Ngân hàng yếu: Đã yếu còn thiếu minh bạch

(ĐTTCO) - Trong 3 năm qua, thông tin về việc bán các NHTMCP yếu kém nhiều lần được nhắc đến, tuy nhiên vẫn chưa có thương vụ nào thật sự diễn ra. 
Ngân hàng yếu: Đã yếu còn thiếu minh bạch
Hiện Chính phủ đã mở ra một hướng giải quyết cho các NH này, khi hạn chế và không cấp thêm giấy phép hoạt động cho NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thay vào đó khuyến khích mua lại những NH yếu kém trong nước và chuyển thành NH 100% vốn ngoại. Tuy vậy, việc bán NH yếu kém vẫn sẽ không dễ vì thiếu minh bạch thông tin.
Mở lối cho nhà băng yếu
Định hướng bán NH yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã được đặt ra từ năm 2016. Thời điểm đó, theo thông tin được công bố, NH Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một NHTM yếu kém của Việt Nam bị mua lại với giá 0 đồng, và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém.
Cuối năm 2017, trên thị trường cũng xuất hiện thông tin Oceanbank đang trong quá trình đàm phán để bán cho một NĐTNN trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, cho đến nay, các NH 0 đồng vẫn nằm trong danh sách các NHTM nhà nước. 
Gần đây, Chính phủ tiếp tục đưa ra định hướng mở lối thoát cho các NH này, thông qua việc công bố chủ trương sẽ bán và chuyển giao những NH yếu kém và NH trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như CB, GPBank, OceanBank…
Đặc biệt, Chính phủ sẽ hạn chế và không cấp thêm giấy phép hoạt động cho NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng vẫn khuyến khích và cho phép các tổ chức, NH nước ngoài mua lại những NH yếu kém trong nước và chuyển thành NH 100% vốn ngoại. Đây là một thông tin thu hút sự quan tâm của giới tài chính NH cả trong và ngoài nước trong thời gian gần đây.
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, việc bán, chuyển giao cổ phần của các NH yếu kém, đặc biệt là 3 NH 0 đồng là yêu cầu cần thiết, vì các NH này đang ở giai đoạn cần tập trung phục hồi, do đó cách tốt nhất là thu hút một số cổ đông chiến lược đầu tư dài hạn hoặc bán 100% vốn cho nước ngoài. Nếu NHNN tiếp tục sở hữu kéo dài, nguồn lực để hỗ trợ cho các NH cũng khó khăn, nhất là trong vấn đề đảm bảo thanh khoản.
Hướng đi này hoàn toàn phù hợp về mặt pháp lý, không sai Luật các TCTD, vì Việt Nam đã cho phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, đối tác nước ngoài quan tâm tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa có cam kết chắc chắn, số lượng đối tác quan tâm đến các NH yếu kém cũng khá hiếm hoi. 
Trong một báo cáo mới đây, hãng nghiên cứu Fitch Solutions nhận định, ngành NH Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các NH quốc tế. Ngoài các NH 100% vốn đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, còn có nhiều NH nước ngoài khác đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các NH nước ngoài lại muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thông qua hình thức công ty 100% vốn nước ngoài, thay vì hợp tác liên doanh với những NH trong nước đang có nhiều vấn đề.

Muốn bán phải công khai báo cáo tài chính
Việc đối tác nước ngoài muốn thâm nhập và NH yếu kém muốn bán cổ phần nhưng hai bên chưa thể gặp nhau bởi cho đến nay hoạt động của các NH yếu kém vẫn còn nhiều tồn tại khó xử lý.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 5, tỷ lệ nợ xấu tại 3 NH 0 đồng năm 2016 rất cao. Cụ thể, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; CB có nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và TCTD) 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng). Đã vậy thông tin về các NH này rất hiếm hoi, vì kể từ khi được mua lại 0 đồng hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, các NH không công bố bất kỳ một báo cáo tài chính nào. 
Hết năm 2017, CB chỉ cho biết số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng, thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ), nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. GPBank cho biết tính đến 29-12-2017, huy động tiền gửi tăng 3,9%, dư nợ cho vay tăng 11,4% so với cuối năm 2016. NH chỉ cho biết dư nợ xấu giảm so với năm trước, tích cực xử lý nợ, thu hồi các khoản nợ xấu, thoái vốn đầu tư… nhưng không công bố số liệu.
Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của các NH này trên thị trường ngày càng mờ nhạt. 
 Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, hiện nay Chính phủ đã mở lối thoát cho các NH yếu kém thông qua việc cho phép bán 100% cổ phần cho nước ngoài, nhưng muốn bán được các NH phải sớm minh bạch số liệu. Vì trước khi quyết định đầu tư vào NH nào, các nhà đầu tư luôn kiểm tra tình hình sức khỏe của NH đó.
Thực tế hiện có rất nhiều NH được NHNN công nhận sức khỏe bình thường, nhưng việc mời gọi đối tác chiến lược cũng gặp nhiều khó khăn cũng chỉ do vấn đề minh bạch thông tin. Gần đây, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị định về một số nội dung đặc thù về chế độ tài chính đối với TCTD yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, trong đó có quy định trách nhiệm của các TCTD yếu kém là thực hiện công bố công khai báo cáo tài chính theo quy định của NHNN. Nhưng điều này cần phải được quy định, vì không chỉ giúp các NH tuân thủ yêu cầu công khai minh bạch, mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu để NĐTNN tìm hiểu và đầu tư vào các NH này. 
Hiện nay, vốn điều lệ của các NH 100% nước ngoài chỉ khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm 5,94% tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống, tuy nhiên khả năng sinh lời của các NH này rất khả quan. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của HSBC Việt Nam 2.232 tỷ đồng, ANZ Việt Nam 1.335 tỷ đồng, Shinhan Bank Việt Nam 1.617 tỷ đồng.
Đây là mức lợi nhuận rất cao so với những NH có quy mô tổng tài sản trên dưới 100.000 tỷ đồng. Do vậy nếu vào Việt Nam bằng cách “ôm” 1 NH yếu kém, khả năng sinh lợi trong vài năm đầu gần như mờ mịt, thay vào đó phải hỗ trợ xử lý khá nhiều vấn đề trong hoạt động, nên sẽ khó có NH ngoại nào nhảy vào.

Các tin khác