăng thêm của 3 NH này dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II.

Nới room phải cân nhắc trên tổng thể
Trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng được đặt khá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Cụ thể, Vietcombank đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phần, tương đương tới 10% vốn điều lệ cho NĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2018. Giá bán căn cứ theo giá thị trường do công ty thẩm định giá tư vấn và xác định theo 10 phiên giao dịch gần nhất.
Tuy nhiên, trước đây Vietcombank cũng đã từng thất bại trong giao dịch bán vốn với GIC, do không thống nhất được giá nên vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về phương án này. BIDV cũng tăng vốn điều lệ bằng cách tập trung vào phát hành cho NĐTNN bên cạnh chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu ESOP.
Riêng Vietinbank, do NĐTNN đang sở hữu 27,76%, room còn lại chỉ còn khoảng 2,24%, nên chỉ đặt kỳ vọng vào tăng vốn điều lệ từ cổ đông và đang đề xuất với NHNN và Bộ Tài chính được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tháng 3-2018, trả lời câu hỏi từ nhà đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, trước câu hỏi về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt và quan trọng, quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và minh bạch.
Ở lĩnh vực NH, như với trường hợp Vietcombank, Nhà nước vẫn phải nắm giữ 65% cổ phần. Trước đó, trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Thủ tướng cũng nói sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN tại các NH cũng như sẽ nới rộng khả năng tiếp cận đến thị trường chứng khoán trong năm nay. Theo đó, đã xuất hiện kỳ vọng room cho khối ngoại được nâng lên, và khi đó các NH này sẽ có điều kiện tháo gỡ bớt khó khăn trong việc tăng vốn. Song đến nay vẫn chưa có thông tin mới về vấn đề này. 

Các tin khác