Nợ công phải công khai, rõ ràng

(ĐTTCO) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). 
Nợ công phải công khai, rõ ràng
Góp ý dự thảo nghị định cấp bảo lãnh Chính phủ, một trong những điều kiện để được bảo lãnh là: “Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định, trong đó hệ số trả nợ bình quân trong 5 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 đối với dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hoặc hệ số 1 đối với các dự án khác”. 
Theo VCCI, việc thẩm định phương án tài chính là cần thiết để bảo đảm khả năng trả nợ của các dự án được Chính phủ bảo lãnh, tuy nhiên nếu chỉ quy định duy nhất tiêu chí về hệ số khả năng trả nợ trong 5 năm năm đầu có thể sẽ không toàn diện. Bởi quy định này được áp dụng cho tất cả các dự án, mà không quan tâm đến thời hạn của khoản vay, hợp đồng vay nợ trong 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm cũng được áp dụng như nhau.
Tại sao chỉ tính hệ số trả nợ cho 5 năm mà không phải là cho toàn bộ thời gian vay và trả nợ? Đó là chưa kể quy định này chưa xem xét đến thời gian ân hạn vay, thời gian xây dựng dự án (thậm chí có dự án không có thời gian xây dựng), thời điểm bảo trì, bảo dưỡng dự án.
Cũng theo VCCI, so sánh với các tiêu chí thẩm định dự án để cấp tín dụng của các NH, thì quy định về thẩm định phương án tài chính dự án để Chính phủ cấp bảo lãnh dường như quá lỏng. Thí dụ, các NH thường tính hệ số trả nợ tại các thời điểm như 5 năm đầu, hết nửa thời gian, hết toàn bộ thời gian cho vay, và một số thời điểm quan trọng như phải bảo trì định kỳ…
Tương ứng với mỗi giai đoạn lại có một mức hệ số trả nợ thấp nhất. Do vậy VCCI cho rằng, hệ số trả nợ cần được tính cho toàn bộ thời gian vay và trả nợ, và phải đạt từ 1,4 trở lên. Các hệ số trả nợ cho các giai đoạn khác của hợp đồng vay (5 năm, 10 năm, một nửa thời gian…) có thể thấp hơn nhưng không được thấp hơn 1 (trừ năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu có doanh thu hoặc năm phải dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ).
Về công khai thông tin bảo lãnh Chính phủ, theo VCCI, thời gian qua việc xử lý những dự án đầu tư thua lỗ lớn, trong đó có nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh, dựa nhiều vào sự giám sát của dư luận xã hội. Để bảo đảm phát hiện sớm những dự án kém hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, các bên liên quan trong việc sử dụng nguồn vốn được Chính phủ bảo lãnh, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định về công khai thông tin liên quan đến bảo lãnh Chính phủ.
Cụ thể như công khai thông tin về danh sách các đối tượng, dự án được nhận bảo lãnh Chính phủ, cùng với những thông tin cơ bản về khoản vay như bên cho vay, giá trị khoản vay; công khai thông tin về tình hình trả nợ của các đối tượng đã được bảo lãnh, phần nào tự trả, phần nào phải nhờ ngân sách trả hộ.
Theo dự thảo nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công, việc công khai thông tin về nợ công được phân loại theo nhiều tiêu chí như: nguồn vốn vay, chủ thể đi vay, chủ nợ, loại hình vay, thời hạn vay, hình thức vay, lãi suất. Nhằm tăng cường công khai minh bạch và việc thực hiện giám sát của người dân, theo VCCI, cần sửa đổi một số nội dung.
Thứ nhất, về chủ thể đi vay, dự thảo quy định: “Phân theo chủ thể đi vay bao gồm Chính phủ; chính quyền địa phương; doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng được Chính phủ bảo lãnh”. Quy định này không rõ là thông tin sẽ được chia nhỏ theo từng địa phương, từng tổ chức được bảo lãnh, hay chỉ có con số tổng. Vì thế, dự thảo cần quy định theo hướng phải có thông tin đầy đủ cho từng chủ thể đi vay là từng địa phương và từng tổ chức được Chính phủ bảo lãnh.
Thứ hai, về thời hạn vay nợ. Việc phân loại thành vay ngắn hạn, vay trung - dài hạn cũng có tác dụng nhất định trong việc giám sát. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời điểm đáo hạn của các khoản vay, vì điều đó cho biết nhu cầu cần tiền trả nợ theo thời gian. Do đó, dự thảo cần bổ sung thêm tiêu chí phân loại theo thời điểm đáo hạn của các khoản vay.
Liên quan đến dự thảo nghị định về quản lý nợ của chính quyền địa phương, một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI về tình trạng bảo lãnh khoản vay của các địa phương. Thí dụ, một địa phương triển khai một dự án đầu tư công, nhưng không có nguồn vốn tại chỗ hoặc nguồn vốn bị chậm, nhà thầu buộc phải vay NH để triển khai dự án và địa phương đứng ra bảo lãnh.
Tuy nhiên, do Luật Quản lý nợ công không có quy định rõ ràng về việc bảo lãnh của chính quyền địa phương (không có quy định cho phép nhưng cũng không có quy định cấm), khiến vấn đề trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, dự thảo cần quy định rõ về việc có cho phép chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh các khoản vay không? Nếu có thì điều kiện và trình tự thủ tục như thế nào?

Các tin khác