Tỷ giá tăng 1-2% là hợp lý

(ĐTTCO) - Tỷ giá USD/VNĐ năm 2017 diễn biến khá ổn định và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VNĐ năm nay sẽ không ổn định như năm 2017, mà có thể sẽ có sự điều chỉnh tăng từ 1-2% do tác động của nhiều yếu tố.
Một năm không biến động
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến tháng 12-2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá NHTM giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm. Nguyên nhân giúp tỷ giá tương đối ổn định do USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm), bất chấp FED tăng lãi suất nhiều lần do tác động của chính sách chống thâm hụt thương mại của Tổng thống Donald Trump.
 Mức dự trữ ngoại hối như hiện nay sẽ giúp Việt Nam tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra lợi thế để thực hiện các chính sách, kể cả tỷ giá hối đoái và thị trường vốn để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài.
TS. Trương Văn Phước, 
quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia 
Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD vẫn còn ở mức lớn (khoảng 6-7%), nghiêng về việc nắm giữ VNĐ. Huy động ngoại tệ tăng thấp, ước tăng 4% so với cuối năm 2016, trong khi NHNN mua được khoảng 7 tỷ USD từ hệ thống NH. Do vậy, có thể một lượng lớn ngoại tệ đã được tổ chức kinh tế và cá nhân bán và chuyển sang VNĐ.
Đồng thời, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư, nhờ đó NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục.
Đặt trong bối cảnh chung toàn cầu, hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với USD. Chỉ số USD Index sau khi lập đỉnh vào cuối năm 2016 đã liên tiếp giảm, tính đến 15-12-2017 đã giảm 9,1% giá trị so với đầu năm. Eur có mức tăng mạnh nhất 11% so với USD tính từ đầu năm, do kinh tế khu vực này phục hồi khả quan. Nhân dân tệ tăng 5% so với USD, do ngoài việc chỉ số USD Index giảm mạnh còn do việc NH Trung ương Trung Quốc thay đổi cách tính giá tham chiếu hàng ngày của nhân dân tệ, bằng cách thêm yếu tố điều chỉnh theo chu kỳ.
Đồng tiền của một số nước lớn trong khu vực ASEAN cũng có mức tăng đáng kể so với USD với mức tăng trung bình khoảng 8-9% so với đầu năm. Theo đó, việc VNĐ mất giá nhẹ so với USD, giúp hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tỷ giá tăng 1-2% là hợp lý ảnh 1
Triển vọng tích cực
Theo NHNN, năm 2017, tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt và trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Đồng thời, việc thực hiện các công cụ chính sách linh hoạt đã duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1 (huy động của các NH từ dân cư và tổ chức kinh tế). 
Theo đánh giá của Bloomberg, VNĐ là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Song song đó, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Tiếp nối xu hướng này, NHNN đặt mục tiêu tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi trong năm nay.
Ghi nhận trên thị trường từ ngày 1-1-2018 đến nay, tỷ giá trung tâm được NHNN liên tục điều chỉnh tăng giảm, ngày 3-2 tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1 đồng so với cuối năm 2018, đứng ở mức 22.426 đồng/USD. Còn tại các NHTM, tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục diễn biến ổn định. Sau khi tăng nhẹ 5 đồng vào ngày 3-1, Vietcombank đã giữ yên mức giá 22.675-22.745 đồng/USD trong suốt 1 tháng qua. Sự ổn định của tỷ giá được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018 nhờ thặng dư lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh do có nhiều yếu tố hỗ trợ.
Cụ thể, cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước, dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực. Trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. 

Vẫn cần điều chỉnh 1-2%
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam không thể tiếp tục giữ tỷ giá ở mức thấp như vậy, vì điều này sẽ không phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và hoạt động xuất khẩu. Trong dự báo về thị trường ngoại hối năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, tỷ giá USD/VNĐ có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2% là khá hợp lý, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Còn ông Edie Cheung, chuyên gia về ngoại hối của NH Standard Chartered dự báo, năm 2018, VNĐ sẽ mạnh lên, tăng giá so với USD khoảng 1%. Cụ thể, tỷ giá VNĐ/USD sẽ đạt 22.650 đồng/USD vào quý II-2018 và giảm về mức 22.600 đồng/USD vào cuối năm 2018. 
Với góc nhìn cụ thể hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, tỷ giá năm 2018 sẽ tiếp tục có sự ổn định như năm 2017, nhưng có thể sẽ không ở mức độ ổn định tuyệt đối như năm trước và có thể sẽ được điều chỉnh tăng từ 1-2% do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, năm 2018 tỷ lệ lạm phát của Việt Nam mặc dù vẫn ở trong biên độ Quốc hội đưa ra nhưng có thể sẽ tăng cao hơn năm ngoái vì giá xăng, giá điện đã rục rịch tăng, giá thực phẩm và giá y tế, giáo dục cũng sẽ tăng trong năm nay.
Thứ hai, các NH cũng đang đẩy mạnh tín dụng, vì thế sẽ phải đẩy mạnh huy động để có vốn đáp ứng tín dụng, trong trường hợp đó sẽ đẩy cả 2 lãi suất đầu vào và đầu ra lên, điều này cũng tác động đến tỷ giá. Tỷ giá cũng sẽ tăng do nguyên nhân cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá điều chỉnh tăng (tức là VNĐ mất giá) có lợi cho xuất khẩu hơn là giữ ở mức ổn định hoặc giảm tỷ giá, vì tỷ giá giảm sẽ gây bất lợi xuất khẩu và có lợi cho hàng nhập khẩu ồ ạt, không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
Trong khi đó, FED dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018 cùng với lộ trình dần đưa lãi suất về mức 3,1% vào năm 2020, tạo kỳ vọng USD tăng giá trở lại. Khi lãi suất USD tiếp tục được FED điều chỉnh theo hướng tăng lên, USD có thể sẽ tăng giá trong năm nay, từ đó đẩy giá trị VNĐ xuống.

Các tin khác