Tín dụng không còn “con gà đẻ trứng vàng”

(ĐTTCO) - Ngành NH 2018 đã có nhiều cải thiện trong thu dịch vụ, nhưng phần này vẫn chưa chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng lợi nhuận. Chính vì vậy, khi có những điều chỉnh về hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của các NH cũng có sự ảnh hưởng. Do vậy, việc bị siết room tín dụng, lợi nhuận của các NH sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2019, trừ những NH đáp ứng tốt yêu cầu tăng vốn và xử lý nợ xấu.

Điều chỉnh giảm lợi nhuận
Ngày 8-12, Vietinbank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018, công bố giảm một loạt các chỉ tiêu kinh doanh so với đề ra hồi đầu năm. Các chỉ tiêu mới này cũng thấp hơn kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018.
 Sau khi tiếp nhận định hướng mới của NHNN, một số NH đã phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh, và sắp tới chắc chắn các NH khác cũng sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh để phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ của NHNH. Vì cho đến nay, nguồn thu chủ yếu của các NH vẫn tập trung vào hoạt động cấp tín dụng, thậm chí có NH vẫn còn phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng ở mức 80-90%.
TS. Bùi Quang Tín
Cụ thể, hồi tháng 4-2018, tại ĐHĐCĐ thường niên, Vietinbank đã thông qua kế hoạch kinh doanh bao gồm tổng tài sản tăng 10-12% so với năm 2017, dư nợ tín dụng tăng 14% so với năm 2017, tổng nguồn vốn huy động tăng 10-14% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế rất cao 10.800 tỷ đồng.
Song tính tới cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của NH này đạt 9,57%, tăng trưởng huy động vốn 11,79%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.596 tỷ đồng (tăng 5,03% so với cùng kỳ).
Theo chỉ tiêu mới, NH đặt mục tiêu cả năm 2018 chỉ tăng trưởng tổng tài sản có 6-8% so với cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tăng 8-9%, nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân tăng trưởng từ 9-10%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ chỉ còn 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất còn 6.700 tỷ đồng (giảm 27% so với kết quả đạt được năm 2017).
Trước đó vào tháng 8, LienVietPostBank cũng đã công bố quyết định giảm một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm, từ mức 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.
Đồng thời, NH này cũng điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%. Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% được giữ nguyên.

Giảm tín dụng, tái cơ cấu
Theo lãnh đạo Vietinbank, việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế về mức 6.700 tỷ đồng xuất phát từ yêu cầu tái cấu trúc dư nợ cho vay, và hạn chế tăng trưởng cho vay trong quý IV để cải thiện hiệu quả. Nguyên nhân phải tái cấu trúc là do phương án tăng vốn năm 2018 của Vietinbank chưa được các cơ quan chức năng thông qua, NH cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng và các chỉ tiêu khác về quy mô, để đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn tuân thủ theo quy định của NHNN. 
Tại LienVietPostBank, hồi đầu năm, NHNN phê duyệt room tín dụng cho NH này là 14%, nhưng NH xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng đến 20%. Đến tháng 8, NH này đã sử dụng hết room được cấp, nhưng NHNN lại công bố sẽ không nới room tín dụng cho các nhà băng, trừ những NHTM đang tham gia tái cơ cấu các TCTD khác. Thực hiện quy định này, LienVietPostBank đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1, để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của NHNN.
Theo TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, ngay từ đầu năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, nhưng sau đó chủ trương của NHNN là tăng trưởng tín dụng khoảng 15,5-16%.
Cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã nới room tăng trưởng tín dụng nhưng chỉ dành cho một vài NHTM có kết quả kinh doanh hiệu quả và tích cực trong vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu, trong đó có Techcombank được nới lên 20%. Còn phần lớn các NH khác vẫn đang bị NHNN giới hạn room tăng trưởng tín dụng. Mức tăng trưởng tín dụng như vậy rất thấp và bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các NH hiện nay. 
Tín dụng không còn “con gà đẻ trứng vàng” ảnh 1 VIB có khả năng được nới room tín dụng vì đã được công nhận đạt chuẩn Basel II. 
Hiện một số NH đang có xu hướng chuyển hướng tăng thu dịch vụ để giảm phụ thuộc tín dụng, giảm sức ép lên lợi nhuận khi tín dụng bị siết. Đây là điều tốt cho hoạt động của NH, nhưng trước mắt xu hướng dịch chuyển này cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực vì NH sẽ phải đầu tư nền tảng.
Như tại LienVietPostBank, lãnh đạo NH cho biết phải điều chỉnh giảm lợi nhuận vì giai đoạn 2018-2019 sẽ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới vì mục tiêu trở thành NH bán lẻ hàng đầu. Việc mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý… 

Cải thiện sức khỏe sẽ được nới room
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, việc các NH bị cắt chính sách nới room tăng trưởng tín dụng cũng là điều hợp lý cho toàn ngành kinh tế. Vì bơm mạnh tín dụng cũng đồng nghĩa với một lượng cung tiền đổ ra thị trường, ảnh hưởng đến lạm phát.
Đồng thời, năm nay tăng trưởng kinh tế như Thủ tướng Chính phủ nói có thể đạt 6,7%, còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có thể lên đến 7%, trong khi đó lạm phát vẫn giữ ở mức 4%. Tăng trưởng kinh tế tốt, ổn định nhưng tín dụng lại tăng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 17%, nên NHNN không cần đẩy nhiều tín dụng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế khả quan.
Đối với nhiều NH, điều này khiến lợi nhuận sẽ không đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bị siết room tín dụng không thể cho vay trên thị trường 1, các NH vẫn có thể cho vay trên thị trường liên NH. Mặc dù lợi nhuận không cao bằng thị trường 1, nhưng đây cũng là chỗ để sử dụng vốn nếu NH huy động quá nhiều.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thị trường, dù ngành NH đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu nguồn thu từ phụ thuộc thu tín dụng sang tăng thu dịch vụ, nhưng trong vài năm tới thu dịch vụ vẫn chưa thể đóng góp lớn trong lợi nhuận của các nhà băng. Tức lợi nhuận vẫn dựa vào tín dụng.
Đặt trong bối cảnh như vậy, muốn tín dụng vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”, NH phải sớm cải thiện sức khỏe. Hiện NHNN đang giới hạn mạnh mẽ room tăng trưởng tín dụng, nhưng nếu NH nào quyết tâm trong xử lý nợ xấu, tăng vốn, NHNN cũng sẽ nới room tăng trưởng tín dụng.
Dự đoán sau Techcombank, Vietcombank và VIB cũng có khả năng được nới room tăng trưởng tín dụng, vì ngày 28-11 vừa qua, 2 NH này đã được Thống đốc công nhận đạt chuẩn Basel II, hay nói cách khác là đáp ứng được chuẩn mực của Thông tư 41/2016 của NHNN.

Các tin khác