Thanh toán không dùng tiền mặt mới chiếm 21%

(ĐTTCO) - Đó là số liệu được đưa ra tại Diễn đàn NH bán lẻ năm 2019 tổ chức ngày 28-11.

Thanh toán không dùng tiền mặt mới chiếm 21%

Cụ thể liên quan đến hoạt động thanh toán, thống kê của NHNN cho biết, số người có tài khoản NH hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Đến hết tháng 9-2019, Việt Nam có 32 tổ chức không phải NH được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử.

Bên cạnh các công ty fintech, 24 NH cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Cùng với đó là 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động.

Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; giá trị giao dịch đạt 9.506 nghìn tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ, giá trị giao dịch đạt 1,761 nghìn tỷ đồng, tăng 160,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, về tổng quan, tỷ lệ giao dịch TTKDM tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế. Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam & ASEAN, tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn cao, lên tới 79%, còn tỉ lệ giao dịch TTKDTM chỉ có 21%. Đồng thời trong TTKDTM, thanh toán qua thẻ chiếm tỉ lệ rất cao, các hình thức thanh toán khác như QR code, ví điện tử vẫn còn thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra một phần là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao nhưng vẫn còn nhiều hình thức vay mượn không chính thức; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp. Fintech tuy nhiều nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác. Internet góp phần thúc đẩy phát triển giải pháp thanh toán tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng tài khoản để thanh toán vẫn còn thấp, đa số các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt.

Vì vậy, đại diện ví điện tử Moca cho rằng, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người Việt theo đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong việc thúc đẩy định hướng TTKDTM tại Việt Nam hiện nay. Song, yêu cầu này cũng là một thách thức cực lớn, và không thể chỉ làm trong một vài ngày bởi một doanh nghiệp đơn lẻ, mà đòi hỏi các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán di động đều cần phải đầu tư, đổi mới liên tục để tuyên truyền lợi ích và khuyến khích người dân, các đơn vị chấp nhận thanh toán và doanh nghiệp thương mại lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn nữa.

Mặc dù nhận định chung đều cho rằng thay đổi thói quen rất khó, nhưng các chuyên gia tài chính cũng khẳng định không phải không thể làm được. Ông Neil Van Heerden, Giám đốc Chiến lược Kinh doanh Quốc tế, TrueMoney cho rằng, tại thời điểm hiện nay, TTKDTM của Việt Nam đang có những lợi thế phát triển mạnh mẽ nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng.  Sự bùng nổ về thương mại điện tử và sự xuất hiện của các công ty dịch vụ công nghệ ngày càng nhiều đóng vai trò đòn bẩy trong việc phát triển các giải pháp TTKDTM. Sự cạnh tranh của các công ty công nghệ tài chính cũng sẽ đem lại nhiều hơn những lợi ích và giá trị cho người dùng. Vấn đề quan trọng còn lại là sự nỗ lực để nắm bắt cơ hội đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức này của các NHTM, đơn vị trung gian thanh toán.

Các tin khác