USD huy động giảm, cho vay tăng

(ĐTTCO) - Những tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, tiếp tục đà tăng của năm 2017.
Song trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng tăng do tác động của đồng USD trên thị trường thế giới, và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất USD nhiều lần, doanh nghiệp (DN) dựa quá nhiều vào nguồn tín dụng ngoại tệ sẽ đối mặt nhiều rủi ro.
Đang thuận lợi
Trong quý đầu năm, Vietcombank có lượng tiền huy động tăng trưởng dương với mức tăng 0,5% so với đầu năm, đạt 134.900 tỷ đồng, tương đương 18,5% tổng vốn huy động. Tuy nhiên, cho vay VNĐ của NH chỉ tăng 5,3% so với đầu năm, chiếm 83,2% tổng dư nợ cho vay; trong khi đó cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng 11,5% so với đầu năm, chiếm 16,8% tổng dư nợ cho vay. 
 DN có nhu cầu vay ngoại tệ được đáp ứng nhanh vì thị trường ngoại tệ đang tương đối ổn định, đặc biệt trong bối cảnh NHNN tranh thủ thanh khoản ngoại tệ, nguồn cung tốt để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, cần lưu ý chênh lệch giữa lãi vay USD và VNĐ ngày càng thu hẹp do tác động của chính sách tăng lãi suất của Hoa Kỳ, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới, sẽ ảnh hưởng đến USD trong nước.
TS. CẤN VĂN LỰC
chuyên gia tài chính NH
Tại các NH khác, xu hướng chung được ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I huy động USD giảm nhưng cho vay tăng mạnh. Tại BIDV, tiền gửi bằng USD giảm 6,05%, cho vay bằng USD tăng 4,01% so với đầu năm, đạt 96.790 tỷ đồng.
Tương tự tại ACB, tiền gửi bằng USD giảm 8,99%, còn cho vay tăng 8,19% so với đầu năm, đạt 9.570 tỷ đồng. Một số NH cũng đã có tỷ lệ tăng trưởng cho vay ngoại tệ trên 10%, như MB huy động bằng USD giảm 6,1%, cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 11,9% so với cùng kỳ, đạt 24.056 tỷ đồng. LienVietPostBank có lượng tiền gửi bằng USD giảm 14,01% so với đầu năm, nhưng cho vay tăng mạnh đến 17,08% so với đầu năm, đạt 5.900 tỷ đồng.
Trong báo cáo tình hình kinh tế tài chính tháng 4-2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,8%). Trong đó, huy động VNĐ tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%.
Đồng thời, đến cuối tháng 4-2018, tín dụng bằng VNĐ ước tăng 4,1%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng đến 6,3%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%). Diễn biến này tiếp diễn xu hướng từ năm ngoái. 
Theo Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV, năm 2017 tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, và đạt khoảng 18% vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân do NHNN gia hạn cho vay ngoại tệ theo Thông tư 31/2016, cộng với diễn biến thuận lợi của thị trường ngoại hối khi cả năm 2017 tỷ giá có xu hướng khá ổn định.
Ngược lại, huy động vốn ngoại tệ tăng trưởng khiêm tốn hơn, khoảng dưới 5% và dao động khá mạnh theo thời gian. Theo đó, chênh lệch huy động vốn và tín dụng ngoại tệ đã thu hẹp khoảng 3 tỷ USD trong năm 2017. 
USD huy động giảm, cho vay tăng ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
Nhưng đề phòng rủi ro
Theo lãnh đạo các NH, năm nay lãi suất huy động USD vẫn tiếp tục giữ ở mức 0%/năm, trong khi chính sách cho vay USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn.
Theo đó, xu hướng huy động USD giảm, cho vay USD tăng vẫn duy trì trong những tháng đầu năm. DN chuộng vay ngoại tệ vì lãi suất cho vay VNĐ 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; trong khi lãi suất cho vay USD ngắn hạn 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm. 
Trên thị trường liên NH, lãi suất USD khá ổn định, lãi suất kỳ hạn qua đêm đến 3 tháng dao động 1-2,5%/năm như năm ngoái, tức thanh khoản USD rất tốt nên nhu cầu vay USD luôn được đáp ứng. Song song đó, vùng đệm để đảm bảo an toàn cho thị trường là dự trữ ngoại hối liên tục lập kỷ lục.
Theo công bố gần nhất, dự trữ ngoại hối đã đạt 63 tỷ USD. NHNN cũng đã áp dụng mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng từ tháng 2 năm nay, thay vì mua dồn theo từng thời điểm, đã giúp giảm áp lực cung VNĐ, áp lực đối với lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Vì thế, DN cũng mạnh dạn vay USD để có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. 
Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, dù tín dụng ngoại tệ đang tăng trưởng mạnh, DN hút được nhiều vốn rẻ, nhưng cũng cần thận trọng. Năm 2017, tỷ giá các NHTM giảm và vào thời điểm cuối năm, mức giá mua-bán cao nhất 22.675-22.755 đồng/USD. Nhưng bước sang năm nay, tỷ giá tại các NHTM có nhiều biến động.
Cuối tuần qua, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VNĐ ở mức 22.765-22.835 đồng, trong khi một số NH khác bán ra đến 22.845 đồng/USD. Việt Nam hiện có dự trữ ngoại hối tốt, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài rất lớn cũng là nỗi lo, nếu thị trường này có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối. 
Trong khi đó, đồng USD trên thị trường quốc tế vài ngày qua có giảm nhiệt sau đợt tăng nóng, nhưng vẫn còn xu hướng tăng do tác động từ căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc. Nếu FED tăng mạnh lãi suất, NHNN chắc chắn sẽ nhìn lại chính sách thu hút USD, khi đó tỷ giá sẽ có biến động và lãi suất cho vay USD sẽ tăng, đồng nghĩa các công ty đang vay bằng USD dễ gặp rủi ro.
Thực tế, đã có rất nhiều DN Việt phụ thuộc vào vay ngoại tệ đã chịu lỗ tỷ giá nặng xuất phát từ biến động của đồng USD. 
Theo bà Đặng Thị Thanh Lê, Giám đốc cao cấp bán sản phẩm thị trường tài chính, Khối thị trường tài chính VPBank, DN xuất khẩu thuận lợi nên vay bằng USD để lãi suất USD thấp hơn so với lãi suất VNĐ, trên cơ sở DN có nguồn thu USD rủi ro sẽ loại trừ ngay từ đầu, vì không phải mua USD trả NH.
Còn DN xuất khẩu nhỏ phải luôn có bảng tính về tỷ giá lúc vay và phải cập nhật tỷ giá hàng ngày do NH cung cấp để lường trước, sẽ chịu rủi ro tỷ giá ở mức độ nào trước khi quyết định vay. Riêng các DN nhập khẩu nên mua USD kỳ hạn trước, để đến cuối năm tỷ giá tăng, NH vẫn giữ giá bán đã chốt trước, DN không phải chịu lỗ khi mua USD trả nợ vay.

Các tin khác