Thiếu minh bạch trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Sau loạt bài về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đăng trên ĐTTC số ra ngày 26-8, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi phân tích thêm về vấn đề này. ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, trước sự phát triển của TPDN trong thời gian gần đây.
Thiếu minh bạch trái phiếu doanh nghiệp
Nhà băng sẽ bị ảnh hưởng
Đúng là nhu cầu vốn của DN Việt Nam rất lớn và có 4 giải pháp huy động: thị trường chứng khoán (TTCK), các tổ chức tín dụng, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư. Lâu nay, ngân hàng thương mại (NHTM) lại là kênh trung gian tài chính cung cấp trên 70% vốn cho nền kinh tế, trong khi chủ yếu nguồn vốn của NH là dòng vốn ngắn hạn, bởi NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của TPDN năm 2019 diễn ra nhanh hơn, khá nhiều DN dần chuyển từ kênh huy động vốn NH sang phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên TTCK. 
Gần đây, việc tiếp cận vốn NH khó khăn do tín dụng bị kiểm soát chặt, nhưng điều này lại mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho các DN, và chưa bao giờ thị trường tài chính lại có cơ hội để tạo ra nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế như hiện nay. TPDN đang được xem là điểm tựa mới cho các DN cần nguồn vốn trung và dài hạn.
Có ý kiến cho rằng TPDN với tốc độ phát triển nhanh về quy mô kèm theo lãi suất cao liệu có rủi ro hay không? Điều này là lẽ đương nhiên. Bởi lẽ khi phát hành DN đã nhắm đến những nhà đầu tư cá nhân có nguồn tiền nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lợi lãi suất cao.
Tuy nhiên, DN phát hành trái phiếu cũng phải cân đối giữa chi phí trả cho người mua và tỷ suất sinh lời từ nguồn vốn huy động được. Việc có DN bất động sản huy động đến hơn 14%/năm là mức cao. 
Hiện quy mô thị trường TPDN vẫn còn nhỏ. Vì vậy, một số đợt phát hành với lãi suất 12-14,5%/năm chưa tác động nhiều đến hoạt động huy động vốn của các nhà băng. Tuy nhiên, định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng thấp, đặc biệt siết tín dụng vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, có thể dẫn đến khả năng cộng đồng DN trong nước sẽ tăng cường phát hành trái phiếu để huy động. Lúc đó, nguồn vốn huy động của hệ thống NH cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Đối với DN, khi phát hành trái phiếu với lãi suất 12-14%/năm, tỷ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới cân đối được, trong khi đây là tỷ lệ không dễ đạt được trong thời kỳ thị trường tăng trưởng chậm. Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao.
Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn. Đã vậy, cách thức tiếp cận thông tin về DN của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư muốn mua TPDN, đặc biệt là của các công ty bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá… 
Hiện nay đa phần TPDN được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chỉ khoảng 3-5% phát hành đại chúng. Trái chủ phổ biến là các NHTM, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Nhóm trái chủ này có bộ phận phân tích tài chính DN nên độ rủi ro vẫn chưa lớn. Nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân tham gia cần thận trọng vì như tôi đã nói để các nhà đầu tư cá nhân thẩm định được hồ sơ phát hành trái phiếu của DN là điều khó vô cùng.

Xếp hạng tín nhiệm, lên TTCK
Vấn đề công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành rất quan trọng, nhưng hầu hết các đợt phát hành TPDN đều bỏ qua.
Thực chất TPDN tại Việt Nam vẫn được giao dịch như một loại hàng hóa trên thị trường sơ cấp và mua bán trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, người mua trái phiếu cũng khó có thể cập nhật thông tin liên tục sau khi trái phiếu phát hành. Vì vậy sau phát hành, TPDN phải được niêm yết trên TTCK mới minh bạch thông tin.
Muốn vậy, sản phẩm TPDN cũng phải phát triển như các sản phẩm của NH, phải có nhiều kỳ hạn khác nhau, nhiều hình thức trả lãi khác nhau, thậm chí trái phiếu đó có thể chuyển thành cổ phiếu, có thể được cầm cố thế chấp tại NH với các điều kiện ưu đãi và có sự đảm bảo của bên phát hành.
Một vấn đề quan trọng nữa khi muốn chứng khoán hóa là DN phải công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Thị trường trái phiếu đang phát triển với tốc độ cao. Nhu cầu phát hành trái phiếu để gọi vốn của các DN ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thị trường lại thiếu đi định chế tài chính trung gian làm cầu nối giữa người bán và người mua, mà cụ thể ở đây là các tổ chức, trung tâm xếp hạng tín nhiệm DN.
Việt Nam mới chỉ có 1 công ty định giá DN, cần có nhiều công ty định giá DN sẽ càng tốt hơn, vì sẽ tạo ra sự cạnh tranh về mức phí, đem lại dịch vụ tốt cho các DN cần đánh giá. Còn chỉ 1 DN sẽ dễ độc quyền hơn. Hơn nữa, vấn đề công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành rất quan trọng, nhưng hầu hết các đợt phát hành TPDN đều bỏ qua.
Ở nước ngoài, một DN phát hành trái phiếu trên TTCK, TPDN sẽ được chấm điểm và được bán như cổ phiếu, tức là một loại chứng khoán có định giá. Chẳng hạn ở Mỹ, một công ty định giá như S&P 500 sẽ đánh giá trái phiếu này thuộc loại BB+ hay BB-, theo đó nhà đầu tư mới mua TPDN mức độ rủi ro như thế nào, có tương ứng với mức lãi suất mà DN trả hay không. Song ở Việt Nam, muốn tiến hành xếp hạng tín nhiệm đối với DN hay TPDN cũng khó khăn. 
DN ở các nước chủ yếu giao dịch qua tài khoản NH, hệ thống quản lý thuế minh bạch, dữ liệu được thu thập, lưu trữ và phân tích qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Do vậy, nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm đầy đủ. Ngược lại tại Việt Nam, thông tin của DN chỉ thể hiện qua các báo cáo tài chính và báo cáo đối với cơ quan nhà nước, nếu chỉ dùng những thông tin này cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ khó chính xác.  

Các tin khác