Áp thuế suất doanh nghiệp tối thiểu có phải là sự kết thúc của thiên đường thuế?

(ĐTTCO) - Thỏa thuận của G7 về mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và các thỏa thuận đánh thuế các công ty đa quốc gia đã mở đường cho một thỏa thuận lớn hơn trong những tuần tới và có thể định hình lại thuế suất doanh nghiệp xuyên biên giới trong nhiều năm tới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc dù được đánh giá là thoả thuận mang tính lịch sử, nhưng thỏa thuận này vẫn còn nhiều vấn đề sẽ được các nước G20 thảo luận tại một cuộc họp dự kiến vào tháng tới.

Mức thuế này có được áp dụng trên toàn cầu hay không?

Thỏa thuận G7 về mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% sẽ tạo tiền đề cho bước tiếp theo trong cuộc họp trực tuyến diễn ra từ ngày 30/6 đến ngày 1/7 với sự tham gia của 139 quốc gia đàm phán các quy tắc tương lai về đánh thuế xuyên biên giới tại Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) ở Paris.

Sau đó, bất kỳ thỏa thuận nào từ cuộc họp đó sẽ được đưa ra trước các bộ trưởng tài chính G20 để thông qua khi họ gặp nhau tại Venice vào ngày 9/7 và 10/7.

OECD và Mỹ cho biết có thể sẽ không thể có một lần ký kết cuối cùng cho đến cuộc họp G20 tiếp theo vào tháng 10, vì lập trường của Mỹ có thể không vững chắc vào tháng 7 do thuế suất nội địa mới được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, thoả thuận của G20 tương đương với việc các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thực hiện và do đó phạm vi tiếp cận của thoả thuận này sẽ có hiệu quả trên toàn thế giới.

Đây có phải là kết thúc của thiên đường thuế?

Nếu thỏa thuận không loại bỏ hoàn toàn các thiên đường thuế, thoả thuận này không những sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều đối với nhiều công ty đang tìm cách cắt giảm tiền thuế mà còn làm mất uy tín của họ đối với các nhà đầu tư tập trung vào môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).

Toàn bộ ý tưởng về thuế suất tối thiểu toàn cầu là có thể cho phép các quốc gia có quyền tăng thuế đầu vào đối với lợi nhuận của công ty ở các quốc gia có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu.

Hơn nữa, G7 muốn mức thuế tối thiểu được áp dụng trên cơ sở từng quốc gia hơn là mức trung bình trên các quốc gia mà một công ty hoạt động, đây là một cách tiếp cận được coi là khó khăn hơn nhiều đối với các thiên đường thuế.

Vì vậy, nếu một công ty Mỹ ghi nhận lợi nhuận ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, nơi không có thuế doanh nghiệp, thì cơ quan thuế Mỹ có thể áp dụng mức thuế 15% đối với những khoản lợi nhuận đó nếu đó là thuế suất thiểu toàn cầu đã được thống nhất.

Với mức thuế suất 12,5% của Ireland hiện nay, điều này cũng đồng nghĩa với việc thuế nhiều hơn đối với các quốc gia có thị trường lớn và ít hơn đối với các quốc gia như Ireland. Bộ tài chính Ireland đã ước tính sẽ thiệt hại khoảng 2,2 - 2,4 tỷ euro mỗi năm và bằng khoảng 20% tổng doanh thu từ thuế doanh nghiệp. Điều này đã được tính vào dự báo ngân sách của Ireland.

Điều này sẽ áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia như thế nào?

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán quốc tế về thuế cũng đề cập đến cách phân chia quyền lợi của các chính phủ đối với các khoản lợi nhuận vượt quá một con số quy định hoặc không theo thông lệ của các công ty đa quốc gia lớn nhất, trong số đó có các công ty kỹ thuật số lớn như Apple và Google.

G7 đã đồng ý rằng các chính phủ nên có quyền đánh thuế ít nhất 20% trên lợi nhuận thu được tại quốc gia của họ đối với một công ty đa quốc gia có biên lợi nhuận ít nhất 10%. Tất cả các dấu hiệu cho thấy lợi nhuận vượt quá cũng sẽ phải tuân theo mức tối thiểu toàn cầu.

Những nguyên tắc nới lỏng có thể là gì?

Các nước đàm phán về thuế toàn cầu có thể sẽ có một số miễn trừ ở một số lĩnh vực. Ví dụ, các ngành công nghiệp khai thác có khả năng bị ảnh hưởng vì các công ty thường trả tiền bản quyền trả trước cho chính phủ nơi có mỏ hoặc mỏ dầu.

Các quan chức nói rằng một số quốc gia muốn có một số miễn trừ trong việc giảm thuế cho nghiên cứu và phát triển. Những nước khác như Trung Quốc muốn bảo vệ các khu kinh tế thuế thấp mà họ sử dụng để thu hút đầu tư.

Nguồn thu gia tăng cho chính phủ

Vào tháng 10, OECD đã tính toán rằng mức thuế tối thiểu toàn cầu có thể mang lại 100 tỷ USD mỗi năm, hay 4% thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, đó vẫn là một con số rất nhỏ so với hàng nghìn tỷ đô la mà các chính phủ trên thế giới đã chi tiêu để giữ cho nền kinh tế phục hồi sau ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Các tin khác