Trái phiếu doanh nghiệp có tiếp tục bùng nổ?

(ĐTTCO) - Sau khi có xu hướng hạ nhiệt trong 4 tháng cuối năm 2020 do tác động của Nghị định 81/2020/NĐ-CP siết lại điều kiện phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 lại được tạo cơ hội thông qua Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Triển vọng đến từ chính sách
Theo số liệu công bố qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 12-2020, có 35 DN đăng ký 98 đợt phát hành riêng lẻ TPDN với tổng giá trị đăng ký phát hành 75.350 tỷ đồng. Giá trị phát hành thành công đạt 43.470 tỷ đồng, chiếm 57,69% tổng giá trị đăng ký phát hành. Lũy kế cả năm, thị trường TPDN cũng đã có mức tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị phát hành đạt 437.668 tỷ đồng, tăng 38,6% so với năm 2019. Xét riêng từng thời điểm, ở tháng 12 này, giá trị phát hành TPDN đã tăng trở lại sau khi hạ nhiệt đáng kể trong các tháng 9, 10 và 11. 
Trước đó, 8 tháng đầu năm, thị trường TPDN rất sôi động do Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN áp dụng nhiều điều kiện mang tính “cởi trói” cho thị trường này. Nhưng kể từ tháng 1-9-2020, do tác động từ thắt chặt các quy định về điều kiện phát hành TPDN từ Nghị định 81/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2018, thị trường TPDN giảm bớt sức nóng. Tháng cuối năm ghi nhận mức tăng trở lại trước thềm quy định mới (Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cởi trói cho thị trường này.
Một số chuyên gia tài chính nhận định, sở dĩ có chốt chặn Nghị định 81/2020 vì thị trường TPDN bất động sản bùng nổ quá mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường chưa đi vào quỹ đạo đúng. Trong thị trường vẫn có nhiều DN vẫn có báo cáo tài chính thiếu sót nhưng mạnh tay phát hành bằng cách đẩy lãi suất lên cao để thu hút NĐT. Mặc dù vậy, chính sách đối với thị trường TPDN vẫn chưa ổn định nên Nghị định 153/2020/NĐ-CP lại tiếp tục được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect, trước đây Nghị định 81/2020 đã giới hạn quy mô phát hành TPDN, dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. DN phát hành phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành TPDN, trừ trường hợp DN phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành theo quy định của pháp luật.
Nhưng Nghị định 153/2020 chỉ yêu cầu: (1) DN phát hành là CTCP hoặc công ty TNHH, (2) thanh toán đủ cả gốc và lãi của TP đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp, (3) đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, (4) có phương án phát hành được phê duyệt và chấp thuận, (5) có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Theo đó, VNDirect dự báo thị trường TPDN sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ một số vướng mắc về quy định được Nhà nước tháo gỡ tại Nghị định 153/2020 này.
Lãi suất huy động giảm cũng là cơ hội
Cùng với tháo gỡ về chính sách nói trên, vào thời điểm này thị trường TPDN năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều điều kiện hỗ trợ. Với dự báo tăng trưởng kinh tế khả quan cho năm nay, nhu cầu huy động vốn của các DN dự báo vẫn sẽ rất lớn. Song trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tác động đến nhiều ngành nghề, ngành NH sẽ rất cẩn trọng trong việc cấp tín dụng cho DN, đồng thời NHNN vẫn giữ quan điểm đẩy mạnh sự chuyển dịch sang cơ cấu tín dụng bền vững, giữ tỷ trọng vừa phải với khu vực cho vay bất động sản. Theo đó, nhu cầu tìm vốn qua kênh TPDN sẽ còn cao.
Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm khoản đầu tư thay thế các sản phẩm đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm của nhà đầu tư trong nước ngày càng gia tăng. Bởi định hướng của NHNN là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc đáp ứng các chỉ số an toàn của ngành NH cũng đã khả quan nên cũng giảm áp lực cạnh tranh huy động vốn. Theo đó, xu hướng tăng mạnh lãi suất huy động khó có thể trở lại. Ghi nhận tại thời điểm này, mức lãi suất huy động tại Vietcombank kỳ hạn hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 3,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm. Ở các NHTMCP, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng dao động quanh mức 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,5%/năm và trên 12 tháng khoảng 6%/năm… 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong thời điểm này, có thể tận dụng xu hướng giảm lãi suất huy động để tăng nhanh thị trường cổ phiếu và TPDN. Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam cũng sẽ đạt được mục tiêu chuyển dần việc huy động vốn sang thị trường vốn, giảm áp lực tín dụng của NHTM, tạo ra sự cân bằng cho thị trường tài chính lâu nay vốn dựa quá nhiều vào hệ thống NH.
Nhưng cũng cần nói thêm, đi cùng với những dự báo lạc quan về thị trường TPDN, giới chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư vẫn còn rủi ro khi tham gia TPDN khi Nghị định 153/2020 nêu rõ trách nhiệm của nhà đầu tư phải tiếp cận và hiểu rõ đầy đủ nội dung, điều khoản trước khi quyết định mua hoặc giao dịch TP, tự đánh giá và chịu trách nhiệm về các rủi ro phát sinh. Trong khi đó, đến năm 2023 các quy định về xếp hạng tín nhiệm khi DN phát hành TP mới thể hiện những ràng buộc mang tính pháp lý. Đồng thời, với TPDN, nhà đầu tư khó nắm được mục đích sử dụng nguồn vốn đó, nên trước khi đầu tư vốn vào kênh này cần cân nhắc thận trọng.  
 Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp, có thể kỳ vọng tiếp tục xu hướng dịch chuyển một phần tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân sang các kênh đầu tư như TPDN nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.

Các tin khác