Thời cơ cho công ty tài chính

(ĐTTCO) - NH mở công ty tài chính (CTTC) vẫn đang là xu hướng “hot” trên thị trường, bởi trong bối cảnh tiềm năng tăng trưởng của mảng cho vay tiêu dùng còn lớn và một số CTTC đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho các NH. 
Tuy nhiên, lập CTTC cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận hoạt động kinh doanh rủi ro cao, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi nhiều CTTC đã không có lợi nhuận những năm đầu hoạt động.
Kỳ vọng lợi nhuận
Tại một hội thảo mới đây, đại diện StoxPlus cho biết thống kê đối với 18 NHTM có tổng dư nợ chiếm 60% tổng dư nợ toàn hệ thống vào cuối năm 2017, dư nợ cho vay bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi bán buôn và hiện chiếm đến 37% tổng dư nợ. Trong đó, một số CTTC tăng trưởng nhanh chóng đóng góp rất lớn cho lợi nhuận của NH mẹ.
 Trong 3 năm đầu hoạt động (từ năm 2011), FE Credit đã không có lợi nhuận, đến năm 2014 mới có lợi nhuận và vận hành tốt cho đến nay. Điều này cho thấy để có lợi nhuận cao, các NH phải hoạt động trong môi trường chấp nhận rủi ro cao. Đây là điều các NH mở CTTC cần phải lường trước để không phải rơi vào tình trạng lập CTTC rồi để đó hoặc phải tìm đối tác bán đi vì không khai thác được thị phần.
Ông KALIDAS GHOSE, 
Tổng giám đốc FE Credit
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết hiện nay khả năng tạo ra lợi nhuận của các NH đã được cải thiện, đồng thời nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã đẩy mạnh nhu cầu tín dụng. Các NH ngày càng năng động hơn, cung cấp dịch vụ đa dạng hơn và cũng đã dịch chuyển sang xu hướng bán lẻ, do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Hiện đang có nhiều kỳ vọng lạc quan về nền kinh tế và dự báo đến năm 2020, tầng lớp thu nhập trung bình và cao của Việt Nam sẽ đạt 33-44 triệu người. Những người này sẽ đẩy mạnh nhu cầu về dịch vụ tài chính và bảo hiểm, là cơ hội phát triển mảng cho vay tiêu dùng.
Trước một thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng, CTTC cũng được các NH đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc. Lãnh đạo HDBank cho biết HD Saison với khoảng 3,5 triệu khách hàng có tốc độ tăng trưởng 20%/năm, sẽ hỗ trợ NH mở các tài khoản bán chéo, tài trợ cho người mua vé máy bay của Vietjet Air. CTTC này sẽ là một mắt xích trong hệ sinh thái ECO Systerm đang hình thành và phát triển, gồm Vietjet Air, HD Saison, HDBank, Saigon Coop. Thông qua đó, HDBank tiếp cận được 20 triệu khách hàng trong hệ sinh thái, thực hiện mục tiêu giai đoạn 2017-2021 đạt vị trí dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết 5 năm qua lợi nhuận của NH chủ yếu đến từ 2 nguồn là các hoạt động truyền thống và từ FE Credit. Trong 5 năm tới, lĩnh vực này vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận cho NH và chiếm một nửa tổng lợi nhuận của NH hợp nhất. Tại MB, lãnh đạo NH kỳ vọng tỷ lệ lãi cận biên còn dư địa tiếp tục tăng trong năm nay do mảng tài chính tiêu dùng phát triển mạnh hơn thông qua Mcredit.
Thời cơ cho công ty tài chính ảnh 1 HDSAISON là một trong những công ty tài chính thành công cho vay tiêu dùng. 
Làn sóng tiếp diễn
Tại ĐHCĐ năm 2018, OCB trình cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai thành lập hoặc mua lại CTTC. Theo HĐQT OCB, hiện tại OCB đã có khối khách hàng đại chúng hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng, đang hoạt động rất hiệu quả, với quy mô phát triển nhanh, nên cần tách thành CTTC độc lập để thuận lợi cho quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro.
Trước đó, ĐHCĐ ngày 19-4-2017 đã có nghị quyết về việc thành lập hoặc mua lại CTTC nhưng chưa thực hiện được. Để thực hiện kế hoạch này, OCB dự kiến thành lập mới CTTC hoạt động dưới hình thức công ty con do NH đầu tư 100% vốn với số vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng (mức vốn pháp định tối thiểu đối với CTTC), hoặc mua lại một CTTC khác với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty này.
Vào đầu tháng 2, VNPT cũng cho biết đang chuẩn bị hồ sơ trình lên NHNN và Bộ Thông tin - Truyền thông để chính thức ký hợp đồng bán lại CTTC TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) cho SeABank. Khi VNPT tổ chức đấu giá PTFinance, có 2 NH tham gia và SeABank đã thắng với mức giá 710 tỷ đồng, cao hơn mức định giá của VNPT đưa ra. Như vậy, sau khi hoàn thiện hợp đồng mua bán, xin cấp phép từ NHNN và thanh toán tiền trúng đấu giá, SeABank sẽ chính thức sở hữu 1 CTTC. 
Tại ĐHCĐ mới đây, lãnh đạo SHB cũng cho biết trong năm 2017, SHB đã hoàn tất việc sáp nhập CTTC Vinaconex - Viettel (VVF) vào NH, góp phần nâng cao năng lực tài chính của NH cả về vốn và quy mô hoạt động. SHB cũng đã hoàn tất các thủ tục thành lập CTTC tiêu dùng SHB (SHBFC).
Trong năm 2018, SHB sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động của SHBFC, phủ sóng tại 10 tỉnh thành với quy mô nhân sự bán hàng trực tiếp 750 người. Định hướng công ty này sau 5 năm hoạt động sẽ đứng trong top 3 CTTC tại Việt Nam về quy mô dư nợ cho vay tiêu dùng tiền mặt, nâng giá trị doanh nghiệp lên ít nhất 4 lần và ROE đạt 45%, hệ thống mạng lưới mở rộng tại 63 tỉnh thành.

Cần kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro cao
Dù NH lập hoặc mua lại CTTC đang là xu hướng “hot”, nhưng do NHNN không có động tĩnh nào về việc sẽ ban hành quy định NH phải có CTTC mới được cho vay tiêu dùng, một số NH đang cân nhắc trước mảng kinh doanh này. Đầu năm NHNN đã chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Techcombank tại CTTC Kỹ Thương (TechcomFinance) cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Card.
Theo quyết định này, thương vụ chuyển nhượng phải hoàn tất trong thời hạn 3 tháng, dự kiến trước ngày 12-5-2018. TechcomFinance tiền thân là CTTC Hóa chất Việt Nam với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Năm 2015, Techcombank đã nhận chuyển nhượng để nâng sở hữu lên 100% vốn của công ty này, đồng thời đổi tên thành TechcomFinance, cuối năm 2016 vốn điều lệ tăng lên 600 tỷ đồng.
Xét về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu thuần của TechcomFinance năm 2017 đạt 28,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm của TechcomFinance đạt 22,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, NH quyết định bán TechcomFinance vì không lựa chọn mô hình kinh doanh ở mảng rủi ro cao. 
Còn theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, việc lập CTTC không phải là mục tiêu gấp rút. Để sở hữu CTTC, các NH chủ yếu thực hiện thông qua việc mua bán sáp nhập với những CTTC sẵn có nhưng hiện chưa có CTTC có chất lượng đủ tốt. Hơn nữa, mảng bán lẻ của VIB cũng tăng mạnh dù chưa có CTTC, với mức tăng 83% trong năm 2017 và dự kiến tăng trưởng 100% trong năm nay. Trong khi đó, nếu đi vào mảng cho vay tiêu dùng lãi suất 30-60% sẽ rất rủi ro và lợi nhuận thường ngắn hạn.
Hiện nay nhiều NH còn thận trọng với việc mở CTTC xuất phát từ việc hơn 80% thị phần cho vay tiêu dùng của CTTC đã thuộc về FE Credit, HomeCredit, HD Saison và Prudential Finance. Các CTTC khác tham gia thị trường trong thời gian qua chỉ nâng tính cạnh tranh của thị trường, nhưng chưa thể cạnh tranh với 4 công ty này để phân chia lại thị phần. Hơn nữa, nhìn lại quá trình hoạt động của một số CTTC cho thấy, muốn có CTTC lớn mạnh cần phải có sự kiên nhẫn. 

Các tin khác