Thời điểm phù hợp dừng vay ngoại tệ

(ĐTTCO)-Thực hiện Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 của NHNN, từ ngày 1-10-2019, các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh NH nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ngay cả khi doanh nghiệp (DN) vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH nhận định, việc áp dụng Thông tư này là phù hợp, giúp DN từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Đây cũng là bước tiến quan trọng để tiến tới thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. Trước đó, cũng theo thông tư này, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, cũng đã chấm dứt kể từ ngày 1-4-2019. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm DN nhập khẩu vào thời điểm này là phù hợp chưa?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Tôi ủng hộ quyết định của NHNN dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn đối với các DN nhập khẩu. Về mặt lợi, quyết định này thực hiện đúng chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Đây là bước quan trọng để các NH tại Việt Nam giảm cho vay ngoại tệ, tiến tới chỉ còn vay VNĐ. Hiện nay, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, NHNN có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ, nên việc hạn chế và chấm dứt cho vay ngoại tệ cũng hợp lý. Hơn nữa, NHNN cũng đã đưa ra lộ trình từ trước để các DN có sự chuẩn bị. 
Về bất lợi, trước đây DN nhập khẩu vay ngoại tệ với lãi suất chỉ bằng phân nửa lãi vay VNĐ. Bây giờ, DN phải vay VNĐ sau đó đổi ra ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí tài chính, chi phí vốn. Thế nhưng giữa vấn đề có lợi và bất lợi, tôi nghĩ rằng cần hạn chế và chấm dứt cho vay ngoại tệ để thực hiện lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế đã đề ra.
- Chiến lược phát triển NH Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán (M2) giảm xuống dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030, đồng thời chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Với bước tiến hiện nay, ông cho rằng việc thực hiện mục tiêu chống đô la hóa có khả thi?
 Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, NHNN có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ, nên việc hạn chế và chấm dứt cho vay ngoại tệ cũng hợp lý. Hơn nữa, NHNN cũng đã đưa ra này lộ trình từ trước để các DN có sự chuẩn bị.
- Tiến trình chống đô la hóa đến giai đoạn này quyết liệt và thành công, tuy nhiên vấn đề chống đô la hóa vẫn chưa hoàn thiện. Hiện tại vẫn còn hai đồng tiền lưu hành tại Việt Nam là VNĐ và USD.
Chẳng hạn người Việt Nam nhận tiền kiều hối từ người thân ở nước ngoài và vẫn có thể cầm giữ USD hoặc mở tài khoản, sổ tiết kiệm ngoại tệ để gửi USD. Do đó, bước tiếp theo không chỉ tiến tới chấm dứt hoàn toàn cho vay ngoại tệ, cần không cho phép giữ ngoại tệ nữa, kể cả nhận kiều hối cũng phải đổi ra VNĐ. Như vậy tiến trình chống đô la hóa mới hoàn thiện. 
Tuy nhiên, việc không cho phép giữ ngoại tệ trên tài khoản và giữ tiền mặt USD, tất cả ngoại tệ phải đổi ra nội tệ có lẽ còn một thời gian dài nữa mới áp dụng được, vì Việt Nam cũng đang muốn khuyến khích kiều hối. Nếu không cho người dân giữ ngoại tệ lúc này, có thể dòng tiền kiều hối sẽ bị ngưng trệ.
Do đó, lộ trình từ nay đến năm 2030, tức là trong vòng khoảng 10 năm tới việc chấm dứt cho vay ngoại tệ và chỉ có đồng nội tệ có thể giao dịch ở Việt Nam được huy động và cho vay nhằm khắc phụ tình trạng chống đô la hóa nền kinh tế là một mục tiêu khả thi, phù hợp với tình hình kinh tế và thực tế của Việt Nam. 
- Các DN nhập khẩu bây giờ không được vay USD với lãi suất ngoại tệ giá rẻ mà phải chuyển qua vay VNĐ lãi suất gấp đôi. Điều này sẽ làm tăng chi phí tài chính, tăng giá hàng nhập khẩu. Vậy có giải pháp nào phù hợp để các DN giảm bớt áp lực này?
- Các DN phải chấp nhận chính sách của nhà nước về việc cho vay ngoại tệ. Ở Mỹ, DN có thể vay bất cứ ngoại tệ nào vì USD là đồng ngoại tệ cứng và có thể hoán đổi ra bất cứ đồng tiền nào, nên họ có thể cho tự do trong vấn đề này.
Còn VNĐ không phải là đồng tiền được hoán đổi tự do. Chúng ta vẫn ở trong một chế độ kiểm soát hối đoái, nên việc sử dụng nội tệ sẽ góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Và ở tất cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các NH cũng chỉ cho phép vay nội tệ. 
Việc tăng chi phí tài chính có thể xem là cái giá cho việc hoàn thiện chính sách chống đô la hóa. Tuy nhiên, DN linh hoạt hơn, đi tìm những nguồn tài trợ giá rẻ khác. Chẳng hạn DN có thể sử dụng các công cụ như phát hành trái phiếu, tìm cách sử dụng vốn của các đối tác thương mại thông qua đàm phán với các nhà cung cấp nguyên vật liệu về thời gian trả chậm dài hơn…
Mặc dù nguồn này không thể rẻ hơn vay ngoại tệ, nhưng cũng là công cụ phù hợp để DN có nguồn vốn để thay thế cho vốn vay với lãi suất VNĐ cao hơn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác