Thí điểm thanh tra thuế bằng phương pháp điện tử

(ĐTTCO) - Trong 4 tháng đầu năm, ngành thuế đã thanh, kiểm tra 13.890 doanh nghiệp (DN) với số thu hơn 5.166 tỷ đồng.

 Được biết, sắp tới ngành thuế sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến đến thí điểm thanh tra bằng phương pháp điện tử.


Tăng thu hơn 5.000 tỷ đồng

 Hiện nay, việc đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế được nhiều cục thuế địa phương triển khai mạnh mẽ như triển khai thí điểm hệ thống hóa đơn điện tử có xác thực, khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà, email điện tử kết nối DN, tiến đến áp dụng hoàn thuế điện tử sau thời gian thí điểm... Theo đó, việc thay đổi phương thức thanh kiểm tra truyền thống, từng bước xây dựng và hoàn thiện kỹ năng thanh tra điện tử.
Cục Thuế TPHCM cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017 đã thanh, kiểm tra tại 5.335 DN với số thuế truy thu và phạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2016. Cục còn giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 149,29 tỷ đồng, giảm lỗ 4.042 tỷ đồng.

Trong đó, đối với công tác kiểm tra tại DN, Cục Thuế TPHCM đã thực hiện kiểm tra 4.937 lượt với số thuế truy thu, phạt và truy hoàn 514,5 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; số thuế ấn định 3,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 113,4 tỷ đồng, giảm lỗ 1.800 tỷ đồng.

Những DN vi phạm đã nộp ngân sách 148,3 tỷ đồng, đạt 29% so với số thuế truy thu, phạt và truy hoàn. Bên cạnh đó, 398 hồ sơ của DN đã thanh tra trong 4 tháng đầu năm, số thuế truy thu và phạt 846,05 tỷ đồng, giảm khấu trừ 35,89 tỷ đồng, giảm lỗ 2.242 tỷ đồng. Những DN này đã nộp ngân sách 451,4  tỷ đồng, đạt 53,36% trên tổng số truy thu và phạt phải nộp ngân sách.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, để tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế năm 2017 đạt kết quả cao, cơ quan này đã có công văn chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho từng phòng, chi cục thuế và từng cán bộ thuế để đôn đốc kịp thời tiền nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, không để phát sinh nợ mới. Phấn đấu đến ngày 30-6-2017 thu được 50% nợ có khả năng thu thời điểm cuối năm 2016 (tương đương 5.500 tỷ đồng) và thực hiện chỉ tiêu giảm nợ thuế đến 31-12-2017 không vượt quá 5% so với tổng thu ngân sách năm 2017. 

Việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với DN, đôn đốc thu nợ đọng thuế nhằm giúp tăng nguồn thu cho ngân sách luôn được cơ quan thuế chú trọng. Theo số liệu chung từ Tổng cục Thuế, đến 28-4, toàn ngành đã thực hiện thanh, kiểm tra 13.890 DN, đạt 13,66% kế hoạch (kế hoạch năm 2017 là 101.706 DN), bằng 113,97% so với cùng kỳ năm 2016. Số thu tăng qua thanh, kiểm tra hơn 5.166 tỷ đồng, bằng 175,92% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó truy thu 4.248 tỷ đồng; truy hoàn 31,1 tỷ đồng; phạt 817 tỷ đồng; tăng thu qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 69,22 tỷ đồng. Trong quý I-2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra 25 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó các đơn vị đã truy thu, truy hoàn và phạt 150,5 tỷ đồng, giảm lỗ 180 tỷ đồng, giảm khấu trừ 0,02 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 139 tỷ đồng. Riêng thanh, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 67,6 tỷ đồng, giảm lỗ 65 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 464,62 tỷ đồng.

Thí điểm thanh tra thuế bằng phương pháp điện tử ảnh 1 Cơ quan thuế kiểm tra các thông tin về DN trên hệ thống dữ liệu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Từ trước đến nay, công tác thanh, kiểm tra luôn được chú trọng để hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời qua đó cũng phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận thuế của các DN. Tại hội thảo về công tác điều tra thuế do Tổng cục Thuế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức hôm 11-5, ông Phạm Ngọc Lai, Chánh Thanh tra Tổng cục Thuế, cho biết trong giai đoạn từ năm 2014-2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an tổng cộng 690 vụ vi phạm pháp luật về thuế, 305 vụ có dấu hiệu trốn thuế. Cơ quan công an đã điều tra xử lý hình sự 67 vụ, khởi tố điều tra 70 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Dù vậy theo đại diện cơ quan thuế, con số này là rất thấp so với thực tế. Ông Lai nhấn mạnh, cơ chế tự khai tự nộp thuế đã góp phần thúc đẩy việc nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng một số DN lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. 

Mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành thuế phải tiến hành thanh tra ít nhất 18% số DN đang hoạt động, 100% hồ sơ hoàn thuế được thanh, kiểm tra. Việc thanh, kiểm tra thực hiện theo phương pháp rủi ro, tập trung vào những DN có dấu hiệu rủi ro về thuế. Theo đó, một lãnh đạo của Cục Thuế TP Hà Nội cho biết cơ quan này đang thực hiện thí điểm việc thanh, kiểm tra bằng phương thức điện tử.

Phương thức này kiểm tra các thông tin DN trên cơ sở dữ liệu, theo đó nếu có dấu hiệu rủi ro về thuế, cơ quan thuế sẽ gửi thư ngỏ, đề nghị DN rà soát, khai thuế lại theo đúng tình hình thực tế. Nếu DN không khai báo lại, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra theo quy định. Còn tại Cục Thuế TPHCM, đơn vị này cũng đã thực hiện thanh, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin người nộp thuế.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao để có biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận thuế. Tập trung thanh, kiểm tra đối với 16 lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, trong đó có một số lĩnh vực trọng yếu như kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, DN bán hàng đa cấp... 

Dựa trên các phần mềm công nghệ sẽ cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu DN, xây dựng hệ thống tỷ suất ngành nghề hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra giá chuyển nhượng nói riêng. Do đó sắp tới đây công tác thanh, kiểm tra thuế sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa, hạn chế những sai sót và tiêu cực trong quá trình thanh tra.

Các tin khác