Nhiều nhà băng tăng mạnh tín dụng

(ĐTTCO)-9 tháng năm 2019, tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, xét riêng từng NH cho thấy, không phải tín dụng đang tăng trưởng chậm lại đồng loạt, mà do có sự phân hóa về con số tăng trưởng giữa các nhà băng. 
VIB là một trong những ngân hàng bứt phá tăng trưởng tín dụng.
VIB là một trong những ngân hàng bứt phá tăng trưởng tín dụng.
Trong xu thế các NH vẫn coi trọng cho vay, việc giảm lãi suất trong năm nay rất khó, bởi nguồn để NH cấp tín dụng phụ thuộc vào huy động từ người dân.
Phân hóa
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 20-9 tín dụng chỉ tăng 8,4%, khá thấp so với mục tiêu 14% cho năm nay, thấp hơn mức tăng 9,52% cùng kỳ 2018 và cũng là mức thấp nhất tính từ năm 2014 đến nay.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) tiến hành trong tháng 9, dư nợ tín dụng hệ thống NH được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV-2019 và tăng 13,61% trong năm 2019. Mức kỳ vọng này giảm 0,72% so với mức 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước, và thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018. 
Nhưng đó mới là số liệu trên mặt bằng chung. Xét riêng từng NH, tăng trưởng tín dụng chưa hẳn đã chậm lại trong các tháng qua. Số liệu từ báo cáo tài chính quý III cho thấy, nhiều nhà băng vẫn đang bứt tốc mạnh trong tăng trưởng tín dụng.
Đầu tiên phải kể đến Techcombank và VIB có sự bứt phá lớn, khi lần lượt đạt mức 28,4% và 28,2%, tỷ lệ tăng cao nhất hệ thống và gấp đôi mục tiêu chung cả năm của toàn ngành. OCB, TPBank, MSB, VPBank cũng ghi nhận mức tăng vượt mục tiêu 14% của hệ thống, lần lượt đạt 20,7%, 20,4%, 18,6% và 14,7%.
Nhiều NHTMCP khác cũng có mức tăng tín dụng tốt như HDBank (13,8%), Sacombank (13,2%), LienVietPostBank (13%), VietABank (12,8%), ACB (12%), Vietcombank, MB (cùng 11,9%), SeABank (11,2%), VietCapital Bank (10,9%)… 
Con số 8,4% tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong 9 tháng do một số NH có tăng trưởng tín dụng thấp hơn kéo lại, như Eximbank (3,3%), NCB (5,5%) hay ABBank tăng trưởng tín dụng âm… Đặc biệt, 2 NH lớn là BIDV, Vietinbank chiếm tới gần 25% thị phần cho vay lại có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng qua. Cụ thể BIDV tăng 8,6% trong khi Vietinbank chỉ tăng 3,9%. 
Xét về con số tuyệt đối của toàn hệ thống, vào tháng 9 dư nợ tín dụng với nền kinh tế đạt mức 7,87 triệu tỷ đồng. Con số này tại tháng 9-2018 là 6,98 triệu tỷ đồng và tháng 9-2017 là 6,16 triệu tỷ đồng.
Như vậy, 9 tháng qua dư nợ cho vay ra nền kinh tế đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy tín dụng đang có sự phân hóa giữa các NH, không phải nó đang đi chậm lại. 

Lãi suất liên NH giảm, huy động không hạ nhiệt
 Nợ xấu của nhiều NH đang có dấu hiệu tăng trở lại khi các khoản cho vay đầu tư tư nhân, vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân tăng lên.
Trong quý còn lại của năm 2019, hoạt động cho vay sẽ tiếp tục nhộn nhịp do đặc thù nhu cầu vốn cuối năm luôn tăng cao. Đây cũng là mùa kinh doanh tốt nhất trong năm của các NH. Để cạnh tranh, hàng loạt chương trình ưu đãi lãi vay đã sớm được các NH tung ra.
Hiện nhiều nhà băng đã tăng trưởng tín dụng và đang dần cạn dư địa khi tiến sát mức trần tín dụng cho phép của NHNN. Nhưng theo định hướng của NHNN, kể từ đầu năm các NH có chất lượng tài sản tốt có thể được nới room tín dụng.
Trước động thái giảm lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NH Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 8, NHNN đã hạ các mức lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 10-2017, đẩy lãi suất liên NH lao dốc mạnh.
Cụ thể, kỳ hạn 1 tuần từ mức đỉnh 4,84%/năm cuối tháng 8 chỉ còn 1,65%/năm vào cuối tháng 10, lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng giảm về 1,45%/năm và kỳ hạn 2 tuần còn 1,9%/năm.
Tuy vậy, ở thị trường 1, lãi suất huy động vẫn chưa hạ nhiệt. Trong hệ thống đang có khoảng 17 NHTM áp dụng lãi suất huy động cao nhất từ 8%/năm. 
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, cho rằng mặt bằng lãi suất huy động trong 3 tháng tới vẫn theo xu hướng đi ngang trong bối cảnh các yếu tố triệt tiêu nhau.
Cụ thể, thanh khoản trong hệ thống dồi dào dẫn đến lãi suất thị trường 2 ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá của NH. Tuy nhiên, nhu cầu giải ngân tín dụng tăng cao vào giai đoạn cuối năm, cũng như nhu cầu cần huy động vốn đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn do NHNN ban hành, lại khiến lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng.
Trong điều kiện mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi, với diễn biến trên lãi suất cho vay được dự báo đi ngang trong các tháng cuối năm. 
Với mặt bằng lãi suất huy động hiện tại, giới chuyên gia nhận định các NH sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay, nhưng sẽ có những tính toán để đưa vốn vào các mảng có tiềm năng hơn vào dịp cuối năm.
Bởi đây là giai đoạn bứt phá để về đích lợi nhuận. Trong đó, cho vay tiêu dùng sẽ là lĩnh vực quan trọng được dồn vốn. Trong một báo cáo trình Quốc hội mới đây của NHNN cho biết, trong 8 tháng 2019, tín dụng bất động sản đã tăng 14,58%, cao gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và chiếm gần 1/5 tổng dư nợ nền kinh tế. 
Lý giải về con số tăng trưởng cao này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết dư nợ cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp bất động sản tăng chậm, chiếm tỷ trọng nhỏ, phần tăng cao rơi vào nhóm vay mua nhà. 
Khoảng 1 tháng qua, dù các NH đưa ra nhiều gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp mùa cuối năm, nhưng hàng loạt gói tín dụng ưu đãi vay mua xe, mua nhà, tiêu dùng hoặc đẩy mạnh ưu đãi chi tiêu qua thẻ tín dụng đã xuất hiện với tần số dày đặc hơn.
Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra khi NH khai thác mạnh lĩnh vực này vào cuối quý III, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại ở các nhà băng lớn và nhỏ. Trong đó, nợ xấu đến từ các khoản vay đối với doanh nghiệp lớn hay cho vay với mục đích đầu tư có xu hướng giảm, nhưng nợ xấu đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân lại tăng lên.

Các tin khác