Quản chặt tiền điện tử để giảm rủi ro

(ĐTTCO) - Đối với bitcoin cũng như các loại tiền điện tử, những năm qua, NHNN vẫn luôn giữ quan điểm không chấp nhận tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Việt Nam không thể chấp nhận đồng tiền này như một phương tiện thanh toán vì rủi ro rất lớn. 
 
Quản chặt tiền điện tử để giảm rủi ro
Không thanh toán bằng tiền điện tử
Tháng 8-2017, khi Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, đã dẫn đến nhiều dự đoán hình thức tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam thừa nhận và có khung pháp lý quản lý phù hợp. Ngày 27-10, Trường Đại học FPT bất ngờ thông báo trên mạng xã hội chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên nước ngoài, đã tiếp tục làm dấy lên suy nghĩ bitcoin cũng như tiền điện tử được chấp nhận lưu hành tại Việt Nam. 
 Việt Nam không thể chấp nhận tiền điện tử là phương tiện thanh toán vì điều này sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, cho chính sách tiền tệ và cả người giao dịch. Hiện nay NHNN kiểm soát cung tiền M1, M2 bao gồm những đồng tiền được quốc gia thừa nhận và thông qua đó kiểm soát được lạm phát, cung cấp được lượng tiền để phát triển nền kinh tế.  
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Tuy nhiên ngay sau đó, ngày 28-10 NHNN đã phát đi thông tin nêu rõ quan điểm coi bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Về chế tài xử lý vi phạm, NHNN cũng nói rõ hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 150-200 triệu đồng. Từ 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Như vậy, một lần nữa NHNN bảo lưu quan điểm không công nhận tiền ảo bitcoin. 
Theo một chuyên gia tài chính, hiện nay một số quốc gia đã xem bitcoin như một loại hàng hóa nhưng cũng không công nhận đó là đồng tiền thật để lưu hành. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có đề án giao NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh đối với đồng tiền kỹ thuật số này, dự kiến đến năm 2019 hoàn thành.
Trong khoảng 3 năm qua, NHNN vẫn thống nhất quan điểm không xem bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp, chưa xem đây là hàng hóa, nên trong thời điểm này việc kinh doanh, sử dụng đồng tiền bitcoin được xem là vi phạm pháp luật. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cũng cho rằng việc Trường Đại học FPT thông báo chấp nhận đồng bitcoin để thanh toán học phí cho sinh viên nước ngoài là không hợp lệ.

Cần thêm quan điểm chính thức
Theo NHNN việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Mặt khác, giao dịch bitcoin có tính ẩn danh cao, có thể trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, phân tích trong 8 năm qua từ khi bắt đầu xuất hiện, giá trị bitcoin đã tăng 1 triệu lần, tức khi đầu tư vào đồng tiền này lợi nhuận rất lớn. Nhưng theo thống kê trên toàn thế giới, hiện chỉ có 1 định chế tài chính và 1 quỹ đầu tư duy nhất đầu tư vào thị trường tiền điện tử.
Lý do các định chế tài chính không tham gia vì số lượng giao dịch bitcoin trên thế giới chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đã có thời điểm số lượng giao dịch bitcoin chiếm gần 50% bằng đồng yen, có nghĩa một số nhóm có thể tác động đến giá trị bitcoin, mức độ rủi ro rất cao. Đồng thời, tiền điện tử gửi NH phải để trong tài khoản trên mạng nên xác suất mất cắp rất lớn. Ngoài ra, tình trạng lừa đảo trên thị trường tiền ảo cũng rất phổ biến. 
Theo các chuyên gia tài chính, hiện Chính phủ đã phê duyệt đề án để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý cho các loại tiền điện tử nhưng điều đó không có nghĩa Chính phủ công nhận đó là đồng tiền thanh toán, mà là yêu cầu đề xuất nghiên cứu phương án chấp nhận hoặc không chấp nhận hay chấp nhận dưới hình thức nào.
Tuy nhiên, việc tiền điện tử đang được giao dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam là hiện tượng không thể phủ nhận, nên Chính phủ phải có xác nhận về các đồng tiền này. Chẳng hạn xác nhận đây là phương tiện thanh toán cũng như VNĐ, USD hay là xác nhận như một loại hàng hóa đặc biệt như vàng, bạc, kim loại quý… 
Bên cạnh đó, người dân cũng đang gặp rủi ro rất lớn vì nhiều người đang tham gia mua bán đồng tiền này, trong khi giá trị của các loại tiền điện tử tăng giảm thất thường và có rất nhiều công ty bán hàng đa cấp đang tung những đồng tiền này ra để kinh doanh. Đồng thời, tiền điện tử còn tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền khi thông qua các đồng tiền này có thể chuyển lượng tiền rất lớn Việt Nam ra nước ngoài nhanh chóng.
Tuy nhiên, hiện mới có NHNN đưa ra quan điểm không chấp nhận bitcoin và các loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán, còn Chính phủ vẫn chưa có ý kiến rõ ràng. Vì vậy, một thông báo về quan điểm của Chính phủ về các loại tiền điện tử ngay lúc này là điều rất cần thiết.

Các tin khác