Tín nhiệm ngân hàng ở đâu?

(ĐTTCO) - Kể từ ngày xảy ra vụ việc bà Chu Thị Bình, khách hàng của Eximbank chi nhánh TPHCM, bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng được công khai rộng rãi cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều này khiến uy tín của NH đối với người dân suy giảm nghiêm trọng.
Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an khám xét Eximbank chi nhánh TPHCM.
Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an khám xét Eximbank chi nhánh TPHCM.
Trưa 26-3, Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an đã tiến hành khám xét Eximbank chi nhánh TPHCM và dẫn giải 2 nhân viên phòng khách hàng là Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi vì cho rằng có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng. 2 người này cũng đã bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với cáo buộc đã bỏ qua các thủ tục, quy định cần thiết trong vụ ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM lừa đảo Eximbank rút tiền từ các tài khoản tiết kiệm của bà Bình.
Đến ngày hôm qua 28-3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục khởi tố thêm 3 nhân viên của Eximbank chi nhánh TPHCM gồm Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương. Cả 3 bị can này là nhân viên của Eximbank chi nhánh TPHCM, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. 
 Việc cần làm nhất hiện nay của các NH là rà soát chặt chẽ lại quy trình hoạt động cũng như nhân sự một cách triệt để để tránh rủi ro, tạo dựng vững chắc uy tín và niềm tin với người dân, khách hàng.
Ngay sau khi 2 nhân viên Eximbank bị bắt, ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị, Luật sư trưởng của Eximbank, cho biết NH luôn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của khách, nếu khách hàng mất tiền do lỗi của NH hoặc nhân viên NH không có chữ ký và tham gia của khách, nhà băng này sẽ chi trả ngay.
Trường hợp có chữ ký của khách hàng, việc tham gia của khách hàng trong vụ việc phải được làm rõ bởi cơ quan pháp luật và có phán quyết cuối cùng về trách nhiệm mỗi bên. Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cũng cho biết dù bản chính sổ tiết kiệm bà Bình còn đang giữ, nhưng số tiền trên các sổ tiết kiệm trên hệ thống của Eximbank không còn mà được rút theo các chứng từ có chữ ký của bà Bình hoặc người được bà Bình ủy quyền, do đó việc NH đề xuất tạm ứng cho bà Bình đã thể hiện thiện chí đối với khách hàng.
Với những diễn biến đó, người dân không chỉ ngán ngẩm khi nhắc đến Eximbank mà còn có tâm lý lo lắng về vấn đề được bảo vệ quyền lợi khi gửi tiền vào hệ thống NH, khi có nhiều vấn đề bất hợp lý với người gửi tiền xảy ra trong vụ việc này.
Trước đó, ngày 2-2-2018, bà Chu Thị Bình nhận được Công văn 18/C44B-P5 của C44 xác định Eximbank chi nhánh TPHCM là bị hại trong vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank chi nhánh TPHCM và yêu cầu bà Bình liên hệ với Eximbank chi nhánh TPHCM để yêu cầu giải quyết quyền lợi và lợi ích hợp pháp. C44 đã kết luận đây là vụ án hình sự và Eximbank là bị hại, nhưng yêu cầu bà Bình liên hệ với Eximbank để xử lý theo hình thức dân sự. Điều này rõ ràng không hợp lý.
Hơn nữa, bản thân NH cho đến nay cũng khăng khăng nhận mình là người bị hại càng khiến người dân băn khoăn. Tiền gửi tiết kiệm là tài sản tích cóp của cá nhân và doanh nghiệp, do tin tưởng vào NH nên mới gửi vào NH. Về nguyên tắc, NH phải có trách nhiệm bảo quản tài sản này.
Bà Bình liên hệ với ông Lê Nguyễn Hưng, người đã giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh, để gửi tiết kiệm cũng nói lên mong muốn khoản tiền được bảo quản an toàn tuyệt đối. Về quy trình, các chứng từ của NH phải nhiều người ký mới có thể rút tiền được và khi 2 nhân viên NH bị bắt đã cho thấy có sự thông đồng để chiếm đoạt số tiền của bà Bình. 
Sự việc xảy ra nói lên việc giám sát, thanh kiểm tra hoạt động đối với nhân sự của Eximbank có vấn đề nghiêm trọng, từ đó mới dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho khách hàng. Tuyên bố của Eximbank dựa trên cái lý của NH, nhưng về tình điều này khiến uy tín của NH sụt giảm nghiêm trọng. Cổ phiếu Eximbank nhiều lần giảm giá trong thời gian vụ việc xảy ra và từ ngày 26-3 đến nay sụt giảm mạnh khiến vốn hóa trên thị trường sụt giảm khoảng 1.000 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Đầu tháng 2 vừa qua, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM, lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty đã được kết án. Từ sau khi vụ việc này xảy ra đã liên tiếp có nhiều vụ việc nhân viên NH lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Đáng chú ý, hiện tòa án cũng đang xét xử Nguyễn Thị Lam, từng làm việc tại Eximbank chi nhánh TP Vinh, về việc chiếm đoạt tiền gửi của 6 khách hàng trong Eximbank với tổng số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng. Điều này đặt ra vấn đề phải chăng trường hợp Huỳnh Thị Huyền Như đã trở thành sự việc để nhiều nhân viên NH học theo, chiếm đoạt tài sản khách hàng cho cá nhân.
Hơn nữa, trong vụ án Huyền Như, đến cuối cùng Vietinbank không phải bồi thường, vì vậy các NH xảy ra vụ việc tương tự cũng kiên quyết chờ phán xét của tòa án. Về lý, phán quyết của tòa án dựa trên pháp luật và qua đó sẽ giúp cho NH giảm mức độ bồi thường, giảm thiểu thiệt hại trong vụ án. Song về tình, cách hành xử của các NH đã ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của chính NH, nơi có nhiều doanh nghiệp và người dân đang tham gia gửi tiền, giúp NH ổn định thanh khoản để hoạt động. 

Các tin khác