SCIC đã giải ngân gần 6.895 tỷ đồng mua cổ phiếu của Vietnam Airlines

(ĐTTCO) - Sau khi 3 NHTM bơm 4.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi, Vietnam Airlines tiếp tục nhận thêm gần 6.895 tỷ đồng từ SCIC để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19.
SCIC đã nắm 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines sau khi giải ngân 6.894,9 tỷ đồng
SCIC đã nắm 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines sau khi giải ngân 6.894,9 tỷ đồng
Ngày 13-9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu, để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA).

Đây cũng là một trong hai giải pháp được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, theo Nghị quyết hỗ trợ VNA đã được ban hành, NHNN thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho TCTD (không bao gồm các TCTD đang được kiểm soát đặc biệt), để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ. Chính phủ giao SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước, theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Gói “giải cứu” thông qua hai giải pháp nói trên trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm: 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn để các TCTD cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi, và 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Về gói tín dụng, vào ngày 7-7-2021, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 NHTM, là SeABank, MSB và SHB. NHNN sẽ thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các NH để cho VNA vay trước 31-12-2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại VNA sẽ tiếp tục bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của VNA; hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Như vậy, trong thời gian tới, VNA phải hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể, để bảo đảm thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Tổng công ty sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”.

Các tin khác