Sức ép điều hành giá

(ĐTTCO) - Theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28-2: CPI tháng 2 tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 2,9%.
Nhiều yếu tố đẩy CPI
Có khá nhiều nguyên nhân giá cả tăng. Nhu cầu mua sắm tết tăng cao từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết (ngày 15-2) đã dẫn đến giá các mặt hàng lương thực tăng 1,44% so với tháng 1 (mặt hàng này còn chịu ảnh hưởng từ việc các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines).
Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ tết tăng cao như: thịt heo, thịt bò, hải sản tươi sống, với mức tăng 1-8%. Điều đó đã khiến nhóm thực phẩm tăng 1,71%, góp phần tăng CPI chung 0,39%.
Ngoài ra, giá xăng dầu bình quân tháng 2 tăng 1,15% so với tháng trước, đóng góp tăng CPI chung 0,05%; giá điện sinh hoạt tăng 1,31% do nhu cầu sử dụng điện tháng tết tăng cao làm tăng CPI chung 0,03%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,34% và giá vé tàu hỏa tăng 19,26%...
Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI đã tăng đến 2,9%, trong khi mục tiêu đề ra trong năm nay là 4%, đã khiến cho việc điều hành giá cả sẽ chịu một sức ép không nhỏ. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá năm 2018 cần hết sức thận trọng. Lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: còn khoảng 18 địa phương chưa tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người không có bảo hiểm y tế, và điều này ước sẽ tác động vào CPI khoảng 0,17%.
Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế sẽ tác động làm giá dịch vụ y tế tăng khoảng 4%, tác động vào CPI khoảng 0,14%. Như vậy nếu không giãn lộ trình điều chỉnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ tính thêm chi phí quản lý vào trong giá trong năm 2018. 
Sức ép điều hành giá ảnh 1  Khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ dễ tác động tăng CPI. 
Bên cạnh đó, các yếu tố tăng giá khác như: giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8-10% trong năm 2018, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018; điều chỉnh tiền mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở dự kiến làm tăng giá khoảng 5% đối với một số loại dịch vụ (như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, điện nước…); giá thịt heo dự kiến tăng trở lại sau khi đã giảm sâu trong năm 2017 và cung cầu được điều chỉnh cân bằng hơn; giá xăng, dầu thành phẩm sẽ ở mức từ 66-70USD/thùng, tăng từ 5-10% so với bình quân năm 2017, khiến giá xăng, dầu trong nước tăng khoảng 5-15% sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,28-0,64%...Cần chuẩn bị các giải pháp
Ngoài ra, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 như: đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng… có thể tác động trễ tới diễn biến CPI 2018. Theo các chuyên gia, để kiểm soát CPI năm 2018, ngoài việc tiếp tục xử lý nguồn gốc sâu xa của lạm phát là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả một số giải pháp điều tiết lớn ngay từ đầu năm.
Đó là luôn luôn bảo đảm có đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mọi tình huống, ở mọi vùng miền, mọi thời điểm trong năm và những vùng xảy ra bão lụt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dẫn đến “sốt giá”. 
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, tích cực, có hiệu quả các biện pháp giảm chi phí, sản xuất, giá thành hàng hóa dịch vụ như: cắt giảm thuế theo lộ trình; cắt giảm phí, lệ phí không hợp lý; giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với tốc độ lạm phát; bình ổn tỷ giá hối đoái; giảm phí BOT; rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…
Cùng với đó là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, kiểm soát có hiệu quả đầu tư công; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; kiểm soát mức cung tiền, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. 
Đối với biện pháp quản lý giá, cần tiếp tục nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá khi thị trường có biến động; điều chỉnh có lộ trình giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá nhưng phải phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, đối tượng chính sách.

Các tin khác