Tăng “sức khỏe” cho VAMC

(ĐTTCO) - Sắp tới, hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy mạnh hơn nếu Bộ Tài chính thông qua các quy định liên quan đến việc mua bán nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty xử lý nợ của các NHTM (AMC), sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC). 
Tuy nhiên, với chức năng được giao vẫn đóng vai người cầm trịch, VAMC cần được tăng vốn mới kỳ vọng giải nhanh bài toán nợ xấu.
Nhiều NH phải tự xử
Theo số liệu của NHNN, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%), và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) 46.460 tỷ đồng (chiếm 33,59%). 
 Việc cấp thêm vốn cho VAMC là điều cần thiết, không chỉ tăng lên 5.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng, thậm chí phải tăng lên mức 20.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu, giúp VAMC hút thêm vốn xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, VAMC được xác định là trung tâm thúc đẩy thị trường mua bán nợ, do đó cần tăng cường sức khỏe để VAMC gánh trọng trách này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, 
chuyên gia tài chính NH
Ghi nhận tại các NHTM, Sacombank vừa thông báo đợt đấu giá 11 bất động sản tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, với mức giá khởi điểm 10.040 tỷ đồng. BIDV thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Tiến Nga, giá khởi điểm hơn 667 tỷ đồng. Trong tháng 8 và 9, VietinBank thông báo thu hồi, đấu giá hàng loạt tài sản bảo đảm (TSĐB) có giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, như đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường Nguyễn Du (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), giá khởi điểm 130 tỷ đồng; thu giữ TSĐB của CTCP NIVL (Long An) để thu hồi khoản nợ gốc và lãi 236,4 tỷ đồng và hơn 875.500USD; rao bán khoản nợ có TSĐB của CTCP Thương mại NEM gần 111 tỷ đồng. 
Việc xử lý nợ xấu của các NHTM tiếp tục nhận nhiều thông tin khả quan. Cụ thể, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC. Trong đó quy định bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế; tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước cho DATC. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với AMC, với quy định cho phép AMC được sử dụng vốn để mua các khoản nợ của các TCTD khác.
Tăng “sức khỏe” cho VAMC ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Người cầm trịch gặp nhiều cản trở
Tại Quyết định 28 phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC quy định rõ, VAMC đóng vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD, là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Quyết định 28 cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể, như đến hết năm 2020 VAMC phải mua tối thiểu 330.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng.
Từ năm 2018, VAMC chỉ mua nợ xấu bằng TPĐB của các TCTD nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống. Đến hết năm 2020, hoàn thành về cơ bản xử lý số nợ xấu đã mua. Giai đoạn 2021-2022, VAMC tập trung triển khai mua, bán và xử lý nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng theo giá mua nợ.
Dù gánh trọng trách to lớn, nhưng thực tế việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn khá chậm. 6 tháng đầu năm nay, hệ thống TCTD xử lý ước đạt 58.800 tỷ đồng, trong đó các TCTD tự xử lý đến 56.740 tỷ đồng. TS. Cấn Văn Lực nhận định kết quả xử lý nợ xấu của VAMC chưa như mong đợi, vì còn gặp nhiều vướng mắc do cơ quan quản lý chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 42; khâu định giá ban đầu chưa sát với thị trường, dẫn đến nhiều khoản phải bán đi bán lại; thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, hạ tầng công nghệ thông tin cònthô sơ, nên việc hỗ trợ lưu trữ hồ sơ, báo cáo thống kê tốn nhiều thời gian… 
Cản trở lớn nhất cho VAMC trong thực hiện trọng trách của mình là thiếu vốn. Từ cuối năm 2015, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn quá nhỏ so với quy mô nợ xấu cần xử lý. Thực tế việc tăng vốn để VAMC hoàn thành vai trò cũng đã được cơ quan quản lý tính đến trong Quyết định 28.
Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2018, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt mức 5.000 tỷ đồng và đạt mức mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018, nhưng VAMC vẫn chưa được cấp vốn như lộ trình đề ra. Mới đây, VAMC đã đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ được cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ như lộ trình đề ra.

Tăng vốn là cần thiết
Theo TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, muốn xử lý dứt điểm nợ xấu, VAMC cần có tiền tươi thóc thật. Khi VAMC mua nợ bằng TPĐB sẽ tạo ra mối quan hệ “tay 3” giữa con nợ, NH và VAMC. Bởi về nguyên tắc NH bán nợ là chuyển nợ sang VAMC, nhưng NH vẫn có trách nhiệm giữ TSĐB và VAMC chỉ ghi giấy thay vì đưa tiền cho NH.
Do đó, khi VAMC muốn bán các TSĐB phải đạt được thỏa thuận 3 bên, trong khi mỗi bên đều có tính lợi ích của mình. Điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình bán TSĐB xử lý nợ. Gần đây nhiều NH mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC và xử lý khoản đó rất nhanh do họ lấy lại TSĐB muốn bán giá nào tùy NH mà không bị VAMC chi phối. Vì vậy, nếu VAMC mua đứt khoản nợ, quá trình xử lý nợ sẽ nhanh hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng để có tiền tươi mua nợ từ các TCTD, VAMC có thể phát hành trái phiếu bán trên thị trường chứng khoán. Với lượng nợ xấu phải mua đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, VAMC có thể phát hành hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu để giải quyết bài toán này.
Nhưng khi phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ xem xét vốn tự có của VAMC. Để hút nhà đầu tư, VAMC phải có tỷ lệ đòn bẩy tài chính hợp lý (khoảng 1:10). Còn nếu VAMC có vốn 5.000 tỷ đồng nhưng phải mua số nợ 100.000 tỷ đồng, có nghĩa phải phát hành trái phiếu cũng như vốn bên ngoài đến 95.000 tỷ đồng, tỷ lệ đòn bẩy rất lớn và nhà đầu tư khó chấp nhận mua trái phiếu với tỷ lệ đó. 

Các tin khác