Thị trường tài chính: Những điều dự báo trước

(ĐTTCO)-Hơn 1 tháng qua, thị trường tài chính (TTTC) thế giới và Việt Nam đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Khi sự sụt giảm này diễn ra trên 20% được xem là thị trường vào xu hướng giảm - thị trường con gấu. 
Lịch sử của các cuộc chiến giá dầu (thời gian và mức sụt giảm).
Lịch sử của các cuộc chiến giá dầu (thời gian và mức sụt giảm).
Điều này đã khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) phải hành động mạnh tay từ bơm tiền vào hệ thống tài chính, cắt giảm lãi suất liên tục và dồn dập, đến việc thực hiện các gói nới lỏng định lượng (QE) lớn. Những giải pháp này đến nay tạm thời trấn an tâm lý thị trường, nhưng liệu có giải quyết được căn nguyên của vấn đề? Thử nhìn lại thị trường dưới công cụ phân tích chu kỳ.

Sự hội tụ các chu kỳ - điềm báo thị trường
Những người nghiên cứu về chu kỳ của các thị trường thường làm công việc nghiên cứu lùi về lịch sử, càng lùi xa càng giúp tìm kiếm những mẫu hình của lịch sử. Hiểu được những mẫu hình lịch sử có tính lặp lại này giúp chúng ta hiểu được những điều đang diễn ra trong tương lai.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill có câu nói nổi tiếng: “Càng nhìn xa ra phía sau ta càng thấy xa ở phía trước”, đã khái quát ý nghĩa đó.
Khi các sự kiện không ngờ xảy ngoài dự đoán và phân tích của mọi người, giới chuyên gia gọi đó hiện tượng “thiên nga đen”, hay “thiên nga trắng” như cách nói gần đây của Nouriel Roubini, để diễn tả những rủi ro TTTC thế giới đang đối mặt.
Trong khi đó, giới phân tích chu kỳ đã tìm ra những mẫu hình lịch sử này để dự đoán những điều sẽ xảy ra. Dưới đây là sự minh chứng của một số chu kỳ quan trọng đang hội tụ, chỉ dẫn xu hướng tương lai của TTTC:
Chu kỳ cách mạng 250 năm: bắt đầu vào nửa cuối năm 2016, được đánh dấu bằng sự kiện Brexit, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ… Chu kỳ này muốn đề cập đến những đổi thay trong xã hội, phát minh vĩ đại, cuộc cách mạng công nghiệp đã làm chuẩn mực sống của con người có bước tiến nhảy vọt nhanh nhất trong suốt toàn bộ lịch sử hiện đại. Chu kỳ này sẽ kéo dài 1-2 thập niên tới.
Chu kỳ Phong trào Dân túy 84 năm: Chúng ta rất dễ nhận ra sự tồn tại của chu kỳ này, khi chứng kiến vô số cuộc nổi dậy và biểu tình xảy ra hầu như hàng ngày. Nó khởi phát từ sự bất mãn của công nhân và tầng lớp trung lưu. Diễn biến của chu kỳ này tạo ra những thay đổi lớn trong các đường lối kinh tế chính trị, những quy tắc luật lệ của thị trường được thiết lập lại. Chu kỳ này là một phần của chu kỳ cách mạng 250 năm khi cộng 3 lần nó lại (252 năm).
Chu kỳ khủng hoảng tài chính 28 năm: Chu kỳ này tương tự chu kỳ 30 năm về giá hàng hóa được trình bày ở diễn biến giá dầu. Năm 1933 chu kỳ này tạo đáy. Đó là lúc chúng ta thấy những gì tồi tệ nhất của đại suy thoái diễn ra trên toàn cầu. Sau đó đáy suy thoái tiếp theo xuất hiện vào năm 1961, với 2 cuộc suy thoái kép vào năm 1960 và 1962, khủng hoảng tên lửa tại Cuba, và vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. 28 năm sau là cuộc suy thoái và khủng hoảng cho vay và tiết kiệm (S&L) Mỹ vào năm 1990-1991 (ngay sau đáy năm 1989). Và TTTC ngày nay đang ở trong tâm điểm của chu kỳ này. Khi cộng 3 lần của 28 năm cũng là chu kỳ 84 năm. Do vậy sự hội tụ của 3 chu kỳ này sẽ giúp lý giải những vấn đề kinh tế tài chính đang diễn ra.
Còn nhiều chu kỳ khác được đề cập như chu kỳ toàn cầu hóa diễn ra 100 năm 1 lần. Hiện nay nó đã đi vào pha giảm, tạo ra cho thế giới đặt lại quá trình tự do hóa. Các hiệp định thương mại đã phải đàm phán lại, chính sách thuế áp đặt, những xung đột, vi phạm các nguyên tắc tự do hóa ngày một nhiều…
Chu kỳ này cũng được gọi chu kỳ thế kỷ 100 năm. Thậm chí, chu kỳ có thời gian nhỏ hơn, bùng nổ và đổ vỡ diễn ra trong 8-13 năm. Chu kỳ này cũng kích hoạt cho những cuộc khủng hoảng trên các TTTC. Tùy theo sự hội tụ của các chu kỳ sẽ gây nên các mức độ sụt giảm khác nhau.
Bước ra khỏi những hàm ý của chu kỳ, thế giới sẽ suy nghĩ gì khi những chính sách lãi suất gần như bằng 0, thậm chí âm sẽ không mang lại những kết quả mong đợi. Khi xu hướng nhân khẩu học và cách mạng công nghệ - yếu tố tạo ra làn sóng toàn cầu hóa lần thứ 2 sau Thế chiến thứ 2 - đã đạt đỉnh, đi vào suy giảm trong tổng cầu của nền kinh tế. Việc toàn cầu hóa đạt đỉnh cũng đang tạo ra bước lùi trong tăng trưởng kinh tế ngày nay. Đại dịch Covid-19 như là giọt nước tràn ly mang tính thời điểm hơn là tính lịch sử của nó.
Minh chứng của thị trường dầu
Về cơ bản, chu kỳ hàng hóa chỉ ra giá của các hàng hóa bước vào pha giảm giá cuối cùng, trước khi có sự hồi phục trở lại. Điểm qua thị trường dầu để thấy loại tài sản này có nhiều bong bóng và đổ vỡ. Chúng thường sụp đổ nhanh hơn trong khoảng thời gian đầu của quá trình bùng nổ. Chúng gần như sẽ quay về mức đáy tại thời điểm ban đầu hình thành hoặc thấp hơn cả mức này. Có nhiều biến thể khác nhau đối với những loại hàng hóa khác nhau, nên nó khó dự báo hơn các thị trường khác.
Trong cuốn sách “Khủng hoảng tài chính: Những điềm báo trước giờ G”, báo ĐTTC đã từng giới thiệu hơn 6 tháng trước, đã có dự báo giá dầu sẽ về mức 20USD và hơn thế vào đầu năm 2020. Những điều thị trường dầu hiện đang diễn ra là minh chứng rõ ràng cho việc phân tích chu kỳ. Ở góc độ hẹp hơn, nếu xem dầu là cuộc chiến của những quốc gia sản xuất dầu,  lịch sử thế giới 35 năm qua đã chứng kiến 3 cuộc chiến. Để nhìn vào tương lai thị trường dầu qua cuộc chiến hiện nay, chúng ta điểm lại lịch sử của nó.
Cuộc chiến I: Cuộc chiến này diễn ra vào tháng 6-1985 và kéo dài 13 tháng, đến tháng 12-1986 chính thức bình thường hóa. Khi chỉ có Saudi Arabia cắt giảm sản lượng trong khối OPEC và không làm điều đó một lần nữa. Tháng 11-1985 thị trường đã tràn ngập dầu. Giá dầu đã giảm từ mức 31USD/thùng xuống 9,75USD/thùng.
Cuộc chiến thứ II: bắt đầu vào tháng 11-1997 tại cuộc họp ở Jakarta, Indonesia. Saudi Arabia đã đẩy mạnh việc sản xuất dầu để chống lại việc tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC, nhất là Venezuela, nước đang nhanh chóng chiếm thị phần tại thị trường béo bở Mỹ. Điều này đã làm giá dầu giảm từ 20USD xuống dưới 10USD. Sau 17 tháng, đến tháng 4-1999 mới có những thay đổi.
Cuộc chiến thứ III: bắt đầu tháng 11-2014 tại cuộc họp ở Vienna. Mệt mỏi với các quốc gia không thuộc OPEC tự do tăng sản lượng và lo lắng về tác động của cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ, Saudi Arabia đã áp dụng chính sách bơm theo ý muốn. Dầu sụp đổ từ khoảng 100USD/thùng xuống còn 27,88USD/thùng cho đến tháng 9-2016 thị trường dầu mới bình ổn. Thời gian diễn ra 22 tháng.
Như vậy, nhìn vào 3 cuộc chiến gần đây, cho thấy giá dầu trong mỗi cuộc chiến luôn giảm trên 50% và thời gian kéo dài trên 12 tháng. Hình 2 cho thấy những gì đang diễn ra của thị trường dầu và 3 cuộc chiến trên. Đó cũng là nội dung bài viết mong muốn cung cấp cách nhìn lịch sử của thị trường để hiểu được tương lai TTTC đang diễn ra. 

Các tin khác