Nhà băng mua TPDN Biến tướng và rủi ro tiềm ẩn

(ĐTTCO) - Trong các bài viết gần đây, ĐTTC ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia lo ngại rủi ro trước sự tăng trưởng nóng của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN),  và cơ quan quản lý cũng có nhiều động thái muốn quản chặt hơn. Đó là Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết lại việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua, bán TPDN có hiệu lực từ ngày 15-1-2022. Liệu quy định này có siết được hoạt động đầu tư TPDN của NH trong thời gian tới?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
NHTM có mặt khắp mọi nơi
Thị trường TPDN hình thành từ năm 2000, song đến năm 2011 khi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN có hiệu lực, thị trường này mới bắt đầu phát triển, và đến năm 2018 đánh dấu sự tăng trưởng rõ rệt.
Trong năm này, quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 53% so với năm 2017 và tăng gấp 32 lần so với năm 2011. 
Sự tăng trưởng đó không ngừng bứt phá cho đến nay. Sự tăng trưởng của thị trường TPDN làm tăng kỳ vọng kênh TP thay thế kênh tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn cho các NH.
Tuy nhiên, hiện tại có nhiều lo ngại trước tốc độ phát triển quá nóng của TPDN. Theo số liệu thống kê, năm 2020 giá trị phát hành TPDN đạt mức kỷ lục 429.500 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019. 
Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA), năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị 595.000 tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 570.000 tỷ đồng (chiếm 95,8% tổng giá trị phát hành).
Con số trên cho thấy TPDN vẫn tăng nóng trong năm 2021 dù đã có hàng loạt nghị định, thông tư được ban hành năm 2020 với mục đích hạ nhiệt thị trường TPDN. Khi xu hướng chuyển huy động vốn sang thị trường TPDN, các nhà băng cũng không nằm ngoài cuộc với thứ hạng huy động cao trong thị trường.
Trong năm 2021, nhóm NHTM đã vượt nhóm bất động sản, dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng 223.010 tỷ đồng. Các NH không chỉ phát hành TPDN, mà còn trở thành môi giới hỗ trợ về kỹ thuật, bảo lãnh phát hành và nhận phân phối cho công ty phát hành TP, đồng thời là một trong những người mua chính trên thị trường TPDN. 
Trong báo cáo “Thị trường TPDN” do CTCP Chứng khoán SSI công bố tháng 11-2021, cho biết NH và CTCK chiếm tỷ trọng cao trong bên mua sau Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực.
Theo đó, có tới gần 60% lượng TPDN phát hành do các NH và CTCK nắm giữ. Cụ thể, các NH đã mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm 27,3%; các CTCK mua 148.400 tỷ đồng, chiếm 32,6%. 
Như vậy, NHTM không chỉ đóng vai trò chính trên kênh tín dụng, còn tích cực tham gia kênh TPDN, trong khi mục tiêu chung đặt ra cho phát triển thị trường này nhằm gỡ bỏ gánh nặng vốn trung và dài hạn cho chính họ.
Điều này bất hợp lý, kèm theo đó nhiều rủi ro được cảnh báo bởi sự tham gia này có vẻ làm thị trường bị méo mó. Khi gia nhập kênh này, NH có xu hướng rót vốn vào TPDN ngày một dày hơn, khi cơ quan quản lý siết chặt hoạt động cho vay vào các lĩnh vực rủi ro.
Đồng thời, cũng qua nguồn này các NH đang rót vốn lẫn nhau trong bối cảnh cần đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn như hệ số CAR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Basel II.
Đã có nhiều cảnh báo rủi ro. Nhưng kể từ ngày 15-1-2022, hoạt động mua TPDN của các NH được cho sẽ bị siết lại. Theo đó, NHNN ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán TPDN của NH.
Cụ thể, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN mới được mua TPDN, và TPDN được mua phải đáp ứng một số tiêu chí an toàn cho bên mua. NH cũng phải giám sát dòng tiền của DN phát hành sau khi mua TPDN.
Không có chế tài, có đảm bảo tuân thủ?
Có thể hiểu, siết NH mua TPDN nhằm hạn chế vốn NH chảy vào lĩnh vực bất động sản qua kênh này. Mặc dù các DN bất động sản thường không công khai người mua, nhưng với thị phần nắm giữ cao TPDN của NH cũng như CTCK trực thuộc NH, cho thấy nguồn tiền từ nhà băng chảy vào đây không nhỏ.
Bộ Tài chính nhận định TPDN phát hành riêng lẻ dù tỷ lệ có tài sản đảm bảo cao, nhưng chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Đồng thời, có DN bất động sản phát hành đã ghi nhận lỗ. Đây là rủi ro tiềm ẩn với những hệ lụy khó lường. 
Mục đích thứ 2 của Thông tư này được cho nhắm đến việc siết NH mua trái phiếu lòng vòng lẫn nhau. Vì theo công bố của nhiều nhà băng, đa số đợt phát hành hàng ngàn tỷ đồng đều được TCTD khác hoặc CTCK có liên quan đến TCTD khác mua lại.
Cuối năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành TP, nhất là TP riêng lẻ của các DN bất động sản, TCTD có liên quan đến DN bất động sản, DN có khối lượng phát hành lớn lãi suất cao, DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, DN phát hành không có tài sản bảo đảm…
Vậy sắp tới với quy định mới, hoạt động mua TPDN của các nhà băng có bị siết chặt? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Theo quy định mới, NH không được mua TPDN được phát hành với mục đích cơ cấu nợ, góp vốn mua cổ phần và tăng vốn.
Nhưng thực tế, ngoại trừ một vài NH công bố phát hành TP để tăng vốn cấp 2, còn lại các đơn vị phát hành hiếm khi nào công bố mục đích này khi phát hành TP. Đã có nhiều nhận định cho rằng NH ào ạt mua TPDN thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, nhưng để chứng minh vẫn là điều khó khăn. Vì thế, quy định này cũng khó kiểm soát được mục đích các đợt phát hành TPDN. 
Hay quy định về tỷ lệ nợ xấu của TCTD mua TPDN phải ở mức dưới 3%, TCTD mua TP phải giám sát dòng tiền của DN phát hành… cũng chỉ có ý nghĩa trên lý thuyết. Vì hiện nay, đa số NHTM đều có tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3% do họ có thể bán nợ cho VAMC đưa ra ngoại bảng, cũng như đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn cho dịch Covid-19.
Thậm chí, nếu NH tuân thủ trên lý thuyết, họ cũng có thể lách bằng cách không mua trực tiếp mà chuyển sang mua gián tiếp thông qua các CTCK hoặc quỹ đầu tư trực thuộc. 

Các tin khác