Room tín dụng sẽ kiềm chế lạm phát

(ĐTTCO) - Ông PHẠM CHÍ QUANG, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, vấn đề quản lý room tín dụng của NH đang chịu áp lực rất lớn. Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 2,25% trong 5 tháng đầu năm, nhưng diễn biến thực tế và áp lực lạm phát trong thời gian tới rất lớn. Do đó, điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có vấn đề kiểm soát room tín dụng cần phải thận trọng.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
PHÓNG VIÊN: - Ý kiến của ông như thế nào về việc một số NHTM mới đây kiến nghị NHNN cho phép được nới room tín dụng do nhu cầu thực tế?
Ông PHẠM CHÍ QUANG: - Đối với room tín dụng của các NHTM hiện nay, thực tế nhiều NH vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Cho đến ngày 9-6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, còn khá xa so với hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN đã cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay 14%.
NHNN vẫn đang theo dõi số liệu từ từng TCTD theo từng ngày. Có thể có TCTD gần hết room, đương nhiên sẽ có trạng thái “phòng thủ” để bảo đảm cân nhắc, cấp room tín dụng cho những khách hàng ưu tiên hơn. Chúng tôi nghĩ đây là giai đoạn cần “gạn đục khơi trong” để bảo đảm các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên hơn, những khoản vay chất lượng cao hơn.
Số liệu thống kê của NHNN 3 năm trở lại đây đều cho thấy, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NHTM đăng ký luôn xấp xỉ trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế, do đó việc nhu cầu vốn lớn vượt quá room là điều không phải mới.
Nhưng nếu cứ để các NHTM tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, áp lực với lạm phát rất lớn. Đã vậy, các NH sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do NHNN phải áp dụng room tín dụng.
Thực tế, hàng năm NHNN đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng từ đầu năm, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng TCTD. Với những lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ ưu tiên cho các TCTD có mức xếp hạng, phân loại cao hơn.
Ngoài ra, NHNN điều chỉnh tăng thêm mức tín dụng cho các TCTD tham gia tái cơ cấu các NHTM yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân… NHNN cũng đưa ra điểm trừ đối với các TCTD thường xuyên bị cảnh báo tham gia các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tỷ trọng tốc độ tăng trưởng rất lớn vào lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp.
- Có ý kiến cho rằng đã đến lúc NHNN nên bỏ chính sách quản lý room tín dụng mang nặng tính hành chính như hiện nay?
NHNN sẽ theo sát việc tăng trưởng kinh tế vĩ mô để điều hành tăng trưởng tín dụng, xem xét nới room tín dụng vào thời điểm phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Đây là vấn đề không mới và cũng không phải lần đầu tiên được nêu ra. NHNN đã giải thích rất nhiều lần về việc này. Tại kỳ họp mới đây của Quốc hội, Thống đốc NHNN cũng đã giải thích cặn kẽ chính sách này khi các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Thực tế, kể từ năm 2011, khi việc quản lý room tín dụng được thực hiện, chính sách này đã cho thấy những hiệu quả của nó. Mặt khác, bên cạnh việc áp dụng cơ chế room tín dụng, NHNN cũng từng bước nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị của hệ thống NH.
Một minh chứng rõ nhất là NHNN yêu cầu các TCTD tuân thủ các quy định, chuẩn an toàn như Basel II, sớm áp dụng chuẩn cao hơn là Basel III trong hoạt động quản trị của NHTM. 
Nhưng dù là vậy, nhu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của các NHTM, dẫn tới hệ lụy rất lớn là mất khả năng thanh toán.
Với bài học đó, NHNN buộc phải thực hiện cùng lúc các việc vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa tăng cường giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của NHTM, các lĩnh vực quản trị rủi ro, trong đó có tín dụng. 
Thời gian tới, NHNN sẽ theo sát việc tăng trưởng kinh tế vĩ mô để điều hành tăng trưởng tín dụng, xem xét nới room tín dụng vào thời điểm phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Áp lực lạm phát đang đè nặng lên điều hành chính sách tiền tệ, thời gian tới NHNN sẽ điều hành chính sách này theo hướng nào, thưa ông?
- Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nhất tại ASEAN, với giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến gần 190% GDP. Do đó, khi giá nguyên vật liệu, dầu… tăng cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dù Chính phủ và NHNN đã có nhiều biện pháp kiềm chế áp lực lạm phát, tuy nhiên áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm cũng như sang năm 2023 rất lớn.
Hiện nay, trước áp lực lạm phát trên toàn cầu,  NHTW các nước đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Tính riêng trong năm 2021 đã có 113 lượt tăng lãi suất. Xu hướng thắt chặt tiền tệ tăng lên rất nhiều khi 5 tháng đầu năm 2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy có thể thấy áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới, cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý. Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch Covid-19 để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác