Tăng lãi suất huy động để làm gì?

(ĐTTCO) - Mặc dù tín dụng tăng trưởng chậm nhưng lãi suất huy động không ngừng tăng. Bởi giữ lãi suất tiền gửi hấp dẫn là giải pháp hút vốn để tăng thanh khoản, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đồng thời giữ ổn định giá trị VNĐ. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp càng khó hơn.
Tăng trưởng tín dụng chậm
Năm nay, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ 2017. Đến cuối tháng 6-2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ tăng 8,7%. Trong nửa đầu năm, tốc độ tăng vốn huy động cao hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng. Xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những tháng gần đây.
 Tăng trưởng huy động vốn 9 tháng của các NHTM đạt 9,15%, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Ngoài ra, việc NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn, dẫn tới thanh khoản eo hẹp.
TS. Nguyễn Đức Thành, 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu 
Kinh tế và Chính sách
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho biết tính đến đầu tháng 10-2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%. Hồi tháng 8, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04 hỗ trợ kiểm soát lạm phát bằng việc định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2018 chặt chẽ hơn.
Cụ thể, quy định NHNN kiểm soát chặt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, không nâng hạn mức tăng cho từng NHTM, trừ những NH đang hỗ trợ các NH yếu kém hơn thực hiện tái cơ cấu. 
Do từ đầu năm, các NH đã mạnh tay cho vay, nên đến hết quý III dư nợ tín dụng nhiều NH đã sắp chạm trần, như Vietcombank tăng 15%, Vietinbank 12%, HDBank 14%, MB 10%, LienVietPostBank 13,5%, ACB và Kienlongbank 11%...
Tình trạng này khiến nhiều NH chật vật trong việc phê duyệt khoản vay mới và xin NHNN nới room. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ Techcombank thông báo được nới room tín dụng từ 14% lên 20%. Thời điểm này, nền kinh tế không còn chịu áp lực tăng trưởng nên NHNN cũng không nhất thiết phải bơm tiền ra để kích thích nền kinh tế.
Lãnh đạo một NHTMCP  cho biết, hiện có rất nhiều hồ sơ vay đang xếp hàng chờ NH tất toán khoản vay cũ mới giải ngân cho vay mới được. Trong khi đó, một vài nhà băng đang bán bớt một số trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ để tạo thêm dư địa cho vay khách hàng, thậm chí bán bớt một phần dư nợ cho vay cho các NH khác có mức tăng trưởng chậm hơn.

Lãi suất huy động vẫn tăng mạnh
Mặc dù tín dụng tăng trưởng chậm nhưng áp lực cạnh tranh huy động vốn của các nhà băng vẫn rất lớn. Từ tháng 8, một số NH đã tăng lãi suất tiền gửi VNĐ. Trong đó, Techcombank tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn thêm 0,1%; VIB nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn thêm 0,4%; SHB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,1%; MB nâng lãi suất kỳ hạn 9 tháng thêm 0,05%; Sacombank nâng lãi suất kỳ hạn 18 tháng thêm 0,1%.
Đáng chú ý, sự tham gia ngày càng nhiều của nhóm Big 4 khi Vietcombank nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 0,1%, BIDV nâng thêm 0,2% cho các kỳ hạn ngắn. So với các năm trước, năm nay mùa tăng lãi suất đến sớm hơn và kéo dài cho đến nay.
Tăng lãi suất huy động để làm gì? ảnh 1 Cho đến nay chỉ Techcombank thông báo được nới room tín dụng từ 14% lên 20%.  
Mới đây, SHB công bố tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ lên 7,8%/năm với loại hình tiết kiệm bậc thang theo số tiền. So với biểu lãi suất trước đó, SHB đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm tới 0,6%/năm.
Trước đó, ngày 13-10 SHB cũng đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm đối với các kỳ hạn 3-5 tháng. VPBank cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động, tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, gửi 100 triệu đồng kỳ hạn 3-5 tháng lãi suất 5,2%/năm, tăng thêm 0,1%/năm so với trước; kỳ hạn 6-11 tháng lãi suất tăng tới 0,6%/năm lên 7%/năm…
Tại OCB, biểu lãi suất huy động mới cũng tiếp tục được điều chỉnh. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2% so với tháng trước, lên mức 7%/năm. Đáng chú ý, khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ là 8,2%/năm.

Hút vốn là cứu cánh cho ngành NH
NH huy động vốn chủ yếu để phục vụ cho vay. Nhưng nếu chỉ như vậy, khi tăng trưởng tín dụng chậm và room tín dụng tại nhiều nhà băng còn rất ít, áp lực huy động vốn cũng sẽ giảm.
Song lúc này, hầu như tất cả NH đều không muốn ngừng tăng trưởng huy động vốn. Điều này cũng không khó lý giải vì hiện nay tăng cường huy động vốn giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trước hết, tăng trưởng tín dụng của các NH không đồng đều, thậm chí tăng trưởng âm. Với những NH như vậy, dư địa tăng tín dụng còn nhiều nên phải đẩy mạnh hút vốn để tập trung cho vay cuối năm. 
Hệ quả, lãi suất trên thị trường liên NH bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,7%, cao hơn khá nhiều so với dịp cận Tết Nguyên đán 2018. Lãi suất liên NH có giảm từ giữa tháng 9 nhưng không duy trì được lâu và bắt đầu tăng trở lại trong tháng 10.
Thống kê đưa ra gần đây nhất cho biết từ ngày 12 đến 16-11, NHNN đã bơm ròng 5.408 tỷ đồng vào thị trường. Lãi suất liên NH trung bình các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng với biên độ 0,034-0,08%. Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,06% đạt mức 4,86%/năm, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,08% đạt mức 4,896%/năm và kỳ hạn 2 tuần tăng 0,034% lên 4,87%/năm. 
Bên cạnh đó, quy định từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NHTM sẽ giảm xuống còn 40%, cũng đã tác động đến mặt bằng lãi suất huy động trong nhiều tháng qua. Đồng thời, tăng cường huy động còn giúp cải thiện tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR).
Tại thời điểm tháng 9-2018, tỷ lệ này tại nhóm NHTM nhà nước 95,41% và NHTMCP 81,75%, trong khi Thông tư 36/2014 quy định tỷ lệ LDR tối đa lần lượt 90% và 80%. Theo các chuyên gia tài chính, các nguyên nhân nói trên dẫn tới nhiều NHTM đã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường 1.
Song để giải quyết những vấn đề của ngành NH, doanh nghiệp sẽ gánh chịu vì lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay trong năm 2019 và 2020 tăng.

Các tin khác