Tìm vốn ngoại tái cơ cấu hoạt động

(ĐTTCO) - NHNN vừa yêu cầu OceanBank trong năm 2018 cần sớm chốt lại các vấn đề quan trọng liên quan dự án làm việc, đàm phán với đối tác nước ngoài để trình NHNN và Chính phủ thông qua. 
Đây là một thông tin tích cực trong vấn đề tái cơ cấu NH yếu kém tại Việt Nam, và nếu thành công sẽ tác động tích cực hơn đến quá trình tái cơ cấu hệ thống NH Việt Nam.
Cơ hội đã mở
Trong buổi làm việc của Đoàn công tác NHNN với OceanBank vào cuối năm 2017, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, với sự hỗ trợ của Hội đồng thành viên và ban điều hành được cử sang từ VietinBank, OceanBank đã giữ được hình ảnh thương hiệu, giữ chân khách hàng và tiếp tục phát triển kinh doanh, trở thành NH có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất trong 3 NH được NHNN mua lại.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong năm 2017 OceanBank đã có bước tiến dài trong dự án làm việc, đàm phán với đối tác nước ngoài, trong năm 2018 cần sớm chốt lại các vấn đề quan trọng để trình NHNN và Chính phủ thông qua. 
 Trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” được phê duyệt tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập NHTMCP yếu kém của Việt Nam. 
Trước đó vào tháng 7-2017, ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN đã chia sẻ thông tin có NH nước ngoài muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank. Nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn thứ 2 trong việc soát xét đánh giá toàn diện NH và rất nghiêm túc muốn đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức là một NH 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, những thông tin này đã chính thức được xác nhận và hiện đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Đối với vấn đề tái cơ cấu các NHTM yếu kém tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và NHNN cũng thể hiện sự cởi mở khi nhiều lần kêu gọi và mời chào sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Tháng 6-2017, trong cuộc tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vùng Kansai, ông Hirohisa Fujita, Chủ tịch NH Senshu Ikeda bày tỏ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Kansai cũng như các vùng khác của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, NH này muốn mở văn phòng đại diện tại TPHCM. Để làm việc đó, cần rất nhiều thủ tục hành chính và mong NHNN, các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ, tạo thuận lợi để thành lập văn phòng đại diện này.
Trước mong muốn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề liệu Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại NH yếu kém của Việt Nam (với nợ xấu ở mức vừa phải) và Thủ tướng sẵn sàng tạo điều kiện cho việc này. 
Trước đó, NH Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch mua lại một NHTM yếu kém của Việt Nam, và có thể giới thiệu cho những đối tác khác hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém.
Tìm vốn ngoại tái cơ cấu hoạt động ảnh 1 NH Xây dựng đã củng cố hoạt động ổn định. 
Phải biết nắm bắt
Trong những ngày cuối năm 2017, NHNN cũng đã có buổi làm việc với GPBank và NH Xây dựng. Cũng tương tự như OceanBank, 2 NH này cũng đưa ra những thông tin khởi sắc hơn. Lãnh đạo GPBank cho biết đã duy trì được hoạt động bình thường, ổn định, khả năng thanh khoản được đảm bảo, huy động tiền gửi và cho vay vẫn tăng trưởng so với năm trước.
Đến 29-12-2017, huy động tiền gửi của GPBank tăng 3,9%, dư nợ cho vay toàn hệ thống tăng 11,4% so với cuối năm 2016, nợ xấu giảm so với năm trước. NH đã tích cực xử lý nợ, thu hồi các khoản nợ xấu, thoái vốn đầu tư, củng cố nhân sự quản lý các cấp, xây dựng và bổ sung các hệ thống công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro, tăng cường giám sát hoạt động của các chi nhánh… 
Tại NH Xây dựng (CB), ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐTV cho biết, sau 3 năm chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu nhà nước, CB đã duy trì và củng cố hoạt động NH ổn định với nhiều kết quả bước đầu khả quan, như giữ vững được ổn định trong toàn bộ hệ thống NH, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng, quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 5-3-2015, số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30-11-2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, NHNN mua lại 3 NH để củng cố lại. Sau khi giải quyết được vấn đề tồn đọng, 3 NH này được lành mạnh hóa thì không nên tiếp tục giữ lại vì NHNN càng kéo dài sở hữu sẽ càng có nhiều bất lợi, nguồn lực hỗ trợ cho các NHTM khác cũng khó khăn, nhất là trong việc đảm bảo thanh khoản.
Vì vậy, sau giai đoạn tập trung phục hồi, giải pháp tốt nhất để tái cơ cấu thật sự các NH này là thu hút một số cổ đông chiến lược đầu tư dài hạn vào đó. Hiện các NH này đã có khởi sắc, song song đó, Chính phủ và NHNN cũng đã có những chính sách để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các NH này và nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác. Đây là một cơ hội rất tốt mà các NH cần phải nắm bắt để tái cơ cấu thành công. 

Chờ một cú hích
Thời gian qua cũng đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài rút chân khỏi thị trường Việt Nam, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư mới đã và đang muốn đặt chân vào. Trong xu hướng đó, các NH yếu kém thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn, vì chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những nhà đầu tư tham gia vào các NH này luôn hậu đãi hơn, do mong muốn tái cơ cấu được các NH đó.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán để đi đến hợp tác chính thức đối với những NH này có vẻ khá khó khăn. Thông tin về các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài đàm phán mua lại các NH yếu kém tại Việt Nam xuất hiện từ năm 2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công.
Theo lý giải của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài không thiếu vốn để mua lại NH yếu kém trong nước, và họ cũng muốn tiến vào thị trường bằng cách này để có thể tận dụng cơ sở hạ tầng, chi nhánh để kinh doanh ngay lập tức tại một thị trường có dân số đông và tỷ lệ sử dụng dịch vụ NH chưa cao.
Tuy nhiên, để những cuộc hôn nhân này thành công trước tiên những NH yếu kém phải tạo sự minh bạch, phải xử lý sạch vấn đề sở hữu chéo, công khai thông tin về các các khoản nợ, đặc biệt là nguồn vay nợ xấu hiện nay ở đâu để xử lý triệt để, lúc đó các tổ chức định chế tài chính nước ngoài mới mạnh dạn tham gia vào. Ngoài ra, trong quá trình đàm phán, các NH cũng phải minh bạch thông tin cho nhà đầu tư. Đây là rào cản lớn trong thời gian qua.
Trong bối cảnh như vậy, những thông tin được đưa ra vào cuối năm 2017 về trường hợp của OceanBank đang sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài, cũng tạo ra một kỳ vọng mới. Bởi nếu OceanBank thành công trong thương vụ này có thể xem là một trường hợp thí điểm bán cho nước ngoài để sau đó có kinh nghiệm mở rộng ra các NH khác, từ đó tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu của ngành NH tại Việt Nam.
Trong thời điểm này, một chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị, ngành NH đang đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý các NH yếu kém là một trong những vấn đề trọng tâm, nên trong quá trình đàm phán phải đặt khả năng tái cơ cấu thành công lên hàng đầu thay vì băn khoăn về giá bán, để tránh lặp lại thất bại của một thương vụ trước đây.

Các tin khác