Argentina vật lộn trong khủng hoảng COVID-19 và kinh tế

(ĐTTCO) - Số ca nhiễm và tử vong mới tăng vọt ở Argentina trong khi người dân nơi đây oằn mình mưu sinh, số khác mất cảnh giác vì gánh nặng kinh tế.

Argentina là quốc gia Nam Mỹ tổn thất nặng nề thứ hai do COVID-19, chỉ sau Brazil. Ảnh: Reuters
Argentina là quốc gia Nam Mỹ tổn thất nặng nề thứ hai do COVID-19, chỉ sau Brazil. Ảnh: Reuters

Những ngày này, đường phố thủ đô Buenos Aires thuộc về những người như Gabriel Martinez. Anh lần hồi tìm kiếm những mảnh bìa các-tông để đổi chút tiền mặt trong những ngày thê thảm đại dịch. Cậu con trai 9 tuổi của Martinez, Benjamin đung đưa chân qua mép xe đẩy khi cùng cha trở về tay không.

Martinez sống bằng nghề nhặt giấy các-tông từ năm 19 tuổi, và giờ anh đã 34. Hai cha con sống trong căn phòng thuê tại một kho hàng ở ngoại Buenos Aires, nơi anh bán đống đồ phế thải kiếm được.

“Thật tệ, không có gì trên đường phố. Chúng tôi đi bộ hàng giờ đồng hồ, từ 5 giờ sáng cho đến nửa đêm”, Martinez than thở. "Rất nhiều người đang chật vật để sống sót ở đây."

Đô thị vốn náo nhiệt này đã bị bóp nghẹt một lần nữa khi Argentina nỗ lực chế ngự làn sóng COVID-19 thứ hai tồi tệ hơn đợt đầu tiên.

Năm ngoái, quốc gia này giữ mức lây nhiễm tương đối thấp với một đợt đóng cửa nghiêm ngặt kéo dài nhiều tháng. Lệnh phong toả giúp chính phủ tăng cường hệ thống y tế, nhưng lại làm tổn thương nền kinh tế vốn đã ốm yếu và gây tổn hại nặng nề về tinh thần với xã hội.

Sau một mùa hè (ở Nam bán cầu) nới lỏng các hạn chế, lại đối mặt các biến thể COVID mới, số ca nhiễm và tử vong ở Argentina đã bùng nổ.

Chú thích ảnh
Người đàn ông đẩy xe trên phố vắng tanh khi Buenos Aires bị phong toả vì COVID-19. Ảnh: AP

"Hệ thống y tế đang sụp đổ"

Các bệnh viện quá tải bệnh nhân, nhân viên y tế kiệt sức cầu xin công chúng chú ý đến những cảnh báo về giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tại tỉnh Buenos Aires, chính quyền băt đầu tự sản xuất ôxy để đối phó tình trạng thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng.

Các lô hàng vaccine đang tới, nhưng cũng như nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác, chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Mới khoảng 20% dân số Argentina được tiêm mũi đầu tiên.

“Hệ thống đang sụp đổ”, Tiến sĩ Emmanuel Alvarez viết trong một lá thư mở vào tháng 4, với tiêu đề “tiếng hét tuyệt vọng từ 'conurbano'” – từ chỉ khu vành đai đông đúc, chủ yếu là tầng lớp lao động xung quanh thủ đô.

“Sự sụp đổ nằm ở những người đồng nghiệp đã qua đời của chúng tôi, những bệnh nhân ngày càng trẻ từ 30 - 50 tuổi phải đặt nội khí quản và mạng sống đang tuột khỏi tay, các chủng đột biến đang lan tràn, số trẻ em nhập viện ở mức cao nhất,” ông Alvarez viết. “Đó là những chiếc xe cấp cứu ở cửa phòng khám chờ đợi chiếc giường sẽ không đến và bình ôxy thì cạn sạch. Người chết trong nhà, ngoài đường, những người sẽ chết vì không có máy thở”.

Chú thích ảnh
Trên 76.000 người Argentina đã tử vong vì COVID-19. Ảnh: Reuters 

Ba tuần sau, vào ngày 19/5, Argentina đã ghi nhận kỷ lục 39.652 ca nhiễm COVID-19/ngày. Kể khi đại dịch bùng phát, quốc gia lớn thứ ba ở Nam Mỹ, với dân số 45 triệu người, tới ngày 28/5 đã ghi nhận hơn 3,6 triệu trường hợp mắc và trên 76.000 người tử vong.

“Chúng ta đang đối phó với thời khắc tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu", Tổng thống Alberto Fernandez khẳng định vào ngày 20/5 trong một bài diễn văn quốc gia. Ông cũng tuyên bố lệnh phong toả mới, vì “tình hình rất nghiêm trọng trên toàn quốc".

Tuy vậy, đợt đóng cửa này không gay gắt như năm 2020. Người dân được phép di chuyển gần nhà từ 6h - 18h để mua sắm nhu yếu phẩm hoặc đi dạo. Ở một số khu vực, các cửa hàng và nhà hàng mở cửa cho dịch vụ mang đi. Nhưng tất cả các cuộc tụ tập xã hội trong nhà hoặc ngoài trời đều bị cấm, các nhà thờ, địa điểm vui chơi giải trí và các trường học đều bị đóng cửa.

Căng thẳng kinh tế - bất ổn xã hội

Trong khi đó, căng thẳng xung quanh việc phải giữ gìn sức khỏe và đảm bảo sự tồn tại của nền kinh tế vẫn gay gắt hơn bao giờ hết ở một quốc gia gánh chịu lạm phát cao kinh niên - hiện đang ở mức 46% hàng năm.

Theo Viện Thống kê và Điều tra Dân số Quốc gia Argentina, nền kinh tế đã sụt giảm 9,9% vào năm ngoái. Số người sống dưới mức nghèo khổ tăng tới 42%.

Anh thanh niên Mason Helius, 26 tuổi, cho biết, cửa hàng thịt nơi anh làm việc nằm trên Đại lộ Scalabrini Ortiz đã cắt giảm nhân viên từ 7 xuống 3, ngày làm việc kéo dài 14 giờ, và doanh số bán hàng đã giảm từ 50 đến 60%. “Chúng tôi có một nhà hàng từng mua 90 kg thịt bò xay mỗi tháng. Bây giờ, chỉ có 15 kg. Từ 90 còn 15 - có nghĩa là họ cũng không bán được gì”, Helius nói.

Đồng nghiệp của anh, Mauricio Quiroz, 48 tuổi, tỏ ra bức xúc với chính phủ. “Đáng lẽ họ phải ổn định nền kinh tế,” ông Quinoz nói.

Không tin tưởng vào các số liệu chính thức về dịch bệnh chỉ là một trong những suy nghĩ khiến người dân ở các thành phố trên khắp Argentina tham gia các cuộc biểu tình chống phong toả vào ngày 25/5. Các cuộc đụng đổ đã nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát ở một số thành phố và dẫn đến các vụ bắt giữ.

Chú thích ảnh
Một người biểu tình cầm cờ Argentina trong cuộc biểu tình phản đối phong toả. Ảnh: AP

Đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên như vậy và nó một phần được thúc đẩy bởi phe đối lập cánh hữu, chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Họ công kích chính phủ trung tả của Tổng thống Alberto Fernandez về việc triển khai vaccine và các quy định hạn chế.

Với Angelica Graciano, một giáo viên ở Buenos Aires, thì cuộc tranh luận chính trị này đã “đánh lạc hướng” và hạ thấp thảm kịch do COVID-19 gây ra. “Không có sẵn giường bệnh. Chúng tôi đã mất 18 đồng nghiệp và còn nhiều người khác phải nhập viện hoặc bị cách ly”, bà Graciano, 60 tuổi, là tổng thư ký của công đoàn giáo viên lớn nhất ở thành phố Buenos Aires, cho biết.

Họ đã đấu tranh trong nhiều tuần để thực hiện dạy học trực tuyến khi các ca lây nhiễm tăng vọt,  mà chính quyền thành phố Buenos Aires vẫn khẳng định duy trì mở cửa trường học là cần thiết.

Bà Miriam Zambrano, sống ở tỉnh Chubut, miền nam Argentina, đồng ý với quan điểm này. Nữ y tá nghỉ hưu đã chứng kiến mọi người bắt đầu mất cảnh giác khi vaccine bắt đầu được chuyển đến thành phố Comodoro Rivadavia.

“Không có đại dịch nào xảy ra trong vòng dưới 10 năm, vì vậy lần này cũng không xảy ra trong 1, 2 hoặc 5 năm. Chúng ta sẽ mất ít nhất 10 năm và chúng tôi phải học cách chăm sóc lẫn nhau", bà Miriam nói.

Các tin khác