Thận trọng “săn sóng” ngân hàng niêm yết

(ĐTTCO) - Hàng loạt NH cũng đang lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là thời điểm thuận lợi về giá cổ phiếu và mức độ quan tâm của nhà đầu tư (NĐT). 
Theo các chuyên gia, việc NH tiến hành niêm yết là một tín hiệu hết sức tích cực, nhằm đạt mục tiêu minh bạch thông tin đặt ra đối với ngành này. Tuy nhiên, NĐT cũng cần tỉnh táo vì  “bẫy” giá của các cổ đông lớn.
Sôi động kế hoạch lên sàn
VietBank vừa tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2018. Năm nay, NH đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.007 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho công chúng và cán bộ công nhân viên. Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, sinh lợi cho hoạt động kinh doanh.
Trước mắt, NH sẽ tăng vốn điều lệ đợt một khoảng 500 tỷ đồng và niêm yết trên sàn UPCoM, và đến năm 2020 sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). 
 Thời điểm này mua cổ phiếu NH với mục đích mua đi bán lại rất rủi ro, vì không có gì đảm bảo VN Index giữ vững mốc hiện tại. Diễn biến của thị trường tài chính thế giới và trong nước đều có thể ảnh hưởng đến VN Index nói chung và cổ phiếu NH nói riêng. Nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu NH nên tìm những NH có sức khỏe tốt, có cơ hội phát triển để đầu tư dài hạn và hưởng lợi thông qua việc hưởng cổ tức sẽ an toàn hơn. 
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU,
 chuyên gia tài chính NH 
Trước đó, tại ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 3, OCB cũng đã trình cổ đông về việc tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết tại đại hội, OCB không đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM mà niêm yết thẳng trên sàn chính thức tại HOSE. Thời điểm niêm yết chậm nhất là cuối quý III đầu quý IV.
Techcombank cũng đã thông qua ý kiến cổ đông về việc tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phần trên HOSE tại ĐHCĐ năm 2018 diễn ra vào đầu tháng 3.
Trong tài liệu ĐHCĐ vừa công bố, NamABank cũng đưa ra tờ trình về việc niêm yết chứng khoán.
Theo tờ trình, tại kỳ họp ĐHCĐ năm 2015, cổ đông đã thông qua nội dung về việc giao HĐQT quyết định lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu NamABank trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, do trong giai đoạn 2015 đến giữa năm 2017, tình hình cổ phiếu ngành NH nói chung về giá cũng như mức độ quan tâm của NĐT chưa diễn biến thuận lợi, nên NamABank chưa thực hiện niêm yết nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho cổ đông.
Bước vào năm 2018, tình hình thị trường được đánh giá diễn biến thuận lợi hơn, nên HĐQT trình cổ đông xem xét thông qua việc niêm yết chứng khoán, đồng thời giao và ủy quyền cho HĐQT cân nhắc quyết định lựa chọn thời điểm thích hợp thực hiện niêm yết theo đúng các quy định của pháp luật liên quan. 
Thận trọng “săn sóng” ngân hàng niêm yết ảnh 1 BacABank nằm trong top NH nhỏ, nhưng khi lên  UPCoM đã có giá 23.000 đồng/CP,
gấp đôi so với NH có thương hiệu như SHB, Sacombank. Eximbank. 
Hôm nay, 555 triệu cổ phiếu của TPBank cũng đã chính thức niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán TPB, giá khởi điểm 32.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, sau khi lên sàn UPCoM trong năm 2017, HĐQT VIB đã trình cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2018 hoặc 2019. Việc lựa chọn thời điểm niêm yết sẽ do HĐQT lựa chọn trên cơ sở ủy quyền của cổ đông và có lợi nhất. Thuận lợi thị trường, cơ hội NH
Mục tiêu đưa tất cả các cổ phiếu NH phải niêm yết trên sàn chứng khoán được đặt ra từ năm 2015. Đây là một mục tiêu tích cực, hướng tới ngành NH minh bạch hơn, vì khi niêm yết báo cáo tài chính sẽ được công khai, thông tin tài chính được thể hiện rõ ràng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua các NH vẫn chưa mặn mà niêm yết, nguyên nhân đến từ việc thông tin tài chính có thể chưa thuận lợi cho việc lên sàn, chẳng hạn như tỷ lệ mức sinh lời thấp, có vấn đề như nợ xấu, các khoản đầu tư có tính rủi ro cao hay cổ phiếu dưới mệnh giá.
Nếu lên sàn trong điều kiện đó, cổ phiếu NH sẽ không được thị trường chào đón, cổ phiếu bị đánh giá thấp, đó là bất lợi cho NH, ảnh hưởng tới quan hệ cổ đông và ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu, từ đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh từ huy động vốn đến cho vay. 
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, khi giá cổ phiếu NH tiến triển theo chiều hướng tích cực, các NH cũng lạc quan tính đến chuyện niêm yết. Theo lãnh đạo một NHTMCP, giá trị cổ phiếu của một số NH niêm yết trong năm 2017 tăng đến 20%, thậm chí có NH còn tăng 70% so với trước khi niêm yết, nên nhiều NH đánh giá thời điểm này chính là cơ hội để lên sàn.
Hơn nữa, hiện nay cơ cấu thu nhập NH được cải thiện bền vững hơn từ hoạt động dịch vụ, cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 vẫn giữ ở mức cao, trong khi tỷ lệ lãi cận biên (NIM) được cải thiện nhờ NH chủ động dịch chuyển cơ cấu tín dụng theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng bán lẻ. Bài toán xử lý nợ xấu cũng đã có hướng giải quyết thông qua Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. 
Song song đó, những lỗ hổng, sai phạm về quản lý trong ngành NH trong quá khứ đang được nhìn nhận và xử lý nghiêm túc cùng với những quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi bổ sung, cùng với việc tiến đến áp dụng Basel II giúp ngành NH minh bạch hơn.
Đây là điều kiện để nhiều NH đủ sức khỏe tính toán đến việc niêm yết. Đồng thời, năm ngoái, một số NH trước khi niêm yết đã thu hút tốt dòng vốn của NĐT nước ngoài nên nhiều NH cũng muốn đẩy nhanh tiến độ niêm yết để huy động vốn đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán.

Coi chừng bẫy giá
Đi cùng làn sóng lên sàn của các NH, hiện tượng săn cổ phiếu NH sắp lên sàn cũng gia tăng sau khi chứng kiến hiệu ứng tăng giá mạnh của các cổ phiếu NH mới niêm yết thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư,
Công ty chứng khoán Maybank KimEng, do cổ phiếu NH đang dẫn dắt thị trường trong giai đoạn này, nên đối với các NH đây là thời điểm thuận lợi để niêm yết, và cũng đã có những NH lên sàn đúng thời điểm có giá rất cao, có thể cao gấp nhiều lần so với những NH đã lên sàn lâu năm.
Thí dụ như BacABank chỉ là một NH nhỏ, ít được biết đến, nhưng khi lên sàn UPCoM được giao dịch với giá đến 23.000 đồng, mức giá này gấp đôi giá cổ phiếu của Eximbank, SHB, Sacombank và bằng một nửa giá cổ phiếu của Vietcombank. Tuy nhiên, thuận lợi này chỉ thuộc về NH, về những cổ đông lâu năm, cổ đông nắm giữ cổ phiếu NH đang làm giá. Khi NH niêm yết, các cổ đông hiện hữu của NH bán ra sẽ được giá tốt và có lời, nhưng NĐT mua mới trên sàn sẽ bất lợi, có khả năng gánh chịu thua lỗ lớn. 
Đầu năm nay, cổ phiếu của công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil và PV Power lên sàn, nhiều NĐT đã đổ xô mua vào ngày lên sàn và những ngày sau đó nhưng cho đến nay vẫn chưa có lời. Câu chuyện tương tự có thể diễn ra với cổ phiếu của những NH chuẩn bị lên sàn. Vì so sánh tương quan về quy mô hoạt động kinh doanh sản xuất, giá trị của những NH mới lên sàn không vượt trội hơn những NH đã lên sàn lâu năm nhưng giá cả lại đắt hơn nhiều. 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khuyến cáo, hiện có nhiều NĐT ngoại sở hữu lượng lớn cổ phiếu NH trên thị trường chứng khoán nhưng họ cũng chỉ lướt sóng, đến một lúc nào đó cảm thấy cần phải chốt lời họ sẽ bán ra. Nếu khối ngoại bán ra ồ ạt cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu các NH này. Đây là những điểm mà NĐT cần chú ý khi đầu tư cổ phiếu NH thời điểm này.

Các tin khác