Nới room tín dụng, ai hưởng lợi?

(ĐTTCO) - Tín dụng bật tăng mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều NH cũng đã được NHNN nới hạn mức (room) tín dụng lần thứ 3. Động thái này tạo ra kỳ vọng doanh nghiệp (DN) sẽ được bơm vốn nhiều hơn để phục hồi. Nhưng liệu DN có hấp thụ được dòng tiền này?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
11 NH được nới room tín dụng lần thứ 3 do đã sớm chạm trần tín dụng sau 9 tháng. Trong đó, 4 NHTM được cấp room trên 20%, gồm TPBank từ 17,4% lên 23,4%, Techcombank từ mức 17,1% lên 22,1%, MSB từ 16% lên 22% và MB từ 15% lên 21%.
Bên cạnh đó, VIB được nới lên 19,1%, VPBank lên 17,1%, OCB lên 15%, ACB lên 13,1%. Trong nhóm NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank được cấp room tín dụng cao nhất, từ 12,5% lên 15%, BIDV và VietinBank lần lượt được tăng lên mức 12% và 12,5%.
Thực ra năm nay, hạn mức tín dụng NHNN cấp từ đầu năm hầu hết đều thấp hơn kỳ vọng của các NH, và họ đã sớm tiêu sạch hạn mức được cấp từ đầu tháng 6. Bởi lẽ, trong 3 năm gần đây sau lần cấp tín dụng đầu năm, NHNN thường nới chỉ tiêu tín dụng 2 lần trong năm cho các NH dùng hết room.
Trong góc nhìn tích cực, nới room tín dụng cho các NHTM là chuyện tốt. Các nhà băng sẽ có điều kiện cho vay ra nền kinh tế trong bối cảnh tín dụng bật tăng sau giãn cách do dịch Covid-19. Tính đến ngày 25-11, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Con số này tại ngày 29-10 là 8,7%.
Tức chỉ gần 1 tháng, tín dụng đã tăng 1,4%, tương đương 120.000 tỷ đồng được cho vay ra. Các dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% có thể đạt được.
Nhưng liệu mở room tín dụng lúc này có thể xem là mũi tên trúng nhiều đích? Đầu tiên, đây là tín hiệu hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong lúc này. Hiện tại, dư địa của chính sách tiền tệ hạn hẹp, NHNN không thể giảm thêm lãi suất điều hành và NHTM khó tiếp tục hạ lãi suất huy động.
Trong bối cảnh như vậy, các NH cạn room tín dụng. Nếu không nới room, NH hết room không thể tiếp tục cho vay, các NH gần chạm chỉ tiêu sẽ dè chừng tiếp nhận hồ sơ vay vốn, lọc khách hàng. Và thông thường, dư địa tín dụng hạn hẹp sẽ đẩy lãi vay tăng để bù đắp lợi nhuận, vì tín dụng là nguồn lợi nhuận chính của NH. 
Đối với NH, room được xem như “phần thưởng”. Theo yêu cầu của NHNN, các NH đã thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp DN và người vay vốn giảm bớt khó khăn trong thời gian dịch bệnh.
Theo đó, NH đã giảm một phần thu nhập lãi. Nới room tín dụng sẽ bù đắp lợi nhuận, dù sự bù đắp này có thể chưa thể hiện rõ ở quý IV năm nay, nhưng sẽ làm nền tăng trưởng cho năm tới.
Nhưng ở góc nhìn khác, nới hạn mức tín dụng ở thời điểm này khá nhạy cảm. Bởi lĩnh vực sản xuất kinh doanh liệu có hấp thụ được dòng vốn này? Năm ngoái, tín dụng cũng bật tăng mạnh vào cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định dòng tín dụng đó đã chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản (BĐS).
Vì tín dụng tăng rất mạnh nhưng tăng trưởng GDP rất thấp. Nói cách khác, dòng tín dụng không mang lại hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, chỉ phục vụ đầu tư, đầu cơ. 
Năm nay, theo số liệu Bộ Xây dựng mới công bố từ báo cáo của NHNN, tính đến 30-9 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 682.594 tỷ đồng. Hồi cuối tháng 6, con số này 672.224 tỷ đồng, tức tăng thêm 10.370 tỷ đồng trong 3 tháng. Đó là chưa kể nguồn tín dụng ngầm chảy sang BĐS từ kênh tín dụng tiêu dùng.
Tương tự, tín dụng đối với mảng chứng khoán tuy thấp, nhưng như ĐTTC đã có nhiều bài phân tích, khả năng rất lớn nguồn tiền từ mục đích vay tiêu dùng cũng chia qua mảng này. Trong một báo cáo cũng cho thấy, trong quý III tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, trong khi cho vay DNNVV và DN lớn chậm lại do giãn cách kéo dài.
Với DN sản xuất kinh doanh, tiêu chí chung các NH vẫn rộng cửa cho vay, vì đây là nhóm mục tiêu phải hỗ trợ để phục hồi. Song, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lúc này dòng tiền ở nhiều DN đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn của họ rất kém, khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của NH.
Nới room tín dụng, ai hưởng lợi? ảnh 1
Hiện tại, hệ thống NH đã cơ cấu nợ khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ và dự báo con số này còn tăng mạnh tới năm sau. Thống kê cho thấy có đến 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dư nợ cơ cấu càng tăng cho thấy DN ngày càng khó khăn hơn.
Như vậy, rủi ro nợ xấu gia tăng trong vài quý tới khi các khoản vay dần đáo hạn đang hiện hữu. Hiện trung bình mỗi tháng khoảng 10.000 DN rút lui khỏi thị trường, đa phần là khách hàng trực tiếp của các NH. Trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NH 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NHTM đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017, đến cuối năm 2018 giảm xuống 1,9% và cuối năm 2019 xuống mức 1,63%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại do tác động của dịch bệnh, lên mức 1,69% vào cuối 2020 và 1,9% cuối tháng 9 năm nay, gần như quay lại mức của năm 2017. Các yếu tố này khiến khả năng tiếp cận vốn của DN bị hạn chế. 
Vì vậy các NH sẽ không cho vay tất cả nhu cầu của DN bởi không được hạ chuẩn cho vay. Do đó, DN có vay được tùy thuộc vào sức khỏe và nguồn tài sản đảm bảo của họ. 
Đáng chú ý, các NH tiệm cận với hạn mức tín dụng được NHNN cấp mới trong quý III và tiếp tục được nâng room tín dụng đợt 3 này, đều có tăng trưởng mảng trái phiếu DN (TPDN), đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng.
Trong khi đó, các NH chủ yếu nắm TPDN của các TCTD khác và các công ty BĐS. Phải chăng các NH đã sử dụng phần room tín dụng này để hợp thức hóa nguồn vốn đã bơm ra?
Nới room tín dụng là điều tốt, nhưng khó kỳ vọng room tín dụng này trong tháng cuối năm trở thành liều doping hỗ trợ DN và nền kinh tế. 
 Nới room tín dụng sẽ bù đắp lợi nhuận cho các NH, nhưng khó trở thành liều doping hỗ trợ DN và nền kinh tế.

Các tin khác