Tín dụng chảy vào tiêu dùng, ra bất động sản

(ĐTTCO) - Tăng trưởng tín dụng quý I-2018 thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng đáng chú ý là tín dụng trung và dài hạn đang có dấu hiệu tăng nhanh. 
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang sốt nóng, diễn biến này đã dấy lên lo ngại vốn tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực này thông qua cho vay tiêu dùng với mục đích mua nhà và sửa chữa nhà ở.
Vốn trung và dài hạn chảy vào BĐS?
Kết thúc tháng đầu tiên của năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra nhận định, trong tháng 1 tăng trưởng tín dụng chững lại do yếu tố mùa vụ. Cơ cấu tín dụng giữ xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn và tập trung vào tín dụng tiêu dùng.
Trong đó cho vay ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 22,1%; cho vay đối với hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 16,5%; cho vay ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 8%; cho vay kinh doanh BĐS và xây dựng khoảng 16,1%; cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 18,3%. 
 Cho vay tiêu dùng hiện nay đã bị biến dạng, trong đó chủ yếu là cho vay mua nhà, sửa chữa nhà, còn vay tín chấp tiêu dùng không nhiều. Hiện thị trường BĐS tương đối triển vọng nhưng phải luôn cảnh giác yếu tố bong bóng, cần phải kiểm soát vay tín dụng ở mức an toàn để tránh vết xe đổ 2007. 
TS. TRẦN DU LỊCH
thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Hết quý I, tín dụng toàn hệ thống ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017, thấp hơn mức tăng 4,3% của cùng kỳ 2017. Song đáng chú ý là tín dụng ngắn hạn trong cả quý giảm, còn tín dụng trung, dài hạn lại tăng. Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3%, tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6%.
Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn chiếm khoảng 53,2% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 52,8%) là điều đáng mừng khi dòng vốn đi vào đầu tư và sản xuất. Nhưng thời gian gần đây, cùng lúc thị trường BĐS nóng sốt, tín dụng trung và dài hạn lại đảo chiều tăng nhanh, dấy lên lo ngại vốn NH đang chảy vào lĩnh vực này. 
Một thống kê được đưa ra gần đây cho biết, 15 NH bao gồm BIDV, Techcombank, SHB, ACB, Eximbank, Maritime Bank, VPBank, Sacombank, Kienlongbank, LienVietPostBank, HDBank, BacABank và ABBank đã công bố số liệu cho vay BĐS năm 2017 trong báo cáo tài chính, còn các NH khác chưa có số liệu. Theo đó, 15 NH này đã cho vay kinh doanh BĐS với tổng dư nợ hơn 163.160 tỷ đồng, tăng khoảng 2.033 tỷ đồng so với năm 2016.
Trong đó, 5 NH có tỷ lệ cho vay BĐS chiếm tỷ trọng tín dụng cao gồm Sacombank (17,6%), Techcombank (12,6%), LienVietPost Bank (11,6%), Kienlongbank (10,1%) và VPBank (8,5%). Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngại về con số thật sự của tín dụng cho vay BĐS, bởi phần lớn vốn cho vay BĐS lại ẩn trong tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, chủ yếu cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất với 52,9%. Còn cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3% tỷ trọng, cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2% và chiếm 8,3%.
Tín dụng chảy vào tiêu dùng, ra bất động sản ảnh 1 Giao dịch tại KienLongBank. 
Liên tục cảnh báo
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ghi nhận những thành quả vượt bậc và dự kiến sẽ tăng 30%/năm trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn là cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng. Trong ngắn hạn, dư địa tăng trưởng lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở khi quy mô tín dụng tiêu dùng chỉ khoảng 19% GDP năm 2017.
Đồng thời, dòng vốn này sẽ tạo động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng GDP trong các năm tới. Tuy nhiên, diễn biến này cũng có rủi ro, nhất là trong một môi trường tăng trưởng tín dụng cao, khó tránh một phần dòng vốn chảy sang các tài sản đầu cơ cao, qua đó thúc đẩy giá tài sản tăng nhanh.
Cụ thể hơn, dòng vốn tín dụng này sẽ là một trong những nhân tố chèo lái giá tài sản trên thị trường BĐS và chứng khoán trong thời gian tới. Những rủi ro tiềm ẩn là rõ ràng và đáng để cảnh báo các nhà lập pháp thực hiện kiểm soát chặt chẽ dòng vốn trên thị trường.
Theo một chuyên gia tài chính, mặc dù cho vay BĐS đang bị siết lại thông qua các chính sách của NHNN, nhưng lĩnh vực BĐS chắc chắn vẫn hút vốn nhiều. Bên cạnh đó, tín dụng cho vay để xây dựng tạo ra BĐS, hoặc liên quan đến BĐS cũng chiếm khối lượng rất lớn. NHNN chưa công bố thông tin về tỷ trọng này nhưng việc liên tục cảnh báo và siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cho thấy NHNN cũng đang lo ngại rủi ro.
Bởi các NH luôn rất mặn mà cho vay BĐS vì có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất có thể cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là né sang cho vay tiêu dùng. Do đó, chỉ cần có cơ hội, các NH sẽ cho vay nhiều đối với BĐS. Khi có quá nhiều tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ đẩy giá BĐS tăng. 
Để giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động cho vay của các NH, tháng 1-2018, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các NH hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực BĐS, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhắc nhở, với lĩnh vực vay tiêu dùng, các NH phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh.
Đặc biệt các NH phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán. Điều này cho thấy, NHNN cũng đã chú ý đến việc siết cả hai đầu vốn đối với lĩnh vực BĐS.
Nhưng xem ra giải pháp của NHNN vẫn được đánh giá là giải pháp “mềm”, bởi trong 5 năm gần đây, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên liên tục giảm nên các NH vẫn chuộng đưa vốn vào những lĩnh vực có lãi suất cao để nâng cao lợi nhuận. Trong cho vay tiêu dùng, NHTM có vốn nhà nước chiếm 45,7% thị phần, NHTMCP chiếm 42,4%.
Để siết vốn vào lĩnh vực này một cách thực tế, tổng giám đốc một NHTMCP cũng đề xuất, NHNN cần “ép” các NHTM sớm áp dụng chuẩn Basel II. Khi NH hoạt động theo chuẩn Basel II, nếu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định là 45%, NH chỉ cho vay tối đa 30% để đảm bảo an toàn vốn. Theo đó, các NH vẫn cho vay BĐS nhưng cho vay ở mức độ nhất định, thay vì mạnh tay đưa vốn thông qua cả 2 mảng là tín dụng BĐS và tín dụng tiêu dùng.

Các tin khác