Vẫn lỏng lẻo quản lý ngoại tệ

(ĐTTCO) - NHNN đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét sửa một số nội dung của Nghị định 96/2014 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH cho phù hợp. Tuy nhiên, điều này mới giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được phần gốc trong vấn đề giao dịch ngoại tệ đang tồn tại ở Việt Nam.
Cởi mở hướng xử lý
Về vụ việc UBND thành phố Cần Thơ xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với anh Nguyễn Cà Rê (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) vì đã đổi 100USD tại tiệm vàng Thảo Lực, mới đây Phó Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc này, kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đã giao Giám đốc NHNN cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc, tư vấn cho UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp. Cũng theo Thống đốc, Nghị định 96 đang nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung, trong đó việc phân loại mức vi phạm là nội dung đáng chú ý khi sửa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, hiện nay các NH đều có chức năng thu đổi ngoại tệ, với hàng chục phòng giao dịch đủ điều kiện thu đổi ngoại tệ. Người dân muốn mua bán ngoại tệ có thể đến các điểm giao dịch này của các TCTD.
Theo quy định của NHNN, các TCTD phải thông báo danh sách địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử. Để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, người dân có thể truy cập website của các TCTD và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt.
Ngoài ra, NHNN còn cấp phép 580 đại lý thu đổi ngoại tệ khác trên toàn quốc. Các điểm thu đổi ngoại tệ đang phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến ngoại thành… rất thuận tiện. Các điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép đều treo biển bảng và giấy phép để người dân nhận biết.
Vẫn lỏng lẻo quản lý ngoại tệ ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Lo ngọn quên gốc
Liên quan đến vấn đề quản lý giao dịch ngoại tệ trong nước, theo nhiều chuyên gia cơ quan quản lý chỉ mới lo phần ngọn, chưa quan tâm xử lý phần gốc. Tức chưa nói đến biện pháp để hạn chế các giao dịch thu đổi ngoại tệ không được phép. Bởi thực tế, lâu nay chỉ cần đến khu vực chợ Bến Thành TPHCM, người dân có thể trao đổi mua bán ngoại tệ ở hầu hết tiệm vàng, bất kể địa điểm đó có hay không có giấy phép.
Có nghĩa 2 thị trường chính thức và tự do vẫn đang cùng tồn tại. Trong 2 thị trường đó, tâm lý chung của người dân vẫn chuộng giao dịch trên thị trường tự do hơn bởi mua bán thuận tiện, nhanh chóng và giá thu mua cao hơn so với thị trường chính thức. Dù giao dịch sôi động nhưng cũng không mấy trường hợp bị bắt và xử phạt, dẫn đến việc xem thường quy định của luật pháp, phổ biến quan niệm bị xử phạt khi giao dịch ngoại tệ chỉ là chuyện xui rủi. 
Về việc mua bán, một chủ tiệm trên đường Lê Thánh Tôn quận 1 khẳng định khách hàng bán bao nhiêu cũng thu và muốn mua bao nhiêu cũng cung cấp. Còn theo ghi nhận của ĐTTC, có rất nhiều giao dịch mua bán vàng bạc đá quý được thanh toán bằng USD nếu người mua đề nghị trả bằng USD.
Thậm chí, để giữ chân khách hàng VIP, dù khách giao dịch bằng VNĐ nhưng một cửa hàng kinh doanh kim cương lớn ở khu vực chợ Bến Thành tư vấn quy đổi số tiền VNĐ ra USD và ghi vào hóa đơn bán hàng. Như vậy, khi khách có nhu cầu bán lại, cửa hàng sẽ thu mua đúng bằng số tiền USD đó, thay vì ghi bằng VNĐ phải chịu lỗ 20-30% như thông lệ. 
Những điểm giao dịch ngoại tệ “nóng” với hàng trăm giao dịch lớn diễn ra hàng ngày như vậy không bị xử phạt, đã dẫn đến sự bức xúc của dư luận về vụ việc đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng nêu trên.
Do đó, vấn đề quan trọng để chấm dứt tình trạng giao dịch ngoại tệ là cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị này. Và khi sửa đổi bổ sung Nghị định 96 cần tăng cường mức xử phạt đối với các đơn vị kinh doanh không được cấp phép, mới là điểm mấu chốt để siết lại phạm vi hoạt động của thị trường phi chính thức.
Một vấn đề nữa là quản lý ngoại tệ còn bất nhất. Hiện nay, theo quy định Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của NHNN.
Song cấm giao dịch nhưng ngoại tệ lại được thừa nhận như một loại tài sản. Một cá nhân được nhận USD từ người thân là Việt kiều có thể bán cho NH hoặc cất giữ đều hợp pháp. Đây là nghịch lý trong quản lý ngoại hối tại Việt Nam. 
Bên cạnh đó, một số quy định cũng vô tình tạo điều kiện cho giao dịch ngoại tệ diễn ra. Theo Thông tư 32/2013 của NHNN, doanh nghiệp được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp đó. Từ nguồn ngoại tệ trả lương thưởng đó, nhiều người nước ngoài giao dịch ngoại tệ với người Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nhiều công ty Việt Nam đứng ra môi giới việc làm cho người nước ngoài cũng ký hợp đồng cung cấp nhân sự với các doanh nghiệp bằng ngoại tệ. Các công ty lách bằng yếu tố người nước ngoài trên hợp đồng thỏa thuận giữa 2 doanh nghiệp trong nước. Vì còn nhiều kẽ hở chưa được kiểm soát, các giao dịch ngoại tệ vẫn ngang nhiên tồn tại dưới nhiều hình thức dù trên pháp luật các hành vi này bị cấm.

Các tin khác