Nhân lực nhà băng thời công nghệ số

(ĐTTCO) - Nhảy việc, dịch chuyển sang các tổ chức có yếu tố nước ngoài và cuối cùng có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), là xu hướng của nguồn nhân lực NH tại Việt Nam.

Chảy máu chất xám
Đây là lo ngại thường trực của hầu hết NH hiện nay. Tình trạng nhảy việc đang diễn ra khá thường xuyên giữa các TCTD, đặc biệt ở các NHTMCP quy mô nhỏ, hoặc tầm trung. Hoàng Lê, nhân viên giỏi của một công ty tài chính 100% vốn nước ngoài được một công ty mới thành lập của NHTMCP S. chào mời về làm trưởng phòng với mức lương cao hơn.
Cô băn khoăn về danh tiếng và sự bền vững của công ty mới. Xin lời khuyên từ một cán bộ NHNN lâu năm, ông này nói: “Nên đi, ở chỗ làm hiện tại còn chờ lâu lắm mới  leo lên làm trưởng phòng. Sang chỗ mới, lãnh đạo ngay. Làm một vài năm, nếu không thích lại nhảy sang tổ chức khác, thậm chí về lại công ty cũ, lúc đó cô đã ở vị thế cao hơn để thương lượng chức vụ và lương”. 
Nhảy việc được coi là mánh rút ngắn thời gian thăng tiến của nhiều nhân viên NH. Tình trạng này khiến một số NH phải thay đổi tiêu chuẩn nhân sự. Giám đốc chi nhánh NHTMCP S. tại Hà Nội, nói: “Trước đây chúng tôi đặt tiêu chuẩn tuyển dụng cao: sinh viên tốt nghiệp các trường kinh tế tài chính nổi tiếng, bằng giỏi, thạo tiếng Anh, hình thể đẹp… nhưng sau thấy không ổn.
Những bạn có đủ các tiêu chuẩn trên khi đã thạo việc, trước chào mời khác đã nhảy việc mang theo cả khách hàng quen, thậm chí bí mật kinh doanh của NH. Sợ nhất là những nhân viên tín dụng sau khi làm xong các bước đầu trong quy trình cho vay và NH đã giải ngân xong, họ bỏ đi để cho nhân viên khác phải giám sát tín dụng, không thể biết được thực trạng tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của khách hàng… để đảm bảo khả năng thu nợ.
Vì vậy, NH phải hạ thấp tiêu chuẩn bằng cấp và hình thể. Thậm chí chấp nhận cả sinh viên cao đẳng cho một số vị trí. Đối với những bạn này được vào làm việc tại các NH danh tiếng đã là ước mơ của họ. Họ an tâm làm việc lâu dài cho NH tuyển dụng”.
Nhân lực nhà băng thời công nghệ số ảnh 1 Nguồn nhân lực NH thời công nghệ số thường luân chuyển từ nơi này sang nơi khác. Ảnh: PHẠM LONG 
Lợi thế yếu tố ngoại
Trong một buổi giới thiệu, lãnh đạo công ty tài chính L. 100% vốn nước ngoài, cho biết họ dự định khai trương hoạt động vào cuối 2018 và dự kiến có 160 nhân viên người Việt. Kế hoạch năm 2019 số nhân sự của công ty sẽ tăng lên 900 người, 5 năm tới 3.000 người và 10 năm sẽ là 5.000 người.
Có lẽ phần đông trong số này thu hút từ các TCTD trong nước. Điều này đã khiến nhiều TCTD trong nước lo lắng. Đặc biệt khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. 
Cụ thể, những cam kết trong CPTPP về mở cửa đối với một số loại hình dịch vụ mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, như mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới; dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ, như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng… sẽ tạo cơ hội cho các NH nước ngoài gia nhập vào hệ thống NH Việt Nam.
Điều này vừa mang lại những lợi ích lớn nhưng cũng sẽ tạo sức ép về cạnh tranh nhân lực. “Môi trường làm việc của các NH ngoại rõ ràng, minh bạch hơn NH nội. Cộng thêm mức lương cao hơn, chắc chắn các bạn trẻ thích hơn” - anh Cảnh Hiệp, nhân viên NH P. nói. 

Thay đổi “bức tranh” nhân sự
Bà Phạm Hoàng Ngọc Linh, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết năm 2018 KPMG đã khảo sát 1.201 doanh nghiệp, tập đoàn từ 63 quốc gia và 31 ngành kinh tế, trong đó lĩnh vực tài chính, NH tham gia nhiều nhất (16%). Các tổ chức tài chính - NH được khảo sát đều cho rằng họ đang trong quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số nhưng chưa chuẩn bị kỹ về nhân sự và đào tạo lại nhân sự.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh (BDI), coi phát triển công nghệ là nhiệm vụ cốt tử của hệ thống NH, ông kể: “Năm 2016, khi tôi đến một chi nhánh NH bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha, họ có 96 nhân viên, nhưng hiện tại chỉ còn 3 nhân viên do họ áp dụng công nghệ”. Ông Nghĩa nhận xét đào tạo nhân lực NH của Việt Nam hiện nay đang rất kém, cần một cuộc cách mạng thực sự, đào tạo theo hướng số hóa. 
Trong khi đó, một cán bộ NHTMCP Q. nói: “Tổng giám đốc bọn em còn trẻ, rất thích công nghệ và luôn thúc đẩy áp dụng công nghệ số vào hoạt động NH. Vì vậy, bọn em cũng lo sẽ đến lúc con người không còn nhiều việc”.
Truyền thông vừa đưa tin các cơ quan quản lý tài chính của Hàn Quốc, có thể cấp phép sơ bộ cho 2 NH hoạt động trên internet vào tháng 5-2019, và có thể chính thức đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2020. Đây là thách thức không nhỏ đối với những NH hoạt động theo phương thức truyền thống tại Hàn Quốc, buộc các NH phải giảm phí hoa hồng, nâng cấp các dịch vụ trực tuyến và dịch vụ trên thiết bị di động. 
Thông tin này cho thấy tương lai không xa của ngành tài chính- NH trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng của nó đến viễn cảnh nguồn nhân lực NH.

Các tin khác