Nợ xấu có trong tầm kiểm soát?

(ĐTTCO) - Trong buổi họp báo về việc triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) 2022 vào những ngày cuối năm, nhiều thông tin liên quan đến kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2021. Đa phần, thông tin được công bố đều là tin tốt, thể hiện sự vượt khó hỗ trợ nền kinh tế của ngành NH trong bối cảnh dịch bệnh. Song tỷ lệ nợ xấu đang là mối lo ngại lớn, khiến NHNN tiếp tục siết chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro.

Nợ xấu có trong tầm kiểm soát?
Nợ xấu liên tục tăng
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết tín dụng hồi phục tốt, ngành NH đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, dù đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên 3,9%; còn trong trường hợp thận trọng và tính toán một cách đầy đủ hơn, tỷ lệ nợ xấu dự báo có thể lên đến 8,2%, thậm chí cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.
Có thể thấy, mỗi lần NHNN công bố số liệu về nợ xấu là thêm một lần tỷ lệ này tăng lên. Tháng 5-2021, NHNN dự báo đến cuối năm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính 1,54-1,91%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ước tính 3,43-3,84%.
Đến cuối tháng 9, báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu tăng mạnh, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến 7,1-7,7%. Nhưng hiện nay con số dự báo về nợ xấu lại tiếp tục cao hơn
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như vậy không có gì bất ngờ. Bởi đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động của hầu hết DN và cá nhân, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4. Trong năm 2021, bình quân mỗi tháng có gần 10.000 DN rút lui khỏi thị trường, và theo ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, trong đó bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các NH. Đó là một trong những nguồn hình thành nợ xấu. 
Một nguồn nữa khiến dự báo nợ xấu của cơ quan quản lý tiền tệ ngày càng tăng, là nguồn nợ xấu tiềm ẩn từ chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, với giá trị giãn, hoãn nợ lũy kế đến 20-12-2021 khoảng 607.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, nhận định hơn 600.000 tỷ đồng này đang ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh trong năm 2022, bởi trên thực tế có 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 
Điều nữa cũng góp mặt vào việc nợ xấu phình to là các khoản cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro. NHNN vẫn luôn khẳng định kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng thực tế các lĩnh vực này vẫn hút tín dụng rất mạnh.
Đơn cử lĩnh vực bất động sản, trong báo cáo thị trường quý III-2021, dẫn báo cáo của NHNN, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 30-9-2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng. Con số này tăng lên 10.370 tỷ đồng so với mức 672.224 tỷ đồng hồi cuối tháng 6-2021, tương đương tăng 1,54%. Trong khi đó, cùng thời gian này tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,67%, từ mức 6,44% vào cuối tháng 6 lên mức 7,17% vào cuối tháng 9-2021. 

Rủi ro khó lường
Nhiều năm qua, NHNN thường “né” công bố các số liệu liên quan đến các lĩnh vực rủi ro và khẳng định vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không tạo được niềm tin, vẫn liên tục xuất hiện thông tin chỉ ra việc dòng vốn đổ về các lĩnh vực này. Nhận định của nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng do NHNN chưa có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nên ngoài dòng tín dụng chính thức còn có rất nhiều đường đi, nhiều cách để vốn từ NH chảy ngầm vào các lĩnh vực rủi ro.
Bởi khi cho vay lĩnh vực này các NH sẽ có biên lợi nhuận cao, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo thêm khoản nợ trong khối nợ xấu của các nhà băng.
Nợ xấu bắt đầu lộ diện như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH đã từng nói: “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ là “quét toàn bộ rác xuống dưới tấm thảm đẹp”, không giải quyết được thực chất vấn đề hệ thống NH và nền kinh tế đang phải đối mặt.
Ở thời điểm hiện tại, quan điểm của NHNN nợ xấu tăng cao là một trong những thách thức với ngành NH trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhưng cần nhìn nhận khách quan để cùng xử lý. Còn với các NHTM, theo dõi các hội thảo, tọa đàm gần đây có thể đúc kết góc nhìn của người trong cuộc là nợ xấu vẫn chưa quá xấu”. 
Nhiều lãnh đạo nhà băng cho rằng, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của năm 2021 đã tính toán sau khi rút kinh nghiệm từ năm 2020, nên có sự thận trọng. Hơn nữa, hiện nay xu hướng các NHTM đều có năng lực tài chính tốt, chỉ số an toàn hoạt động theo định hướng của NHNN, tiệm cận dần thông lệ quốc tế và cũng phân hóa rủi ro bằng tăng thu dịch vụ.
Đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, NHNN cho trích lập trong 3 năm nhưng các NH có điều kiện vẫn trích lập đầy đủ, khi giãn nợ cũng theo sát sức khỏe DN để phân loại nợ. 
Người trong cuộc có vẻ lạc quan. Nhưng nếu nhìn vào phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, sẽ thấy nợ xấu lộ diện cần phải cẩn trọng. Theo chuyên gia này, nghiên cứu tình hình sức khỏe của NH trong 10 năm qua, giai đoạn đầu các NH như bệnh nhân, nằm phòng cấp cứu rồi chuyển sang phòng điều trị, rồi từ phòng điều trị chuyển sang phòng cấp cứu.
Từ năm 2016 NH được “xuất viện”, tức khỏe mạnh trở lại, các chỉ tiêu tài chính bắt đầu tích cực, ngấp nghé mức bình quân của các NH trong khu vực. Chỉ số ROA, ROE khả quan dần. Nhưng bất ngờ dịch ập đến, thị trường khó khăn, các NH lại bứt phá với tốc độ “Thánh Gióng” về tổng tài sản, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu. Thậm chí, trong 2 năm dịch bệnh có NH có tốc độ tăng lợi nhuận gần 200%. Đây là điều không bình thường, không nên vui mừng, và đáng lo ngại nếu có cái nhìn đúng về kinh tế vĩ mô. 
 Nhiều năm qua, NHNN vẫn khẳng định nợ xấu trong tầm kiểm soát, nhưng thực tế vốn từ NH vẫn chảy ngầm vào các lĩnh vực rủi ro, tạo thêm khoản nợ trong khối nợ xấu của các nhà băng.

Các tin khác