Bắc Kinh sử dụng cách ‘kích thích ngầm' để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

(ĐTTCO) - Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang chuyển sang vay chính quyền địa phương và các ngân hàng khu vực để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì chính sách tài khóa và tiền tệ thông thường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi TQ tăng gấp đôi nỗ lực loại bỏ Covid-19, nước này ngày càng dựa vào các chính quyền địa phương để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh điều kiện tài chính cho các nền kinh tế khu vực ngày càng xấu đi.

TQ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là "khoảng 5,5%" cho năm nay, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng đạt được mục tiêu này sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vì chính sách zero-Covid của nước này yêu cầu phong tỏa, kiểm tra hàng loạt và kiểm dịch.

Một số tổ chức quốc tế đã giảm ước tính tăng trưởng xuống dưới mục tiêu của Bắc Kinh. Tháng trước, Viện Tài chính Quốc tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của TQ xuống 3,5% từ 5,1%, với lý do các hạn chế về virus đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng trước cũng đã cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP của TQ cho năm 2022 từ 4,8% trong tháng 1 xuống 4,4%.

Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research, tin rằng Bắc Kinh ủng hộ một “biện pháp khích lệ gián tiếp” thông qua các khoản vay của chính quyền địa phương và các khoản vay ngân hàng khu vực để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì mở rộng tài khóa và tiền tệ thông thường.

Ông Collier cho biết một biện pháp khích lệ ngầm có nghĩa là chính phủ trung ương có thể tránh được việc gia tăng nợ, đồng thời cho phép ngân hàng trung ương và các ngân hàng nhà nước giữ bảng cân đối kế toán của họ trong sạch.

Ông nói: “Khích lệ được đẩy xuống các cấp thấp hơn, nơi có sự hỗn loạn chính trị của đòn bẩy thặng dư, vỡ nợ và thất nghiệp - từng thị trấn”.

Tuần trước, Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, trung tâm quyền lực của ĐCSTQ, tuyên bố sẽ cắt giảm thuế và nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho nền kinh tế.

Không giống như năm 2020 trong đợt bùng phát ban đầu, chính quyền trung ương vẫn chưa phân bổ thêm tiền để giúp các chính quyền địa phương. Năm đó, TQ đã bán trái phiếu kho bạc trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 150 tỷ USD) để khuyến khích kinh tế nhằm chống lại đại dịch.

Tuy nhiên, tại cuộc họp quốc hội thường niên vào tháng 3, Bắc Kinh đã cam kết tăng các khoản thanh toán trực tiếp cho chính quyền địa phương lên 9,8 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo của TQ tự tin rằng có thể đạt được mục tiêu GDP hàng năm trong khi vẫn duy trì chiến lược zero-Covid.

Nhưng nhiều chính quyền địa phương đã phải tăng cường chi tiêu để theo kịp chính sách cứng rắn.

Trung tâm tài chính Thượng Hải của TQ, đã bị phong tỏa hơn một tháng, cho biết họ sẽ cung cấp các khoản hoàn thuế và trợ cấp tiền thuê lên tới 140 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Chính quyền tỉnh Phúc Kiến vào tháng 3 cho biết họ đã phân bổ 18,86 triệu nhân dân tệ để xây dựng ba cơ sở kiểm dịch ở các thành phố Phúc Châu và Tuyền Châu, sau đó cũng nhận được 300 triệu nhân dân tệ khác từ chính quyền tỉnh để thử nghiệm hàng loạt và mua thiết bị kiểm soát Covid-19.

Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô trưởng tại Soochow Securities, ước tính rằng nếu tất cả các thành phố cấp một và cấp hai của TQ - nơi có khoảng 505 triệu cư dân - thực hiện thử nghiệm hàng loạt trong một năm, chi phí có thể lên tới 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, khoảng 1,5% GDP năm 2021 của TQ, hoặc khoảng 8,7% doanh thu tài khóa công của năm ngoái.

Các LGFV đã trở thành nền tảng tài trợ để xây dựng ở các nền kinh tế khu vực, nhưng đã góp phần gây ra vấn đề nợ tiềm ẩn của TQ do thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 4, Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) đã ban hành 23 biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có một biện pháp tuyên bố các ngân hàng nên hỗ trợ “nhu cầu tài chính hợp lý” của các LGFV.

Các tin khác