Trang bị kiến thức, kỹ năng tài chính kỹ thuật số

(ĐTTCO)-Xu hướng phát triển kỹ thuật số (KTS) là cơ hội cho ngành tài chính ngân hàng (TCNH) trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA), nhất là trong bối cảnh kinh tế các nước đã tăng trưởng ổn định trong suốt 2 thập niên qua. 
Trang bị kiến thức, kỹ năng tài chính kỹ thuật số ảnh 1
Tỷ lệ truy cập Internet của người dân ĐNA hiện nay lên đến 58,6% - cao hơn tỷ lệ toàn cầu là 50%. Dự báo giá trị giao dịch thanh toán KTS ở ĐNA có khả năng vượt quá 1.000 tỷ USD vào năm 2025.  
Hiểu một cách nôm na, số hóa là bỏ qua các công đoạn giấy tờ trong dịch vụ tài chính truyền thống, và khách hàng có thể cảm thấy thoải mái hơn khi tiến hành giao dịch với ngân hàng.
Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về KTS và các kỹ năng cần thiết có thể cản trở khả năng của người dân trong việc tiếp cận các giải pháp quản lý tài chính cá nhân và tạo ra tài sản mới. Quy trình nghiệp vụ của các ngân hàng sẽ tự động hóa nhiều hơn trước với công nghệ ngày càng tinh vi, sẽ khiến khách hàng bối rối nếu không có giải thích và hướng dẫn cụ thể.
Như vậy, ngoài việc đầu tư vào công nghệ và nâng cao trình độ nghiệp vụ đội ngũ nhân viên, các ngân hàng cần trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính - KTS để người dân có thể trở thành khách hàng thường xuyên và trung thành của mình.

Hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp
Nâng cao và tăng cường kỹ năng không chỉ là quan tâm riêng của ngành TCNH, nhất là các nước đang hướng đến việc đáp ứng những đòi hỏi mới của nền kinh tế trong quá trình phục hồi sau Covid-19.
Tác động của đại dịch và sự gia tăng nhanh chóng của quá trình KTS hóa đã làm thay đổi cách con người làm việc, các kỹ năng doanh nghiệp yêu cầu. Như vậy, ngành TCNH cần tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ, ngành giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp để rút ngắn quá trình huấn luyện và trang bị kỹ năng tài chính - KTS cho khách hàng.
Tại Singapore, hầu hết chương trình đào tạo của doanh nghiệp nói chung và ngành TCNH nói riêng đều được chính phủ hỗ trợ, một cách trực tiếp bằng các khoản trợ cấp hay tạo ra mạng lưới nơi các công ty có thể học hỏi từ những phương pháp hay nhất của nhau.
Đơn cử, Ngân hàng HSBC đã khai thác Chương trình Hòa nhập Công nghệ trong ngành tài chính do chính phủ tài trợ, giúp các cá nhân tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực chính như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Ngoài ra, chính phủ cũng hỗ trợ qua Chương trình Chuyển đổi chuyên nghiệp nhằm vào các chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, kỹ thuật viên và những người có nhu cầu chuyển sang các lĩnh vực tăng trưởng mới để thích với nền kinh tế KTS.
Điều này sẽ giúp người dân có khả năng cạnh tranh, được tuyển dụng và  thoải mái hơn khi chọn việc làm.
Trang bị kiến thức, kỹ năng tài chính kỹ thuật số ảnh 2 Bích chương cổ động thanh toán điện tử (E-payment) tại một khu ăn uống bình dân ở Singapore. 
Tác động xu hướng số hóa
Theo nhiều chuyên gia, nếu công ăn việc làm là yếu tố chính trong cải thiện phúc lợi tài chính, khả năng tiếp cận và nhận thức về các sản phẩm tài chính cũng rất cần thiết để giúp một cá nhân duy trì và phát triển tài sản của mình.
Trong khu vực ĐNA, khả năng tiếp cận ngân hàng tốt hơn và sự thâm nhập điện thoại thông minh ngày càng tăng, đã dẫn đến sự tham gia nhiều hơn không gian thanh toán và ngân hàng KTS. Các ngân hàng hay tổ chức tài chính cũng theo đó thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến.
Theo nhận định của ông Anurag Mathur, Giám đốc dịch vụ quản lý tài sản và tài chính của HSBC, các dịch vụ tài chính bao gồm cho vay, đầu tư và bảo hiểm trong khu vực ĐNA dự kiến tăng hơn 20% hàng năm cho đến năm 2025.
Tương lai của ngành TCNH là kết hợp những gì tốt nhất của công nghệ với chuyên môn của con người, để mang lại trải nghiệm lập kế hoạch đầu tư và quản lý tài sản toàn diện.
Tuy nhiên, những ai thiếu hiểu biết căn bản và cần thiết về tài chính - KTS có thể bị tụt lại phía sau. Do đó, các ngân hàng nên tập trung việc tạo ra các giải pháp quản lý bằng KTS đơn giản và an toàn, đồng thời làm việc với chính phủ để tạo ra các sáng kiến và nguồn lực về phổ cập và trang bị kiến thức kỹ năng về tài chính - KTS.
Theo ông Mathur, tại ĐNA điều này đặc biệt xảy ra ở các nước như Indonesia và Việt Nam, những quốc gia được dự báo sẽ có phân khúc khách hàng trung lưu mới nổi. Tại 2 nước này, các kỹ năng cơ bản về lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư sẽ trở nên rất quan trọng, và những nội dung học tập này sẽ được truyền tải qua các kênh KTS.
Tỷ lệ thâm nhập thiết bị di động cao có nghĩa là các giải pháp quản lý tài sản trực tuyến cũng có khả năng phát triển mạnh ở 2 quốc gia này.
Một nền tảng quản lý các nước khác trong khu vực có thể tham khảo và áp dụng là MyInfo, được chính phủ Singapore thiết kế, cho phép công dân và cư dân quản lý việc sử dụng dữ liệu cá nhân của họ cho các giao dịch trực tuyến đơn giản. Người sử dụng nền tảng này có thể kiểm soát và đồng ý với việc chia sẻ dữ liệu của họ, có thể xem hồ sơ về việc sử dụng trong quá khứ.
Sàn giao dịch Dữ liệu tài chính Singapore (SGFinDex) đã liên kết các nguồn dữ liệu khác nhau từ các ngân hàng tham gia và MyInfo để sử dụng cho việc đăng ký mua bảo hiểm hay dịch vụ tài chính. Điều này cho phép các cá nhân củng cố thông tin tài chính của họ, cung cấp cái nhìn tổng thể về các nguồn lực để lập kế hoạch tài chính hiệu quả. 
Trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính - KTS sẽ là chìa khóa để quốc gia, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng và các tổ chức tài chính, giúp người dân có công ăn việc làm, tích lũy tiết kiệm, bảo vệ và làm tăng giá trị tài sản và đóng góp vào khả năng phục hồi cho nền kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng áp dụng công nghệ KTS, nhưng nó cũng làm nổi bật khoảng cách về tiếp nhận khả năng hiểu biết về KTS của các nước ĐNA. Chính phủ các nước trong khu vực nên đẩy mạnh việc thu hẹp khoảng cách này, tạo ra các nền kinh tế KTS cởi mở, không để ai phải tụt lại phía sau.
Điều này nên bao gồm việc tập trung vào việc kích hoạt cơ sở hạ tầng KTS, xây dựng sự hiểu biết và kỹ năng tài chính - KTS cũng như tăng cường bảo vệ người lao động và xã hội nói chung. Dù vậy cần lưu ý quá trình số hóa nhanh chóng do đại dịch Covid-19 mang lại đã tạo ra cơ hội mới cho tội phạm trực tuyến.
Tại Singapore, các vụ lừa đảo thương mại điện tử trong năm 2020 đã tăng 19,1% so với năm 2019, với 3.354 trường hợp được báo cáo.

Các tin khác