"Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM, Trung ương sẽ có nhiều tiền hơn"

(ĐTTCO) - Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM lên 20 kịch bản, để đề xuất phương án tối ưu giúp thành phố thêm vốn đầu tư, góp nhiều ngân sách cho Trung ương.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Ảnh: Hữu Công.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Ảnh: Hữu Công.
Sau một năm nghiên cứu và xây dựng, Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM từ 18% lên 23% giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính "ủng hộ tối đa", đồng thời cho biết Chính phủ phối hợp TPHCM và các đơn vị liên quan đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. VnExpress phỏng vấn PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TPHCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về quá trình thực hiện đề án này.

- Vì sao TP HCM xây dựng đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, thưa ông ?

- Thời gian qua thành phố làm được nhiều việc, đạt nhiều kết quả, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp 27% ngân sách và 22% GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện thành phố gặp những khó khăn, thách thức của siêu đô thị hơn 10 triệu dân.

Cụ thể, TPHCM đang quá tải về hạ tầng kỹ thuật và đối mặt nhiều thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, không khí, bệnh viện và trường học quá tải... Những vấn đề này nếu không sớm được giải quyết sẽ thành điểm nghẽn, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Nhiệm kỳ 2016-2020, thành phố làm được 414 km đường bộ, 73 cây cầu, nút giao thông, hầm chui... Con số này được đánh giá là nhiều nhưng không theo kịp tốc độ phát triển quy mô kinh tế, dân số và tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo tính toán, vốn đầu tư 5 năm tới cho ngành giao thông cần gần 137.500 tỷ đồng, trong đó trông cậy vào nguồn ngân sách hơn 97.100 tỷ đồng, mỗi năm cần khoảng 20.000 tỷ. Riêng chống ngập từ nay đến 2025 ước tính cần 101.000 tỷ đồng nữa, trong đó ngân sách thành phố đáp ứng được khoảng 31.400 tỷ đồng.

Từ thực tế đó, Thường trực Thành uỷ, Thường trực UBND đã quyết định hình thành một nhóm gồm có Sở Tài chính, Viện Nghiên cứu Phát triển, Văn phòng Thành uỷ, UBND để làm đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM. Việc này giúp thành phố có thêm nguồn lực, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, giải quyết các áp lực đang đối mặt.

- Nội dung cụ thể của Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là gì?

- Ngay tên gọi đề án đã thể hiện "mục tiêu kép" là đề xuất số tiền để lại cho thành phố nhiều hơn, nhưng phải đóng góp ngân sách Trung ương lớn hơn. Việc này giúp TPHCM có thêm nguồn lực tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; giúp Trung ương có thêm nguồn lực đầu tư cho các tỉnh khó khăn.

"Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM, Trung ương sẽ có nhiều tiền hơn" ảnh 1 Kẹt xe ở khu vực gần cảng Cát Lát, TP Thủ Đức, tháng 4-2021. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ngoài ra, đề án còn có mục tiêu thúc đẩy Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Bởi khi hạ tầng giao thông của TPHCM được đầu tư, xây dựng sẽ giúp kết nối các tỉnh lân cận, vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Sau nhiều bàn thảo, đề án đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 từ 18% lên 23%. Tôi đưa ra con số cho dễ hình dung. Theo dự thảo ngân sách năm 2021, TPHCM dự toán thu 364.893 tỷ đồng, gồm 3 khoản:

Khoản thu thành phố được hưởng 100% (các loại thuế tài nguyên, môn bài, sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt nước...) khoảng 33.522 tỷ đồng .

Khoản thu hộ cho Trung ương, tức thu được bao nhiêu nộp về Trung ương bấy nhiêu, là 133.758 tỷ đồng (các loại thuế GTGT từ hàng hoá nhập khẩu, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp khai thác dầu khí...).

Khoản thu phân chia phần trăm khoảng 197.613 tỷ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt....). Đây mới là khoản phân chia giữa Trung ương với thành phố. Khi điều chỉnh tăng 1%, thành phố được thêm chừng 2.000 tỷ đồng mỗi năm; 5% tương đương 10.000 tỷ đồng. Nếu thông qua, thành phố sẽ dùng kinh phí này đầu tư hạ tầng, giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Ông lý giải rõ về "mục tiêu kép" của đề án khi đề xuất ngân sách để lại cho TPHCM nhiều hơn, nhưng tiền chuyển về Trung ương cũng lớn hơn?

- Qua chuỗi dữ liệu ngân sách mà Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tập hợp từ năm 2000 đến nay, cho thấy hiệu quả đầu tư tại TPHCM sinh lời cao hơn bình quân chung cả nước. Việc này xuất phát từ năng suất lao động của thành phố gấp 2,4 lần, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) của thành phố hiệu quả hơn bình quân chung cả nước.
"Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM, Trung ương sẽ có nhiều tiền hơn" ảnh 2 Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP HCM bị giảm trong nhiều năm gần đây. Đồ hoạ: Tiến Thành.
Cụ thể, theo mức bình quân cả nước, đầu tư 3-3,5 đồng ngân sách mới mồi được 10 đồng vốn đầu tư từ xã hội (vốn tư nhân, FDI ). Trong khi TPHCM chỉ cần đầu tư một đồng ngân sách huy động được 10 đồng vốn xã hội, tức hiệu quả gấp 3 lần. Khi đầu tư công đem lại hiệu quả, thu hút nhiều vốn đầu tư xã hội giúp GDP tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm, ngân sách thành phố sẽ tăng,

Ngoài ra, số liệu 20 năm qua cho thấy trong đầu tư tài chính, cứ một đồng chi ngân sách của thành phố thì thu được 5 đồng. Ví dụ năm 2000 chi ngân sách địa phương của thành phố gần 4.300 tỷ đồng, tương ứng thu ngân sách gần 24.900 tỷ đồng; năm 2005 chi 12.000 tỷ - thu hơn 57.400 tỷ; năm 2015 chi 55.000 tỷ - thu 273.000 tỷ; năm 2020 chi khoảng 70.000 tỷ - thu hơn 372.000 tỷ.

Khi thu được 5 đồng, TPHCM chỉ giữ lại một đồng, còn Trung ương được 4 đồng. Điều này cho thấy nếu đầu tư cho thành phố nhiều hơn thì ngân sách thu về lớn hơn, Trung ương cũng sẽ có thêm nguồn lực đầu tư cho các địa phương khác.

Với đề án này, TPHCM không suy nghĩ cục bộ cho riêng mình, mà còn hướng tới vai trò, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đề án đã được phản biện qua nhiều vòng, trong đó tham khảo ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương 2 lần, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành, các ủy ban Quốc hội.

- Quá trình nghiên cứu, tổ xây dựng đề án đã đưa ra bao nhiêu kịch bản, tính toán các phương án đề xuất như thế nào?

- Từ số liệu thống kê 20 năm qua cho thấy việc điều chỉnh tỷ lệ ngân sách từ 33% xuống 18% như hiện nay, khiến TPHCM gặp nhiều trở ngại như tốc độ tăng trưởng và thu hút FDI đều giảm, điểm nghẽn giao thông ngày càng lớn. Đóng góp xuất khẩu của thành phố trong tổng xuất khẩu cả nước cũng giảm dần.

Đặc biệt tốc độ thu ngân sách cũng giảm.

"Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM, Trung ương sẽ có nhiều tiền hơn" ảnh 3 Tuyến Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, do vướng mắc về vốn nên chưa thể hoàn thành sau hơn 3 năm khởi công. Ảnh:Gia Minh.
Giai đoạn 2007-2010 tốc độ thu ngân sách tăng hơn 25,62%; sau khi cắt giảm, giai đoạn 2011-2016 còn 10,67%; đến giai đoạn 2017-2020 chỉ còn có 4,5%. Những số liệu này cho thấy dấu hiệu của sự kiệt sức, giảm dần trong tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố.

Nếu tình hình này kéo dài, vai trò đầu tàu và sự đóng góp của TPHCM sẽ giảm đi.

Từ những kết quả đó, ban soạn thảo đề án cho chạy mô hình, mô phỏng mối quan hệ giữa đầu tư ngân sách với đầu tư xã hội, tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách Trung ương, nguồn thu ngân sách địa phương để tìm ra mối liên quan.

Thành phố tính toán làm sao phải hài hoà, để vẫn bảo đảm số tiền nộp ngân sách Trung ương và khoản thu được để lại trong khả năng thành phố có thể hấp thụ. Nếu ngân sách để lại nhiều mà thành phố không giải ngân được sẽ kém hiệu quả. Tiền để lại cho thành phố có độ trễ chứ không sinh lời ngay.

Ví dụ, muốn huy động vốn FDI hay vốn tư nhân thì phải làm đường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trước mới có nhà đầu tư.

Vì vậy, ban soạn thảo đã xây dựng khoảng 20 kịch bản tỷ lệ ngân sách giữ lại từ 18-19% lên 20, 21, 25, 27, thậm chí có lúc lên tới 33%... Từ đó, thành phố chọn ra phương án khả thi nhất, là đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM lên 23% từ năm 2022 đến 2025 và 26% trong giai đoạn 2026-2030.

- Những công trình hạ tầng, giao thông nào mà đề án tính toán đầu tư, xây dựng nếu được thông qua?

- Tại buổi làm việc với TPHCM mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói Chính phủ ủng hộ tối đa việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố.

Với nguồn ngân sách tăng thêm, TPHCM cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Theo tính toán, nếu được giữ lại 23% ngân sách năm đầu thành phố có thêm 11.000-12.000 tỷ đồng. Một loạt công trình cấp bách sẽ được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 như khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, cao tốc Mộc Bài, mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Trung Lương, mở rộng quốc lộ 22...

Các dự án này đã được thành phố xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên, thời gian thực hiện. Vấn đề bây giờ chỉ là tiền đâu để làm thôi.

Các tin khác