Tín dụng phi chính thức hoạt động công khai

(ĐTTCO) - Hiện hình thức “tín dụng đen” và cho vay trực tuyến đang ngang nhiên tồn tại và có nhiều biến tướng nguy hiểm. Điều này đã đặt ra vấn đề về quản lý các hình thức tín dụng phi chính thức. Trong bối cảnh đó, một số điểm trong dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ đòi nợ thuê của Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản bác, bởi đòi nợ thuê gần như chấp nhận có tín dụng đen. 
Tín dụng đen bao phủ khắp nơi
“Dịch vụ cho vay tiền mặt, có nhanh trong ngày, không cần thế chấp, khoản vay với số tiền không giới hạn. Gọi trực tiếp số điện thoại 0902725…” là mẩu quảng cáo cho vay phổ biến được dán trên tường, cột điện và trong các tờ rơi được phát tại nhiều ngã tư của TPHCM.
Tại một số khu công nghiệp, tờ rơi giới thiệu cho vay tiêu dùng không thế chấp dành cho công nhân với lãi suất 1,42-2,9%/tháng, được vay 6-9 lần thu nhập, tối đa 70 triệu đồng. Thủ tục vay gồm chứng minh nhân dân photo, hình thẻ 3x4, hộ khẩu photo nguyên cuốn và sao kê/giấy xác nhận lương 3 tháng. 
 Tín dụng phi chính thức là nhu cầu của xã hội. Trong tín dụng phi chính thức có khoảng 60-65% là vay bạn bè họ hàng, còn lại là vay tín dụng đen. Mức tín dụng đen như vậy không lớn nhưng về mặt xã hội, hệ lụy do tín dụng đen gây ra rất lớn. Các khoản tín dụng này có lãi suất cao, không hợp đồng, vi phạm pháp luật và cần phải cấm.
TS. Cấn Văn Lực, 
chuyên gia tài chính NH
Nhưng theo anh Hồng Thanh (quận 7, TPHCM), khi liên hệ vay tiền, bên cho vay thông báo 2 hình thức trả nợ là trả góp ngày hoặc góp tháng. Nếu góp ngày khoản vay đáo hạn sau 24 ngày, cứ 1 triệu đồng góp 50.000 đồng/ngày, tức vay 1 triệu trả gốc lẫn lãi 1,2 triệu đồng. Nếu vay trả tháng, món vay 10 triệu chịu lãi 2 triệu đồng mỗi tháng (tương đương lãi vay 20%/tháng), tiền gốc có thể trả khi có khả năng. Vay trên 10 triệu, người vay góp thêm 500.000 đồng tiền gốc mỗi tháng.
Đáng chú ý, gần đây các hình thức tín dụng đen như trên ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều băng nhóm gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng người dân đã bị cơ quan công an bắt giữ. Hầu hết đối tượng này đều núp bóng doanh nghiệp cho vay dưới các hình thức như “tư vấn tài chính”, “kinh doanh dịch vụ tư vấn tài chính”, “tư vấn, hỗ trợ đầu tư, tài chính”, “cho vay tài chính”, “hỗ trợ tài chính”… Tín dụng đen còn núp bóng dưới hình thức cầm đồ. 
Theo khảo sát của ĐTTC, hiện lãi suất cầm nữ trang được nhiều tiệm cầm đồ áp dụng ở mức 1,5-3,5%/tháng; cầm vàng, cầm cố chứng minh nhân dân, bằng lái xe, điện thoại, laptop, xe máy… 5-7%/tháng. Một nhân viên tiệm cầm đồ ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cho biết khách hàng cầm đồ sẽ được nhận khoảng 70% giá trị tài sản. Lãi suất đối với món hàng thế chấp là nữ trang thấp hơn do rủi ro thấp, các tài sản thế chấp khác có giá trị cao phải cho vay với lãi cao hơn vì rủi ro cũng cao.

P2P và sự biến tướng
Bên cạnh tín dụng đen truyền thống, hiện các công ty cho vay ngang hàng (P2P) với hình thức trực tuyến cũng ngày càng bùng nổ. Những thương hiệu nổi bật trong cho vay P2P là Vaymuon.vn, Tima, Mofin, Doctor Dong, Fiin, Mosa… Các công ty này cho vay 1-20 triệu đồng, lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm) nhưng thu phí tư vấn 150.000 đồng/khoản vay 1-5 triệu đồng và một số loại phí khác.
Theo đó, khoản vay 1 triệu đồng mất phí 200.000 đồng chưa kể lãi. Thậm chí, một số công ty P2P cho vay 7 ngày, 10 ngày hay 20 ngày nhưng vẫn tính lãi suất và phí theo mức tháng. 
Cách đây vài ngày, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã cảnh báo chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại TCTD, nên dù vay khoản nhỏ nhưng người tiêu dùng cần thận trọng, nhất là khi cung cấp thông tin để đăng ký vay.
Tín dụng phi chính thức hoạt động công khai ảnh 1 Tín dụng đen công khai quảng cáo ngoài đường và các nhóm đòi nợ thuê hợp pháp. 
Thực tế, hình thức P2P phát triển vì nhu cầu của người cho vay và người cần vay. Về bản chất, việc cho vay không cần thông qua các định chế tài chính trung gian, chi phí thấp, không cần nhân viên, chi nhánh trụ sở sẽ giúp lãi suất thỏa thuận giữa 2 bên không cao. Nhưng vấn đề là P2P đang bị biến tướng. Đó là việc người huy động vốn lấy tiền của người vay để làm việc khác, không phải để cho vay. Đồng thời, mối quan hệ nhà cung cấp nền tảng công nghệ và nhà đầu tư không bảo đảm. 
Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý quản lý hình thức P2P và NHNN cũng chưa cấp phép cho công ty P2P hoạt động. Tuy nhiên, hiện có công ty P2P mới thành lập vài tháng nhưng mỗi ngày có đến 2.000 đơn xin vay. Trong mối quan hệ này, rủi ro cho cả 2 bên nhưng rủi ro hơn là bên cho vay, nhà đầu tư. Dù vậy, cho vay theo công nghệ là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 nên không cấm được, nhưng cần được quản lý chặt chẽ, tránh bị biến tướng.

Nên quản hay cấm?
Trong khi tín dụng đen đang hoành hành, cho vay trực tuyến biến tướng, Bộ Tài chính lại đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, bộ này đề xuất xóa bỏ quy định "chủ nợ và khách nợ không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật".
Theo góp ý của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp đòi nợ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Về mặt pháp lý, trong quan hệ này chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện dịch vụ doanh nghiệp đòi nợ thực hiện. 
Giữa lúc dự thảo vẫn còn đang lấy ý kiến, cơ quan công an các tỉnh thành đã bắt hàng loạt băng nhóm đòi nợ thuê có hành vi khủng bố tinh thần, đập phá nhà cửa, bắt cóc, tra tấn người vay… Với hàng loạt vụ việc xảy ra, UBND TPHCM nhận định hình thức đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm xã hội đen, đã kiến nghị Trung ương cấm hoạt động.
Vay nợ là quan hệ dân sự, hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước còn có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... nên không cần có thêm loại hình đòi nợ thuê. 

Các tin khác