Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyện của NHNN hay Bộ Tài chính?

(ĐTTCO) - Theo quy định hiện hành, các hóa đơn trên 20 triệu đồng muốn được tính vào chi phí để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào khi tính thuế thu nhập, doanh nghiệp (DN) phải trả qua NH. Song Bộ Tài chính đang đề xuất giảm xuống mức 10 triệu đồng.

 Theo các DN, với thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay, áp dụng quy định này sẽ không tăng thu cho ngân sách mà còn gây phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực hơn để né thuế trong thời gian tới.

Gây khó cho DN

 Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt không phải chỉ áp đặt phải thanh toán qua NH, vấn đề cần thiết phải bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, đảm bảo an toàn thông tin kèm theo sự giám sát hợp lý của NHNN đối với hệ thống NH, để các thành phần từ người dân đến DN yên tâm giao dịch qua NH.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2009, một trong những điều kiện để được khấu trừ thuế VAT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.
Thực hiện quy định trên đã góp phần thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua NH giữa các DN, góp phần ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế VAT và phòng chống rửa tiền. Và đến nay, hệ thống thanh toán qua NH đã phát triển và tiện lợi hơn, các phương thức thanh toán ngày càng đa dạng. Hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.  Do vậy, để tiếp tục thực hiện Quyết định 2545 ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của DN, Bộ Tài chính đề nghị quy định điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị sửa quy định tương ứng tại Luật thuế thu nhập DN. Tuy nhiên điều này vấp phải phản ứng của các DN. Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc một DN sản xuất bao bì ở quận Tân Phú, phân tích đây là một quy định đánh đố DN và cản trở kinh doanh, nhất là đối với các DNNVV. Chẳng hạn, trước đây khi DN mua nguyên vật liệu sản xuất dưới 20 triệu đồng chỉ cần mang tiền mặt đến và nhận hàng. Còn nếu theo quy định này, để chi phí này được khấu trừ thuế VAT, DN phải đến NH chuyển khoản, chờ bên cung cấp nguyên liệu nhận được tiền mới giao hàng. Việc chuyển tiền từ NH này sang NH khác hiện nay mất đến vài giờ, còn nếu chuyển vào cuối giờ chiều phải đợi đến hôm sau tiền mới vào tài khoản người nhận.  Cũng theo ông Thanh, NH điện tử tuy giới thiệu hoạt động 24/7, nhưng thực tế nhiều NH không thể truy cập được vào buổi tối và những ngày cuối tuần. Do đó, nếu có nhu cầu mua hàng phát sinh vào những thời điểm này phải dùng tiền mặt để đặt cọc mua nguyên liệu lại không được hạch toán vào chi phí để tính thuế, sẽ gây thiệt thòi cho DN. Đó là chưa kể đến việc trong 1 ngày phải phát sinh chi nhiều khoản khác nhau, phải liên tục đến NH để chuyển khoản và trả mức phí chuyển khoản không nhỏ, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho DN, bất lợi cho hoạt động của DN.Bộ Tài chính làm thay NHNN?
Theo Quyết định 2453/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015”, mục tiêu đến cuối năm 2015 phải đạt được tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán dưới 11%; nâng tỷ lệ người dân có tài khoản NH lên 35-40%, triển khai 250.000 điểm giao dịch với số lượng trên 200 triệu giao dịch/năm… Tuy nhiên, dù ngành NH đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch giai đoạn này chỉ đạt ở mức khoảng 5%. Cho đến thời điểm này, thanh toán dùng tiền mặt vẫn phổ biến do thói quen của người dân và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.  Hơn nữa, để tăng thanh toán không dùng tiền mặt, tại Quyết định 2545 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020,  Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện. Do đó, nếu Bộ Tài chính muốn thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phòng chống rửa tiền cũng cần ngồi lại bàn bạc với NHNN để đưa ra những chính sách hợp lý hơn.  Còn về thanh toán qua thẻ, mặc dù có điểm tiện lợi, nhưng hiện nay nhiều điểm bán hàng thu phí nộp NH đặt máy thanh toán thẻ đến 2-2,5% tổng số tiền thanh toán. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho DN. Hơn nữa, việc bảo mật thông tin tài khoản tại các NH vẫn còn nhiều bất cập, do đó việc thanh toán quẹt thẻ chủ yếu là cá nhân thực hiện, còn với thanh toán mua hàng, DN vẫn chưa mạnh dạn do bất tiện và ẩn chứa nhiều rủi ro. Đây cũng là một vướng mắc lớn cần phải được tháo gỡ trước khi bắt buộc mọi thành phần phải sử dụng hình thức này.
Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyện của NHNN hay Bộ Tài chính? ảnh 1 Thanh toán qua NH điện tử tuy được quảng bá hoạt động 24/7, nhưng thực tế không thể truy cập vào buổi tối hoặc cuối tuần. 
Kích thích gian lận thuế
Nhiều DN cho biết, nếu Bộ Tài chính áp dụng chính thức có thể dẫn đến “bùng phát” các hành vi gian lận liên quan đến hóa đơn chứng từ. Chẳng hạn, trước nay đã có tình trạng DN chia nhỏ giá trị thanh toán thành nhiều hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu đồng, phân ra nhiều ngày trả tiền khác nhau, ghi hình thức thanh toán là tiền mặt để được khấu trừ thuế, đồng thời tránh bị kiểm soát khi thanh toán qua NH. Bây giờ nếu áp dụng với các khoản dưới 10 triệu, việc chia nhỏ hóa đơn dự báo sẽ gia tăng mạnh hơn.
Thậm chí, nếu càng tận thu, các DNNVV sẽ cố ý không phân bổ hoặc phân bổ sai thuế VAT đầu vào cho mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế, để tăng khấu trừ thuế VAT đầu vào. Điều này càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến việc gian lận thuế VAT và thuế thu nhập DN vốn đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam. 

Trong khi đó, ở đầu ra hiện nay có rất nhiều DN, đơn vị bán hàng, cung ứng dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn VAT, hay DN lợi dụng chính sách thuế đối với hàng xuất khẩu bằng 0%, nên lập hồ sơ khống cho hàng xuất khẩu để được hoàn lại tiền thuế VAT… khiến ngân sách bị rút ruột lại chưa được Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ.
Theo bà Tú Anh, giám đốc một công ty nhập khẩu dệt may, 1 tấn vải may mặc nhập về mất vài triệu đồng tiền thuế, nhưng khi nhập 300kg vải DN phải trả 8 triệu đồng tiền kiểm tra hàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều DN nhỏ lẻ tìm cách nhập lậu nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa có giải pháp xử lý, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của những DN kinh doanh đúng luật. 

Trong bối cảnh như vậy, các DN cho rằng, cơ quan quản lý khi điều chỉnh chính sách thuế cần phải hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh chân chính. Với các hành vi gian lận, cần tăng mạnh chế tài, mức xử phạt, kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận, quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt thay vì tận thu để tạo sự công bằng đối với nghĩa vụ thuế, từ đó DN mới có động lực phát triển kinh doanh, đóng góp cho nguồn thu của ngân sách.

Các tin khác