Quản lý ví điện tử: Ngăn, chặn để… an toàn

(ĐTTCO) - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014 của NHNN có nhiều quy định mới theo hướng kiểm soát việc mở tài khoản ví điện tử (VĐT), quy định hạn mức giao dịch… Nhìn qua cho thấy mục tiêu để bảo vệ người tiêu dùng, song hình thức ngăn ngừa này có vẻ như NHNN đang gặp khó khăn trước vấn đề quản lý và ngăn chặn là giải pháp an toàn.
“Bóp” hoạt động VĐT
VĐT xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2008. Đến năm 2009 NHNN bắt đầu cấp phép thí điểm dịch vụ VĐT hoạt động. Trong 10 năm này, các đơn vị trung gian thanh toán cung ứng VĐT thành lập và hoạt động dựa trên quy định của Luật Giao dịch điện tử; Điều 15 Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; và Nghị định 80/2016 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 101/2012 và Thông tư 39/2014 của NHNN. 
 Công nghệ 4.0 trong thanh toán NHNN vẫn là đầu mối trong việc phối hợp với các cơ quan khác, nhưng cơ quan này vẫn nặng về phương án đưa mô hình thử nghiệm để điều chỉnh dần thay vì áp dụng rộng rãi, khiến các công ty fintech vừa làm vừa lo. Đây là vùng xám trong hệ thống tài chính Việt Nam. 
Những năm đầu VĐT được cấp phép, NHNN đã “mở toang” cửa cho các VĐT có điều kiện phát triển. Cụ thể trước năm 2014, bất kỳ ai sử dụng điện thoại thông minh đều có thể mở VĐT và nạp tiền vào ví bằng nhiều cách như qua thẻ cào điện thoại, thẻ game, nạp tiền tại điểm giao dịch hoặc từ tài khoản NH, không có các quy định về hạn mức giao dịch.
Từ năm 2014, Thông tư 39 của NHNN yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ VĐT phải phối hợp với các NH hoàn thiện các quy trình liên kết, nhận diện khách hàng. Việc nạp tiền và rút tiền ở VĐT phải qua tài khoản thanh toán tại NH. 
Sau 5 năm kể từ khi Thông tư 39 được áp dụng, NHNN một lần nữa muốn sửa đổi bổ sung quy định liên quan đến hoạt động của các VĐT. Quy định mới một lần nữa siết lại các yêu cầu mở và sử dụng VĐT.
Cụ thể, NHNN đưa ra yêu cầu rất chi tiết về hồ sơ mở VĐT của khách hàng cá nhân và tổ chức. Đồng thời, tổng hạn mức giao dịch một VĐT của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ VĐT sang VĐT khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Mức tối đa đối với tổ chức là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. 
Dự thảo này vẫn còn nhiều quy định khác, song 2 quy định kể trên là nội dung được chú ý nhất trong những ngày qua vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các VĐT thời gian tới.
Thứ nhất là về hồ sơ mở VĐT. Hiện nay, người dùng VĐT gắn liền với 1 số thuê bao di động và 1 tài khoản NH (thuê bao di động và tài khoản NH người dùng đều đã cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ). Nhưng khi sử dụng VĐT, một lần nữa người dùng lại phải khai báo thông tin cá nhân kèm theo giấy tờ chứng minh. Đây là yêu cầu tạo ra tâm lý sử dụng dịch vụ VĐT rắc rối về thủ tục và mất thời gian.
Thứ hai, hạn mức chi tiêu NHNN đưa ra đối với cá nhân và tổ chức tại Việt Nam cũng là một khoản khá lớn. 
Trong khi đó, tại Nghị quyết 02 ban hành đầu năm nay, Chính phủ yêu cầu trước tháng 12-2019, 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị các tỉnh thành phối hợp với NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Chỉ riêng các khoản viện phí, học phí đối với cá nhân cũng đã có thể vượt hạn mức mà NHNN quy định. Trong trường hợp đó, người dùng không thể chia nhỏ để nộp phí mà sẽ sử dụng phương tiện thanh toán khác. Như vậy, quy định này sẽ tách VĐT ra khỏi hoạt động thanh toán dịch vụ công, trong khi Chính phủ yêu cầu ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Quản lý ví điện tử: Ngăn, chặn để… an toàn ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Khó quản thì ngăn chặn?
Thực ra, mục tiêu NHNN đưa ra những quy định về việc sử dụng VĐT, hạn mức giao dịch đối với VĐT của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng VĐT để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, và hướng VĐT đến việc phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế rửa tiền qua VĐT rất khó, vì đã có quy định việc nạp và rút tiền đều thông qua tài khoản NH, tiền từ NH đi vào VĐT luôn là tiền sạch. Trong khi đó, dự thảo Thông tư đã quy định hàng loạt công cụ giám sát trực tuyến đối với dịch vụ VĐT. 
Rõ ràng NHNN đã nhìn lỗ hổng lớn trong vấn đề kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp và bịt lại bằng cách ngăn, chặn hoặc cấm, thay vì có những quy định cứng rắn để khống chế hay tăng cường thanh tra giám sát.
Thời gian qua có rất nhiều VĐT không theo quy định của Thông tư 39, mà còn ngang nhiên công khai quảng cáo các dịch vụ nạp tiền từ nhiều hình thức khác không phải từ NH, đây chính là nguồn ẩn chứa nguy cơ rửa tiền hoặc phục vụ các hoạt động bất hợp pháp, nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay, với công nghệ 4.0  đã thành xu hướng, người dùng cũng phải thay đổi lớn về hành vi trong thanh toán. Nhưng NHNN lại không theo kịp được phương thức hiện đại về thanh toán toàn cầu, thể hiện qua việc 10 năm vẫn chưa có một quy định hoàn thiện dành riêng cho lĩnh vực fintech, mà chỉ nhìn thấy rủi ro ở đâu ngăn chặn ở đó. Và nhắc đến fintech vẫn là câu nói rất cũ: “Thiếu hành lang pháp lý”. 
Lâu nay nhiều VĐT thừa nhận lỗ vì phải tăng cường khuyến mãi để hút người dùng. Nhưng ngược lại, các đơn vị này không được chính sách ưu đãi hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý. Cùng một giao dịch thanh toán phi tiền mặt tại điểm bán, đơn vị cung cấp ví phải chịu phí dịch vụ thanh toán cao hơn so với các nhà cung cấp thẻ.
Hiện hầu hết các VĐT đều nhờ vào tiền của nhà đầu tư với kỳ vọng trong thời gian tới thanh toán phi tiền mặt sẽ phát triển mạnh hơn, khi đó các VĐT sẽ có cơ hội thu lại lợi nhuận. Nhưng với quy định mới vì sự an toàn của NHNN, kỳ vọng này tiếp tục ảo vọng. 

Các tin khác