Tác động giảm lãi suất chưa đủ mạnh

(ĐTTCO)-Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, và hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5% bằng nhiều công cụ điều tiết, đó là tín hiệu vui, nhưng muốn bền vững mặt bằng lãi suất chung đòi hỏi các NH phải hoàn thành tái cơ cấu và áp dụng Basel II.
Tác động giảm lãi suất chưa đủ mạnh
NHNN ra tay điều tiết vốn
Hạ lãi suất là kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) là lẽ đương nhiên, nhưng với Chính phủ vẫn quyết tâm vấn đề này và liên tục kêu gọi NHNN tìm mọi cách, mọi công cụ.
Và ngày 8-11, khi đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa chỉ đạo NHNN “Cơ cấu lại các NHTM yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt, nhanh hơn và thực chất hơn, sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là các lĩnh vực ưu tiên…”.
Và không đợi “phấn đấu” đến 2020, tối 18-11, NHNN phát đi thông báo giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD), áp dụng từ ngày 19-11. Theo đó, NHNN quyết định giảm 0,2-0,5%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD.
Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ do TCTD ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Việc NHNN vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho thấy bỏ trần lãi suất, hướng đến nền kinh tế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính được đề xuất trong vài năm gần đây vẫn khó áp dụng tại Việt Nam. Bởi lẽ, khi giảm trần lãi suất, NHNN phải nỗ lực hơn trong điều tiết trên thị trường mở.
Cụ thể, trên nghiệp vụ thị trường mở, ngày 9-10, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất tín phiếu lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay, về mức 2,25% đối với kỳ hạn 7 ngày. Cũng từ thời điểm đó đến nay, NHNN liên tục bơm ròng qua kênh tín phiếu.
Đến giữa tháng 11, lượng tín phiếu đang lưu hành trên 37.990 tỷ đồng. Việc điều chỉnh lãi suất tín phiếu cộng với hoạt động bơm ròng liên tục, cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ các NH giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn.
Bên cạnh đó, những tháng qua thanh khoản hệ thống cũng ở trạng thái dồi dào (lãi suất liên NH liên tục duy trì ở mức thấp 1,8-2,2%/năm) nhờ NHNN mua ròng ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng thấp. Đây cũng là yếu tố bổ trợ để NHNN yêu cầu các NHTM giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn.
Ngoài ra, để giảm áp lực huy động vốn cho các NHTM, tại Thông tư 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NH, chi nhánh NH nước ngoài ban hành ngày 15-11, NHNN đã kéo dài thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho trung và dài hạn thêm 3 tháng so với dự kiến trước đây. Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn duy trì ở mức 40% cho đến hết ngày 30-9-2020, thay vì hạ xuống mức 35% vào thời điểm 30-6-2020.

Chỉ giảm được lãi ngắn hạn
 Khi đa số NHTM tuân thủ yêu cầu của Basel II, đáp ứng được các tỷ lệ vốn an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… mới giúp tình hình tài chính của NH vững chắc. Khi đó, ngành NH mới có điều kiện để giảm lãi cho vay đồng bộ.
TS. Trương Văn Phước, 
nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Nhìn rộng ra thế giới, trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, NHTƯ một số nước cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn, chỉ đạo giảm lãi suất của NHNN được đánh giá phù hợp với xu thế chung, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020. 
Vấn đề đang đặt ra, dùng nhiều công cụ điều tiết như trên, NHNN mới có thể điều chỉnh giảm được lãi suất huy động dưới 6 tháng và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Theo giới phân tích thị trường, chỉ các NHTM có vốn nhà nước chịu ảnh hưởng rõ nét từ định hướng này. Sau Vietcombank, có thể VietinBank và BIDV sẽ công bố các gói giảm lãi suất cho tất cả lĩnh vực, không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng với các NHTMCP quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng.
Bởi việc giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn chỉ dựa trên tiền đề thanh khoản hệ thống dồi dào. Trong khi thanh khoản hệ thống là nguồn vốn mang tính ngắn hạn, nên cơ chế lan truyền đến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạn chế và mang tính chọn lọc, chỉ diễn ra với những NH dư thừa vốn.
Hiện NHNN vẫn cho phép lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và mặt bằng vẫn đang duy trì tương đối cao, tính đến ngày 18-11, lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động từ 5,5-8,15%.
Trong khi đó, lộ trình thực hiện Thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) sẽ khiến hơn 20 NH chưa đáp ứng được hệ số CAR khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. 
Theo dõi vài ngày qua cũng thấy, các NHTM chỉ áp dụng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên. Một số NH hưởng ứng phong trào giảm lãi suất bằng cách tung ra các gói tín dụng ưu đãi cuối năm dành cho nhiều lĩnh vực khác, nhưng lãi vay ưu đãi ngắn hạn thấp nhất cũng rơi vào khoảng 7-8%/năm. 
Nhận định về giảm lãi suất, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết trong năm nay có xu hướng tích cực là phát hành trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, theo đó một phần áp lực lên cầu tín dụng của các TCTD cũng được giảm.
Đây là điều kiện để NHNN đi từ chủ trương giữ lãi suất cho vay, sau đó nới và giảm dần lãi suất những lĩnh vực khuyến khích ưu tiên. Nhưng mặt bằng chung giảm sẽ ít hơn, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, tín dụng của những đối tượng vay không có lợi thế, tín dụng trung và dài hạn… vì các NHTM vẫn còn huy động vốn trên 6 tháng với lãi suất cao. 

Các tin khác