Ngân hàng số khát nhân lực chất lượng cao

(ĐTTCO)-Covid-19 không chỉ khiến hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều công ty phải đối mặt với những quyết định nhân sự khó khăn, bao gồm cả việc sa thải hoặc cắt giảm lương. Tuy nhiên, với các ngân hàng (NH) đây lại là cơ hội tuyển dụng nhân sự có chất lượng cao cho chiến lược chuyển đổi số.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cơ hội trong khó khăn
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Adecco Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp nhân sự, 30% doanh nghiệp giảm số lượng nhân viên từ 1-20% và 16% doanh nghiệp thậm chí phải cắt giảm 21-40% số lượng nhân viên hiện tại.
Trong đó 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 
Tuy nhiên, Covid-19 được xem là yếu tố thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành NH sớm thêm 3-5 năm, đặt hệ thống NH trước yêu cầu phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ là bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tại khu vực châu Á, NH kỹ thuật số được đánh giá có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Và NH kỹ thuật số mới đang tác động tích cực tới sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm ngành tài chính, NH cho các cá nhân và công ty.
Điểm cộng của NH số so với các NH truyền thống là tạo ra doanh thu cao hơn, với chi phí vận hành thấp và tốc độ mở rộng thị trường nhanh hơn, cho phép tiếp cận hệ sinh thái của các doanh nghiệp và khách hàng, mang lại lợi ích theo cấp số nhân về kiến thức và dữ liệu.
Tại thị trường Việt Nam, các NH hay công ty tài chính vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí một số ngành liên quan tới công nghệ, như thương mại điện tử hay NH số còn tìm được cơ hội phát triển ngay trong mùa dịch. Số liệu từ Vụ Thanh toán (thuộc NHNN), cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua internet, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019).

Cạnh tranh hút người tài
Chuyển đổi số mang tới cơ hội nhưng cũng kèm theo đó là thách thức về nhân sự cho ngành NH. Bởi muốn chuyển đổi số hiệu quả phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh.
Vì vậy, giữa các NH diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt. Thậm chí, sự cạnh tranh nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các NH, còn giữa NH với các công ty fintech, những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.
Thực tế, do các NH đang tập trung phát triển dịch vụ số hóa, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Các vị trí có nhu cầu cao gồm phát triển kinh doanh cho dịch vụ NH, phân tích trải nghiệm khách hàng và mảng công nghệ thông tin như quản lý dự án, phân tích dữ liệu.
Để giải quyết thách thức này, các NH ưu tiên tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài hoặc Việt kiều về nước làm việc. Thế nhưng, việc tìm kiếm không hề dễ, do nhu cầu tuyển dụng các vị trí này tăng cao, trong khi nguồn ứng viên hạn chế vì lĩnh vực NH số mới phát triển. Vì lý do này, các NH sẽ phải tuyển dụng các ứng cử viên trái ngành.
Ông Bùi Hải An, Giám đốc vận hành Timo, một trong những NH số đầu tiên tại thị trường Việt Nam, cho biết NH số là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nên nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các NH truyền thống với chuyên môn tài chính, hoặc từ các công ty công nghệ.
Mặt trái của việc tuyển dụng là NH phải đào tạo lại các ứng viên, nhưng giải pháp này cũng có những ưu thế nhất định. Timo theo đuổi mô hình tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính, nên các vị trí phân tích trải nghiệm khách hàng sẽ thích hợp với các ứng viên có chuyên ngành ngành tài chính, hoặc các ngành dịch vụ bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, du lịch. 

Lương không còn là yếu tố quyết định
Nhân sự NH số chất lượng cao phải đáp ứng tiêu chí 3 trong 1, gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. 
Do gặp khó khăn trong tuyển dụng, các NH phải có chính sách giữ chân người tài như chú trọng công tác đào tạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các chính sách phúc lợi để giữ chân nhân tài.
“Một trong những giải pháp Timo sẽ triển khai là đưa ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nhân sự, gia tăng tính linh hoạt trong việc tổ chức các chương trình khen thưởng, tạo môi trường làm việc cởi mở, từ đó tạo ra môi trường làm việc thoải mái, giúp nhân viên và công ty đạt được hiệu quả, năng suất tốt hơn” - ông An chia sẻ.
Theo khảo sát của Anphabe về khái niệm đánh giá nơi làm việc tốt nhất, lương đã không còn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Bên cạnh đó, yếu tố gắn bó của nhân sự đối với doanh nghiệp bao gồm đặc điểm công việc, tiền lương và sự công bằng, cơ hội đào tạo và phát triển, sự trao quyền, thương hiệu tổ chức, sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp, sự khen thưởng và công nhận thành tích.
Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập của ngành NH. 
Bà Ngô Thúy Hân, Tổng giám đốc BravoHR, công ty cung cấp ứng dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết năm 2020 đầy khó khăn và thử thách đối với hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ như BravoHR. Tuy nhiên, BravoHR vẫn có thêm khách hàng doanh nghiệp lớn đến từ các ngành nghề đa dạng, trong đó có ngành NH.
Tín hiệu đáng mừng là lãnh đạo NH đã đánh giá đúng tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công ty, cũng như có kế hoạch phát triển nhân lực dài hạn, đưa ra những chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân người tài, thay vì chỉ tập trung khâu tuyển dụng đầu vào như hiện nay.

Các tin khác