Vào thế phải “nuôi” nợ xấu

(ĐTTCO)-Đà xử lý nợ xấu đang tiến triển tốt cho đến cuối năm 2019, nhưng bất ngờ xuất hiện nguy cơ bị lật ngược tình thế chỉ trong vài tháng đầu năm 2020. Trước tình hình đó, ngành NH đang nỗ lực kéo giảm sự gia tăng nợ xấu xuống mức thấp nhất. Nhưng để làm được điều này cần thêm nhiều giải pháp tổng thể khác, không chỉ riêng nỗ lực của các NH.
Giao dịch tại ngân hàng mùa Covid. Ảnh: VIẾT CHUNG
Giao dịch tại ngân hàng mùa Covid. Ảnh: VIẾT CHUNG
Có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ ảnh hưởng dịch
18.600 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh, 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 4.100 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I. Đó là số liệu từ báo cáo của Tổng cục Thống kê. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 35.000 DN đã rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay.
Theo VCCI, lần đầu tiên sau hàng thập niên, số lượng DN rời thị trường lớn hơn số thành lập mới. Đồng thời, trong tổng số DN được VCCI khảo sát, có gần 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; 60% DN đang thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu sẽ sụt giảm so với 2019.
DN gặp khó khăn, hàng loạt giải pháp hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới đã được ngành NH triển khai. Đến nay đã có hơn 300.000 tỷ đồng được các NH dành ra để thực hiện gói hỗ trợ tín dụng cho DN chịu ảnh hưởng dịch bệnh.
Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này chỉ mới xoa dịu phần nào khó khăn. Còn về tổng thể, tình hình dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN. Theo đó, dòng tiền trả nợ cho NH cũng chịu tác động, dự báo NH sẽ rất khó khăn thu hồi vốn. Như vậy, dịch bệnh kéo dài, áp lực cuối cùng là ngành NH.
Thực tế, NHNN đã sớm có dự báo những rủi ro có thể xảy ra. Theo NHNN, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng (chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dự báo rủi ro tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.
NHNN cũng ước tính, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II, 3,7% cuối năm 2020 và có thể cao hơn nữa. Cơ quan quản lý ngành NH cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, cũng như khả năng hồi phục của các TCTD yếu kém.
Cứu DN là cứu NH và nền kinh tế
 Nếu chỉ dùng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất hay gói tín dụng hỗ trợ do NH thực hiện sẽ không cứu được DN, đồng nghĩa ngành NH cũng sẽ gánh chịu nợ xấu trong tương lai.
Nợ xấu lâu nay là nỗi ám ảnh của ngành NH, bởi nợ xấu cao đòi hỏi NH phải gia tăng tín dụng nhằm cho vay mới để trả lãi và nuôi nợ cũ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, các NH đang dồn sức để giải quyết nợ xấu tồn đọng.
Gần đây, BIDV liên tục thông báo rao bán nhiều khoản nợ khủng liên quan đến dự án nhà ở và đất nền tại TPHCM. Tương tự, các NH khác cũng nhộn nhịp thông báo rao bán tài sản liên quan đến nợ xấu, với quy mô từ vài tỷ đồng đến vài ngàn tỷ đồng. Kể cả VAMC cũng đang dồn dập bán đấu giá hàng trăm khoản nợ đã mua lại từ các TCTD. 
Bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu là hoạt động vẫn được các NH tiến hành lâu nay. Song hiện tượng NH ồ ạt bán tài sản đảm bảo trong thời gian này có thể xuất phát từ những lo ngại nợ xấu tăng thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, các NH được phép khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của NHNN. Như vậy trong thời gian này, dù món nợ đã nhảy vào nhóm 3 nhưng NH không chuyển nhóm nợ, món nợ vẫn ở nhóm 1 nhóm 2 và chưa ảnh hưởng đến nợ xấu, tức tỷ lệ nợ xấu sẽ rất thấp. 
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài qua thời hạn NH đã khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng vọt lên. Kể cả khi dịch bệnh kết thúc, DN cũng phải mất thời gian khá dài để phục hồi sức khỏe.
Chính vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất lớn. Hơn nữa, các năm 2014 và 2015 là thời gian VAMC mua số lượng nợ lớn nhất từ các TCTD, khoảng hơn 190.00 tỷ đồng. Nếu loại trừ các TCTD được phê duyệt đề án tái cơ cấu, thời gian đáo hạn của trái phiếu VAMC là 5 năm, tức rơi vào năm 2019 và 2020. Với những áp lực đó, chắc chắn các NH đang cố gắng đẩy mạnh xử lý những khoản nợ xấu tồn đọng để chuẩn bị đối phó với những khoản nợ xấu có thể gia tăng trong tương lai. 
Có đến 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi để giải cứu DN và tự cứu mình, ngành NH mới cung cấp được gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng. Gói tín dụng hỗ trợ lại đến từ tiền huy động của các NH, do đó các món vay mới của các NH cũng được kiểm soát chặt chẽ để không vướng vào nợ xấu mới. Cũng vì vậy, không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được tín dụng ưu đãi để tìm kiếm cơ hội phục hồi.
Tăng cường hỗ trợ DN đang là điều vô cùng cần thiết. Vì nếu DN phá sản, không chỉ ngành NH mà cả nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng. Các chuyên gia cho rằng bên cạnh gói tín dụng, các gói tài khóa để hỗ trợ DN rất cần thiết trong thời điểm này. Chẳng hạn Chính phủ có thể dành ra một gói bơm vào Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV để hỗ trợ trực tiếp nhóm này vừa có tiền tươi thóc thật duy trì hoạt động, vừa không gây áp lực cho các nhà băng.  

Các tin khác