Thưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc-Thiếu công bằng

(ĐTTCO) - NHNN vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Trong đó có quy định TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt được giảm 50% tỷ lệ DTBB với tất cả tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Đồng thời, TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng được đề xuất miễn tỷ lệ DTBB. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH về nội dung này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận xét thế nào về đề xuất giảm tỷ lệ DTBB 50% đối với TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt và miễn thực hiện DTBB đối với 3 đối tượng khác, trong đó có TCTD được kiểm soát đặc biệt, đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến? 
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đề xuất này của NHNN nhằm giúp các NHTM đang hỗ trợ các TCTD yếu kém, trong đó có Vietcombank, Vietinbank đang hỗ trợ 2 NH được mua lại với giá 0 đồng và có cả Agribank. Theo đó, tỷ lệ DTBB sẽ được giảm từ 3% xuống 1,5%.
Theo quy định hiện hành, một NH huy động vốn 100 đồng phải giữ tỷ lệ DTBB 3 đồng gửi NHNN, 97 đồng còn lại đem cho vay. Do huy động 100 đồng nhưng chỉ sử dụng được 97 đồng cho vay, nên NH huy động lãi suất 7%/năm nhưng lãi suất thực đối với 100 đồng này cao hơn 7%/năm.
Nay dự thảo này của NHNN thay vì áp dụng DTBB cho các NH nói trên 3% sẽ giảm xuống 1,5%, tức các NH huy động 100 đồng được sử dụng đến 98,5 đồng, chi phí lãi suất của các NH này cũng sẽ thấp hơn so với các NH áp dụng tỷ lệ DTBB 3%. Theo đó, chi phí vốn của các NH cũng giảm xuống. Đồng thời, giảm tỷ lệ DTBB cũng giúp các NH này tăng cường thanh khoản, có nhiều tiền hơn để cho vay.
Thưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc-Thiếu công bằng ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, theo tôi, quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các TCTD với nhau. Bởi lẽ chỉ những TCTD hỗ trợ TCTD yếu kém được hưởng DTBB ưu đãi, còn các TCTD khác vẫn phải giữ tỷ lệ DTBB 3%.
Trong khi đó, thay vì giảm DTBB, NHNN vẫn có những công cụ khác để giúp các TCTD đang hỗ trợ TCTD yếu kém, như giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn, hay các chính sách hỗ trợ khác. Trên thế giới hiện chưa có quốc gia nào giảm DTBB cho một số TCTD và phần còn lại chịu mức chung.
Ngay cả với các TCTD được mua lại với giá 0 đồng và TCTD yếu kém cũng nên áp dụng tỷ lệ DTBB như các NH khác, và có những chính sách khác để hỗ trợ họ. Bởi DTBB có 2 tác động. Một là, khi huy động tiền gửi, NH cho vay phải để lại một phần dự trữ để giữ thanh khoản.
Hai là, NHNN dùng DTBB để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Vốn huy động NH có thể đẩy ra ngoài cho vay, DTBB là công cụ để điều chỉnh lượng tiền NHNN cho phép các NH đẩy ra ngoài. Đây là công cụ bất cứ quốc gia nào cũng sử dụng bên cạnh công cụ lãi suất và công cụ thị trường mở.
Việc để các TCTD được kiểm soát đặc biệt áp dụng đồng đều tỷ lệ như các NH khác, thay vì cho phép huy động 100 đồng cho vay 100 đồng, không chỉ tạo tính công bằng mà còn giúp các NH đó dự trữ thanh khoản, tránh trường hợp thanh khoản bị ảnh hưởng do người dân rút tiền quá nhiều dẫn đến việc NHNN phải hỗ trợ.
- Thực tế từ năm 2015 đến nay, NHNN thường xuyên điều chỉnh tỷ lệ DTBB. Ý kiến của ông về việc này?
- Tại Thông tư 23/2015 của NHNN, nhóm TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt sẽ được xem xét giảm DTBB về 0%; các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém sẽ được xem xét giảm tỷ lệ DTBB từ ngày 28-1-2016. Đến năm 2018, NHNN ban hành Quyết định 1158 quy định tỷ lệ DTBB áp dụng từ ngày 1-6-2018 đối với các TCTD 3% với tiền gửi VNĐ có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng.
Nay NHNN tiếp tục đưa ra dự thảo sửa đổi tỷ lệ này, bởi đối với tỷ lệ DTBB, các NH Trung ương có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo từng giai đoạn. Hiện nay, tỷ lệ DTBB của Việt Nam chỉ 3%, mức khá thấp trong khi tỷ lệ này tại các NH tại Mỹ đến 10%. 
Như vậy, có thể nói tỷ lệ DTBB đang áp dụng là mức rất tốt đối với các NHTM Việt Nam. Đối với tỷ lệ này, các NH Trung ương cũng có thể điều chỉnh từng giai đoạn cho phù hợp với yêu cầu chung. Vấn đề là nếu NHNN có điều chỉnh phải điều chỉnh chung cho cả hệ thống NH để có một sân chơi công bằng, thay vì điều chỉnh xong lại giúp một số NH bằng cách áp dụng tỷ lệ DTBB thấp hơn.
Việc giảm tỷ lệ DTBB cũng được xem như là cách “thưởng” cho một số TCTD. Song có nhiều cách để thưởng khác, còn các quy định chung, luật chơi chung cho cả hệ thống nên duy trì.
- Có ý kiến cho rằng NHNN đưa vào dự thảo Thông tư quy định này bên cạnh hỗ trợ tái cơ cấu ngành NH còn nhằm hỗ trợ kéo giảm mặt bằng lãi suất. Theo ông, việc giảm tỷ lệ DTBB lần này có đạt được 2 mục tiêu này?
- Hiện tại lãi suất đầu vào đang cao, tức chi phí vốn của NH cao. Nếu giảm tỷ lệ DTBB như vậy sẽ hỗ trợ kinh doanh đối với NH nằm trong diện này, vì chi phí vốn sẽ giảm, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Song thực chất điều này không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất và khó tạo ra được sự dẫn đầu thị trường, hay một tiền đề để đưa lãi suất giảm xuống, vì mức thưởng này chỉ áp dụng cho một vài NH. Muốn giảm lãi suất phải tính đến những công cụ khác. Đầu tiên và quan trọng nhất lạm phát phải xuống thấp hơn mức 4%.
Thứ hai, NHNN sử dụng các công cụ điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất OMO để tạo tiền đề giảm lãi suất chung. Thứ ba, NHNN phải bơm nhiều thanh khoản vào hệ thống NH, khi có thanh khoản NH sẽ có điều kiện để giảm lãi suất. 
Tuy nhiên, thanh khoản có liên quan đến lạm phát, nếu đẩy thanh khoản nhiều quá, lạm phát tăng lên, nên cần có sự cân bằng giữa hỗ trợ thanh khoản cho NH để kiểm soát lạm phát. Dù vậy, thời điểm này lãi suất rất khó giảm vì lạm phát vẫn còn cao. Việt Nam vẫn muốn tăng trưởng kinh tế tốt nên vẫn phải đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Điều này sẽ làm tăng lạm phát và khó giảm lãi suất.
Đặc biệt, mục tiêu giảm lãi suất còn đối mặt với rào cản nợ xấu của NH hiện rất lớn. Việc nợ xấu đang giữ lãi suất cao vì chi phí dự phòng rủi ro của các NH cao, đẩy chi phí của NH tăng cũng đẩy lãi suất lên. Nợ xấu cũng làm dòng tiền cho vay ra không trở lại NH.
Vì vậy, NH phải huy động vốn mới để trả lại những khoản tiền gửi cũ đã cho vay, nên phải tăng lãi suất để trả lại cho người dân. Nói như vậy để thấy, giảm lãi suất là vấn đề rất khó khăn và điều chỉnh tỷ lệ DTBB cũng sẽ khó tác động nhiều đến việc giảm lãi suất cho vay. 
- Xin cảm ơn ông.
 Để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, thay vì giảm DTBB cho một số NH, hãy tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tham gia các TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD yếu kém với tỷ lệ góp vốn hợp lý hơn; hoặc theo Quyết định 1058 của Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% các TCTD yếu kém trong nước, mới thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu NH diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Các tin khác