Thấy gì từ việc Fed giảm lãi suất

(ĐTTCO)-Tuần vừa qua chứng kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 0,25% lần thứ 3 liên tiếp. Đây là một dạng chính sách tiền tệ mua “bảo hiểm” phòng ngừa với việc chậm nhịp trong tăng trưởng kinh tế Mỹ, bắt nguồn từ những bất định toàn cầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và vấn đề Brexit ở châu Âu.
Thấy gì từ việc Fed giảm lãi suất
Độ trễ chính sách cắt giảm lãi suất có thể làm cho các hoạt động kinh tế và lạm phát nóng lên trong vài tháng tới. Fed vì vậy đồng thời phát tín hiệu dừng nới lỏng “điều chỉnh giữa chu kỳ” để nền kinh tế có đủ thời gian hấp thụ liên tiếp 3 cú cắt giảm lãi suất, rồi chờ xem điều gì xảy ra sau đó.
Quỹ đạo lãi suất chính sách của Fed đã thay đổi đáng kể trong 1 năm qua, với việc từ quan điểm “còn 1 chặng đường dài để lãi suất hướng đến cân bằng” vào tháng 10-2018 đến “lập trường chính sách thích hợp” tháng 10-2019. Ngân hàng trung ương các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam như nhận được món quà mới từ động thái ngừng cắt giảm lãi suất của Fed. Các ngân hàng trung ương có thể yên tâm không phải tham gia cuộc đua cắt giảm lãi suất toàn cầu như trước.
Quan điểm truyền thông chính sách Fed theo đuổi từ 2015-2018 luôn là “định hướng”. Vậy tại sao bất ngờ Fed lại đảo ngược chính sách theo kiểu “chờ và xem”? 
Ông Powell, Chủ tịch Fed, dường như biến thành một nhà chính trị hơn là kinh tế gia. Trong cuộc họp báo sau phiên cắt giảm lãi suất lần 2 vào tháng 9, Powell được gọi là quý ngài “không nói gì”. Ông tuân thủ triệt để chiến thuật “không bao giờ giải thích, không bao giờ hối tiếc”.
Lần này ông chỉ mới hé nhỏ cánh cửa hẹp cho mọi người dễ đoán hơn bằng việc tháo bỏ cụm từ “sẽ hành động phù hợp” như các phiên họp trước đó, thì ngay lập tức thị trường mạnh dạn định giá rất thấp khả năng cắt giảm lãi suất lần thứ 4 trong phiên họp của Fed vào ngày 10 và 11 - 12 (xác suất chỉ còn khoảng 20-30%).
Đến đây vẫn còn 1 câu hỏi quan trọng bậc nhất mà cả thế giới tìm cách giải mã. Tại sao Fed lại đảo ngược lập trường một cách dễ dàng? Các lý lẽ kinh tế dường như không đủ để hỗ trợ cho quyết định của Fed. Vậy thì chỉ còn động cơ chính trị. Có quan điểm cho rằng, Fed đang chịu các cuộc tấn công liên tục từ Tổng thống Donald Trump nên mới giảm lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm sau. 
Có một điều bí ẩn mới xuất hiện, khi bỗng nhiên hơn 1 tháng gần đây lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường repo tăng từ 2% lên 10%. Đến nay, Fed đã liên tục bơm vào hệ thống ngân hàng 300 tỷ USD dự trữ để giảm nhiệt lãi suất cho vay qua đêm. Động thái bơm tiền quá mức này được xem là bất thường. Chưa hết, trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn phát thông điệp tìm cách nới lỏng các quy định về yêu cầu vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng để giảm lãi suất nhiều hơn nữa. 
Những động thái này đặt ra giả thuyết có những động cơ chính trị nào đó đằng sau các quyết định lãi suất của Fed. Với những ai tin vào giả thuyết này, khả năng các đợt cắt giảm lãi suất vào các phiên họp tới của Fed là rất cao, chứ không chỉ 20-30% như thị trường định giá.
Tuy nhiên, những ai tin vào tính độc lập của Fed thì lại nghĩ khác. Nghiên cứu của các nhà kinh tế đến từ Duke University và London Business Shool cho thấy, mỗi dòng tweet của D. Trump chỉ có tác động rất nhỏ đến nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Sau mỗi lần tấn công của D. Trump, chỉ làm thay đổi 0,3 điểm cơ bản lợi suất, hàm ý trên hợp đồng tương lai lãi suất Fed. Tổng tích lũy các đợt tấn công cũng chỉ làm thay đổi 10 điểm cơ bản. 
Sau cuộc họp báo cắt giảm lãi suất lần thứ 3, phóng viên có hỏi Powell nghĩ gì về đề xuất nới lỏng quy định ngành ngân hàng của Bộ Tài chính, ông đáp trả “tôi không nghĩ thế, tôi không nghĩ đó là giải pháp đúng”. Khác với các vị tiền nhiệm, Powell không phải kinh tế gia chuyên nghiệp. Ông là một nhà đầu tư chịu nhiều thăng trầm nhưng cũng rất thành công trong lĩnh vực ngân hàng và cũng có học vị tiến sĩ luật học. Điều này đủ làm cho ông có bản lĩnh và kiến thức luật cần thiết để tạo ra tấm khiên bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của D. Trump.
Theo dõi cuộc tỷ thí giữa 2 người đàn ông quyền lực nhất thế giới, xem ra thú vị hơn các chỉ số kinh tế hỗ trợ đằng sau các quyết định của 2 bên. Có lẽ điều thú vị nhất đối với chúng ta là đã giúp vỡ ra nhiều bài học về việc làm thế nào để tạo dựng cũng như phá vỡ uy tín về sự độc lập của ngân hàng trung ương trước các sức ép nới lỏng tiền tệ và tài khóa, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng đến từ các tư duy mang tính nhiệm kỳ.

Các tin khác