Nghị quyết xử lý nợ xấu: Dù đã thông nhưng sẽ vướng

(ĐTTCO) - Trong Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua có 3 điểm đáng chú ý: 

Xác định thời điểm khoản nợ xấu được áp dụng xử lý; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết là một trong các hoạt động phát sinh nợ xấu; áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn. Đây là những vấn đề cần thiết để xử lý nợ xấu, nhưng các chuyên gia cho rằng cần có thêm những giải thích cụ thể, cũng như phải theo dõi tình hình thực tế.
Cần làm rõ hơn về thời hạn

Thời gian bình quân giải quyết tranh chấp giữa chủ nợ và con nợ tại Việt Nam theo con đường tòa án là 400 ngày, chi phí chiếm 29% giá trị khoản nợ. Đến cuối tháng 3-2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 18.838 vụ án dân sự có liên quan đến tín dụng, NH, số tiền thi hành hơn 76.000 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thi hành xong 1.654 việc, với số tiền hơn 10.524 tỷ đồng.
Theo Điều 4 của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, nợ xấu là khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017, cũng là ngày nghị quyết có hiệu lực. Vì vậy, có ý kiến lo ngại các NH sẽ tranh thủ cho vay trước thời hạn đó, vì nếu nợ xấu có tăng vẫn được xử lý theo nghị quyết.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng khó có khả năng đó, vì tăng nợ xấu ảnh hưởng đến các NH. Hơn nữa, khi đã cho vay ra, NH luôn muốn thu hồi nợ chứ không bao giờ muốn vướng nợ xấu; và cũng không có dấu hiệu NHTM trục lợi thông qua việc cho vay nhằm tịch thu tài sản đảm bảo (TSĐB) của người vay. 

Dù vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu phản ánh trong nghị quyết quy định nợ xấu là khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017 và kèm theo 2 điều khoản xác định nợ xấu, quy định này lại có thể hiểu 2 nghĩa khác nhau. Hiểu theo nghĩa rộng, những khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017 chưa trở thành nợ xấu, nhưng sau ngày 15-8-2017 những khoản đó trở thành nợ xấu có thể áp dụng xử lý theo nghị quyết này.
Còn theo nghĩa hẹp, nghị quyết này chỉ tính cho những khoản nợ xấu phát sinh cho đến ngày 15-8-2017, còn nợ bình thường sau ngày 15-8 trở thành nợ xấu không thuộc vào phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này. Do đó, cần phải có sự giải thích cụ thể để các TCTD xác định những khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu theo quy định tại nghị quyết này. Rủi ro TPDN “trao tay”
Trong Phụ lục xác định nợ xấu nêu rõ các hoạt động phát sinh nợ xấu bao gồm cả hoạt động mua, ủy thác mua TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Một chuyên gia tài chính nhận định đây là yêu cầu cần thiết, vì TPDN được phát hành ngày càng nhiều nhưng niêm yết và giao dịch trên cả 2 sàn còn rất thấp, các giao dịch chủ yếu thực hiện qua trao tay.  Theo thống kê của Bộ Tài chính, 129.636 tỷ đồng TPDN được phát hành trong năm 2016, tăng 203,1% so với năm 2015. Số dư trái phiếu tăng trưởng mạnh cả về con số tuyệt đối lẫn con số tương đối, từ 3,24% GDP năm 2014 và 3,39% năm 2015 lên 5,25% GDP năm 2016. Về nguyên tắc, TPDN và các món vay khác đều bình đẳng, NH vẫn sẽ cẩn trọng lựa chọn đầu tư vào các DN có nền tảng tài chính ổn định, hạn chế rủi ro. Nhưng thực tế việc phát hành TPDN lại có tình trạng các DN liên quan đến NH phát hành, nên các NH cũng ưu ái mua TPDN đó hơn. Trong khi đó, những năm gần đây nợ xấu từ TPDN không còn là chuyện hiếm gặp.  Ở các nước, phát hành TPDN phải đi theo những trình tự, thủ tục rõ ràng. Các DN có năng lực trả nợ phát hành trái phiếu và trái phiếu đó được giao dịch trên sàn chứng khoán dành cho nhà đầu tư đại chúng. DN sẽ chọn 1 NH làm trung gian tư vấn cho nhà phát hành và nhà đầu tư. Còn ở Việt Nam không theo trình tự, thủ tục đó mà nhiều DN còn trực tiếp phát hành TP cho NH. Như vậy, NH cũng chỉ là tổ chức cho vay nợ dưới hình thức mua TPDN thay vì nắm giữ TSĐB và sinh lợi như cho vay thông thường.  Trường hợp sau khi phát hành trái phiếu nhưng DN tiếp tục không vực dậy được, NH sẽ gánh chịu. Hơn nữa, hoạt động đầu tư TPDN của NH cũng không loại trừ trường hợp DN có nợ xấu tại NH, sau đó phát hành TPDN để NH mua lại và DN dùng tiền này trả nợ NH để xóa nợ xấu. Vì vậy, trước đó NHNN đã đưa TPDN vào diện kiểm soát, giám sát. Cụ thể, tại Thông tư 22/2016 của NHNN quy định về việc mua TPDN của TCTD quy định TPDN được tính chung vào tổng dư nợ cấp tín dụng và TCTD cũng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro như các món vay khác. 
Nghị quyết xử lý nợ xấu: Dù đã thông nhưng sẽ vướng ảnh 1
Quyền chủ nợ còn phải tùy thực tế
Trong Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có 2 điểm được đánh giá sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ xấu trong vòng 5 năm tới. Một là quyền thu giữ TSĐB của TCTD. Tức trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao TSĐB cho TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý; TCTD, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được thu giữ TSĐB. Hai là tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSĐB của khoản nợ xấu của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghị quyết quy định.  Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nợ xấu phát sinh trong hoạt động của các NH cũng là điều bình thường, tuy nhiên ở Việt Nam vấn đề này lại không bình thường vì tắc nghẽn vấn đề quyền của chủ nợ trong xử lý TSĐB, dẫn đến khó xử lý nợ xấu. Nghị quyết này sẽ bảo vệ quyền lợi của cả 2 bên cho vay và đi vay, chủ yếu xử lý những bất cập hành chính và tư pháp để quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, kỳ vọng sau khi nghị quyết này được ban hành với nhiều cơ chế hỗ trợ, NH sẽ xử lý TSĐB đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu đang rất lớn. Song TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, theo tinh thần của nghị quyết, thủ tục tố tụng được phép rút gọn, nhưng thực tế nếu người đi vay không đồng ý với những phương thức giải quyết của NH, hoặc không đồng ý phán quyết của tòa án vẫn có thể kiện lại NH. Trong trường hợp này, thủ tục tố tụng cũng sẽ kéo dài.
Do đó, về nguyên tắc quy định đặt ra đúng và phù hợp, nhưng có rút gọn được hay không phải tùy vào tình hình thực tế ứng xử của 2 bên. Còn nếu 1 trong 2 bên muốn kéo dài vụ kiện để tranh thủ quyền lợi một cách chính đáng, luật pháp cũng phải tôn trọng những vụ kiện đó.

Các tin khác