Tạo mọi điều kiện giảm lãi suất

(ĐTTCO) - Các dự báo về khả năng giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được đưa ra gần đây đều cho rằng: Lãi suất sẽ được giữ ổn định và nếu có thể chỉ giảm nhẹ. 
Tuy nhiên, sau khi các NHTM có vốn nhà nước tiên phong giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay, NHNN xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khả năng giảm lãi suất cho vay nhiều hơn đang được mở ra.
3 NH điều chỉnh giảm lãi vay
Ngày 10-1, Vietcombank đã phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 15-1 đến hết năm 2018, đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016 của NHNN gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định của Chính phủ về trợ giúp DNNVV; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; DN khởi nghiệp.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ với khách hàng được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm, các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm.
 NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 17%, ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh và hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Do đó, nếu trong năm 2018 NHNN có hạ lãi suất OMO cũng chỉ hỗ trợ các NHTM hạ lãi suất, chứ không phải nới lỏng tiền tệ.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ NH năm 2018 do NHNN tổ chức vào ngày 9-1, lãnh đạo Agribank, VietinBank cũng đã cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, NH tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong năm 2018 nhằm thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Đồng thời, bắt đầu từ ngày 10-1, Agribank thực hiện giảm 0,5% đối với lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và các DN được xếp loại A. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, VietinBank đã giảm lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên (chiếm tới 59% trong tổng dư nợ của NH) và sẽ có chương trình cụ thể để thông báo cho DN và người dân ngay sau hội nghị.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất mới
Nhìn lại diễn biến của lãi suất năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lãi suất trên thị trường 1 ổn định kể từ năm 2015. Lãi suất huy động bình quân khá ổn định. Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng. Bởi thị trường tiền gửi và thị trường liên NH kém liên thông. Lãi suất liên NH duy trì ở mức khá thấp, trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các TCTD lớn. Một số TCTD nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên NH, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.
Đồng thời, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất, trong khi NIM của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống NH tuy có xu hướng tăng trở lại ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017, nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Điều này khiến các TCTD không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.
Tạo mọi điều kiện giảm lãi suất ảnh 1 Nhiều NH cam kết giảm lãi suất cho DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 
Về khả năng hạ lãi suất năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ thuận lợi cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bởi các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ tỷ giá không lớn, nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 42; dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các TCTD yếu kém có chuyển biến tích cực. 
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù Chính phủ, DN mong muốn lãi suất tiếp tục giảm, nhưng xem ra chưa có điều kiện để tạo sự thay đổi lớn. NHNN hiện vẫn kiên trì mục tiêu ổn định dài hạn trên nền tảng kiểm soát lạm phát vững chắc hơn, bài bản hơn, vì vậy lãi suất năm 2018 sẽ tiếp tục ổn định và nếu có chỉ giảm nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi các NHTM có vốn nhà nước tiếp tục tiên phong giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% ngay trong những ngày đầu năm, trong đó có cả NH công bố giảm lãi suất trung và dài hạn, nhiều DN đang rất kỳ vọng các NHTMCP sẽ tiếp nối xu hướng này, từ đó NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ để lãi suất cho vay có thể giảm nhiều hơn trong năm nay.

NHNN sẽ hỗ trợ điều kiện
Có thể thấy, giảm lãi suất dù là bài toán khó nhưng vẫn là yêu cầu thường trực mà ngành NH phải thực hiện. Bởi trong Nghị quyết ban hành vào ngày 1-1-2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, Chính phủ tiếp tục yêu cầu phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô.
Trước yêu cầu đó, định hướng điều hành của NHNN cũng đặt nặng vấn đề này và đã có nhiều giải pháp được đưa ra, cho thấy NHNN quyết tâm giảm lãi suất cho vay cao hơn. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ ban hành Chỉ thị 01 triển khai nhiệm vụ hoạt động ngành NH năm 2018, trong đó có nội dung chỉ đạo các TCTD xem xét giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được nhiệm vụ này, NHNN cũng xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2017 NHNN đã giảm lãi suất điều hành nhưng điều này chưa tác động lớn đến lãi suất cho vay, các NH chỉ mới thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo “mệnh lệnh” của NHNN. Về bản thân các NHTM, trước yêu cầu phải giảm lãi suất, NHTM cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động nhưng hiệu quả tác động không đáng kể đến mặt bằng chung.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá trong năm 2017 lại tăng chậm hơn so với năm 2016. Một số NHTM gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, về tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Do đó, khi có nhiều rào cản như vậy, giảm lãi suất OMO là một giải pháp hiệu quả hơn các giải pháp hành chính trước đó. Lãi suất OMO đã được cố định ở mức 5%/năm trong hơn 2 năm qua, nếu được điều chỉnh giảm, NHTM có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, từ đó có thể hạ nhiệt lãi suất huy động trên thị trường 1 và giảm lãi suất cho vay.

Các tin khác