Ngóng cổ tức khi vào mùa đại hội ngân hàng

(ĐTTCO) - Khi mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của NHTM bắt đầu, vấn đề cổ tức tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của cổ đông và nhà đầu tư, nhất là trong năm nay khi kết quả hoạt động của ngành NH có sự khởi sắc đáng kể. 
Tuy vậy, những thông tin đầu tiên trong mùa ĐHCĐ năm nay cho thấy tình trạng trả cổ tức mỗi NH mỗi kiểu, tùy điều kiện của từng NH.
Cổ phiếu hấp dẫn như tiền mặt
Số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố từ NHNN, tại thời điểm cuối quý III-2017, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống các TCTD đã cải thiện nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, ROA của toàn hệ thống đạt 0,57% (quý III-2016 đạt 0,45%), ROE đạt 7,64% (quý III-2016 đạt 5,66%). Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cung cấp, chỉ số sinh lời của các NHTM đã đạt đến 11%, thậm chí một số NH đã vượt mức 14-15%, đạt được mức trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á. 
 Theo ghi nhận từ thị trường hiện nay, để có tiếng nói chung một số cổ đông của NH nhỏ giao dịch trên OTC cũng đang thực hiện ủy quyền cho một đại diện tham dự ĐHCĐ, để yêu cầu các NH thực hiện chi trả cổ tức. Tuy nhiên dự báo kết quả khá mong manh, vì nhóm NH này vẫn còn chịu sự giám sát chặt của NHNN trong đó có cả giám sát cổ tức. 
Gần đây, các công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo lạc quan về hoạt động của ngành NH. Cụ thể, năm 2018 lợi nhuận sau thuế bình quân của các NH niêm yết sẽ đạt hơn 20% và mức ROE toàn ngành vào khoảng 14%.
Lạc quan hơn, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành NH có khả năng đạt khoảng 40%. Những dự báo này được đưa ra trên các cơ sở như các NHTM đã có sự cải thiện lớn về nền tảng hạ tầng, mảng bán lẻ nhiều tiềm năng đang trên đà phát triển, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, gia tăng thu nhập cho các NH.
Đồng thời, trong năm 2018 hoạt động xử lý nợ xấu cũng được kỳ vọng cao càng được thúc đẩy nhanh tiến độ, tích cực và thực chất hơn khi khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo ngày càng được hoàn thiện, cùng với đó là thị trường bất động sản khởi sắc. Với các yếu tố trên, vốn hóa ngành NH dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn tới VN Index nhờ xu hướng niêm yết của các NHTMCP. Theo đó, cổ phiếu NH cũng được dự báo sẽ là cổ phiếu dẫn sóng trong năm 2018.
Ngóng cổ tức khi vào mùa đại hội ngân hàng ảnh 1 Với cổ đông VPBank, việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu vẫn hào hứng. Ảnh: P.LONG 
Từ triển vọng lạc quan của nhóm cổ phiếu NH, các chuyên gia nhận định, trong mùa ĐHCĐ NH năm nay, cổ đông các NH lớn đã niêm yết hoặc sắp niêm yết sẽ không quá khắt khe đối với hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư cho biết, nếu cổ phiếu của một NH đang trên đà tăng, nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng có giá trị như nhận cổ tức bằng tiền mặt, trường hợp cổ phiếu tăng mạnh sẽ có lợi hơn cả nhận tiền mặt.
Chẳng hạn, các cổ đông được chia cổ tức bằng cổ phiếu của VPBank hiện nay có lời vì giá cổ phiếu. VPBank trong ngày giao dịch trên sàn đầu tiên (17-8-2017) là 39.000 đồng/cổ phiếu và liên tục tăng đến ngày 7-3-2018 đã lên mức 61.800 đồng/cổ phiếu. 
Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2018, lãnh đạo Vietcombank, BIDV và Vietinbank cùng đề nghị Thủ tướng cho phép giữ lại cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, vì đây là yêu cầu cấp bách để chỉ số an toàn vốn đáp ứng quy định của NHNN cũng như thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, việc giữ lại cổ tức để tăng vốn khó xảy ra, vì cổ tức của các NH này còn liên quan đến ngân sách. Còn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt mặc dù vẫn phải chờ đến ĐHCĐ mới có kết quả, nhưng nhờ sự cải thiện trên sàn chứng khoán nên các cổ đông của các NH này đang bình thản chờ ngày diễn ra ĐHCĐ.

Nhưng nơi có nơi không
Năm nay, ĐHCĐ của các NH diễn ra khá sớm. Techcombank vừa mở màn mùa ĐHCĐ của NH năm 2018 vào ngày 3-3, sau khi tạo sự bất ngờ cho thị trường thông qua việc công bố lợi nhuận năm 2017 đạt 8.036 tỷ đồng. Trong tháng 3 này cũng sẽ có nhiều NH dự kiến tổ chức ĐHCĐ như MB, VIB, LienVietPostBank…
Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, Techcombank đã báo cáo chi tiết kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng khả quan, như tại thời điểm 31-12-2017 tổng tài sản đạt 269.392 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tới cuối năm 2017 đạt 12,68% cao hơn mức 9% theo yêu cầu của NHNN. Năm 2017 Techcombank cũng đã mua lại toàn bộ 2.922 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt từ Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC). Tính chung cả năm 2017, lợi nhuận trước thuế cao hơn gấp đôi so với năm 2016 và vượt kế hoạch 60%, NH mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) trong năm 2018.
Tuy nhiên, dù kết quả khả quan như vậy, nhưng năm nay HĐQT Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án không chia cổ tức. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ cộng với lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tổng cộng hơn 9.345 tỷ đồng đã được giữ lại để tăng vốn tự có, vốn cổ phần của NH theo quy định pháp luật. Tính đến nay, các cổ đông đã trải qua 8 năm chưa nhận được một đồng cổ tức nào từ Techcombank, nhưng vẫn hài lòng vì giá của Techcombank trên thị trường OTC khá cao.
Trong khi đó, tại HDBank, lãnh đạo NH cho biết dự kiến năm nay sẽ chia cổ tức với tỷ lệ từ 25-30% bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng cho các cổ đông. So với mức cổ tức của NH trong những năm gần đây, tỷ lệ chia cổ tức mà HDBank thực hiện khiến cổ đông rất phấn khởi.
Một NH nữa cũng có thông tin chia cổ tức hấp dẫn là LienVietPostBank với tỷ lệ trả cổ tức dự kiến là 15% thay vì 12% như đã thông qua, nhờ lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đề ra. Trong ĐHCĐ năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 9.200 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 8%. Đến hết năm, lợi nhuận của NH đã tăng vượt trội với 11.018 tỷ đồng cũng tạo ra kỳ vọng được thưởng thêm cổ tức cho cổ đông.
Năm ngoái, VPBank chia cổ tức với tỷ lệ 31,84% và là một trong những NH sớm hoàn tất kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông, nên đây cũng là một NH đang được thị trường theo dõi về tình hình cổ tức năm nay. Với Eximbank, sau thông tin lợi nhuận cải thiện mạnh đạt 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm, nhưng lại xảy ra vụ việc khách hàng mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm vừa mới xảy ra, giới đầu tư dự báo khả năng chia cổ tức rất thấp. 
Ngược lại tại các NHTM nhỏ, NH đang tái cơ cấu nên hiện chưa có thông tin về cổ tức, nhưng các chuyên gia dự báo việc chia cổ tức vẫn là điều xa xỉ với cổ đông, xu hướng chung sẽ không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư phải tuân theo nguyên tắc thị trường, phải chịu rủi ro nên trong trường hợp này, nếu các cổ đông nhỏ muốn được hưởng cổ tức phải có giải pháp để đòi các cổ đông lớn thực hiện yêu cầu, nhưng nếu không đòi được vẫn phải chấp nhận. 

Các tin khác