Báo chí toàn cầu cuốn theo Covid

(ĐTTCO)-Ở giữa đại dịch toàn cầu Covid-19 hiện nay, ngành báo chí chưa bao giờ khó khăn hơn thế. Các nhà báo phải đấu tranh để đưa đến công chúng những thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và chính xác nhất, trong khi thu nhập giảm, thậm chí nhiều tòa báo phải đóng cửa…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sứ mệnh thông tin
Trong khi hàng triệu lao động làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch xảy ra, nhiều nhà báo vẫn phải đi đến những điểm nóng để tác nghiệp. “Tôi đã không dừng lại kể từ khi bị phong tỏa. Công việc của nhà báo là đưa tin về những gì đang diễn ra, có nghĩa bạn phải làm việc ngoài hiện trường” - Leslie Rijmenams, người dẫn chương trình tại đài phát thanh Nostalgie của Bỉ, giải thích. Hoặc nhiếp ảnh gia trưởng của Reuters, Yves Herman, đã đưa tin về đại dịch gần như hàng ngày trong vài tháng, báo cáo từ các bệnh viện, nhà hưu trí, dịch vụ tang lễ và nhà xác trong bộ đồ bảo hộ kín mít. “Bất chấp những rủi ro, tôi phải đưa những thông tin cần thiết đến mọi người dân” - ông nói.
Ngoài việc phải hoạt động hết công suất để đưa tin về virus, các nhà báo còn phải chiến đấu với thứ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả là “dịch bệnh thông tin”. Thông tin sai lệch, tin giả và tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trong các trường hợp khẩn cấp về y tế. “Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì trên internet. Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ những điều họ chưa đọc hết. Tìm được nguồn đáng tin cậy hoặc hãng tin tức bạn có thể tin tưởng là điều quan trọng” - Cordula Schnuer, phóng viên của Delano, một tạp chí ở Luxembourg, nói. 
Đối với một số hãng truyền thông, đại dịch còn dẫn đến sự gia tăng các hành vi bạo lực, thái độ hung hãn đối với các đội tác nghiệp. Hãng truyền hình NOS đã buộc phải xóa logo của mình trên các xe tải vệ tinh, vì nó thu hút hành vi bạo lực từ những nhóm người tin rằng virus là "một trò lừa bịp" và NOS là "tin tức giả mạo". Hekster nói: “Nó đe dọa nghiêm trọng đến tự do truyền thông, tự do báo chí và cho cả nền dân chủ".

Nguy cơ tù tội
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị tấn công bạo lực, các nhà báo có thể bị bỏ tù và tòa soạn bị đóng cửa vì đưa tin về Covid-19. Các nhà chức trách Jordan đã bắt giữ chủ sở hữu kênh truyền hình Roya, Fares Sayegh và giám đốc tin tức của kênh, Mohamad al-Khalidi, vì đưa tin về việc người lao động thiếu việc làm, cần tiền để nuôi gia đình trong thời gian giới nghiêm vào giữa tháng 4. 
Ngày 16-3, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã ký một sắc lệnh khẩn cấp, trao cho nhà chức trách quyền xóa bỏ, báo cáo hoặc đóng cửa các trang web lan truyền "tin tức giả" về đại dịch Covid-19. Myanmar đã chặn quyền truy cập 221 trang web tin tức, bao gồm một số hãng truyền thông hàng đầu. Ở Trung Quốc, một số bài báo về nguồn và nghiên cứu đại dịch Covid-19 của Caixin đã bị xóa khỏi trang web của họ sau khi xuất bản. Tại Madagascar, một nhà báo đã bị bắt và bị buộc tội tung tin giả và kích động lòng thù hận đối với Tổng thống Andry Rajoelina, sau khi bà chỉ trích cách xử lý của tổng thống đối với đại dịch. 
Ngày 5-5, Ủy ban Viễn thông Quốc gia Philippines (NTC) ban hành lệnh ngừng và hủy bỏ các hoạt động của mạng ABS-CBN TV, buộc tạm ngừng hoạt động đối với tất cả các kênh phát sóng của mạng. Ngày 16-6, nhà báo Ai Cập và tổng biên tập của tờ báo al-Diyar đã bị bắt giữ với cáo buộc tung tin giả, gia nhập "tổ chức khủng bố" và lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội, sau khi ông chỉ trích cách xử lý đại dịch của đất nước mình…

Hy sinh cả tính mạng
Theo báo Ấn Độ Ngày nay (India Today), vào tháng 4 trung bình 1 ngày có tới 3 nhà báo qua đời vì Covid. Vào tháng 5, con số này tăng lên 4 nhà báo mỗi ngày. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nhận thức có trụ sở tại Delhi, tổng cộng 238 nhà báo đã chết do nhiễm Covid-19 từ tháng 4-2020 đến ngày 16-5-2021. Đây là những trường hợp đã được xác minh, con số thực tế có thể lớn hơn. Đợt thứ hai của đại dịch Covid-19 có sức tàn phá lớn hơn đối với giới truyền thông so với đợt đầu tiên. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nhận thức, đợt đầu tiên của đại dịch, từ tháng 4 đến tháng 12-2020, đã giết chết 56 nhà báo. Trong khi đó, làn sóng thứ hai đã cướp đi sinh mạng của 171 nhà báo từ ngày 1-4 đến 16-5.
Ngoài 238 ca tử vong được liệt kê chính thức, Viện Nghiên cứu Nhận thức còn cung cấp 82 cái tên khác vẫn chưa được xác minh. Phát biểu với AajTak.in, Giám đốc của viện, TS. Kota Neelima, cho biết cho đến tháng 5 hơn 300 nhà báo đã chết vì Covid. “Trong số đó, chúng tôi đã có thể xác minh 238 ca. Một cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan đến phần còn lại”. Những ca báo cáo của Viện Nghiên cứu Nhận thức bao gồm những nhà báo đã chết vì nhiễm bệnh trong khi đưa tin về lĩnh vực này hoặc làm việc trong văn phòng. Những người này bao gồm các phóng viên của các tổ chức truyền thông, chuyên gia truyền thông, dịch giả tự do, phóng viên ảnh... Một tổ chức khác, Mạng lưới Phụ nữ trong Truyền thông Ấn Độ, cũng cho biết khoảng 300 nhà báo đã chết do Covid-19. 

Giảm thu nhập
BuzzFeed gần đây thông báo chấm dứt hoạt động tin tức của hãng ở Úc và Anh vì doanh thu quảng cáo sụt giảm do đại dịch. Ở Canada, một số vụ sa thải và đóng cửa các tờ báo cũng diễn ra. SaltWire Network đã đình bản các ấn phẩm hàng tuần của mình trong thời gian 3 tháng. Tờ tuần báo The Coast cũng sa thải nhân viên, trong khi Postmedia đình bản các tờ báo Manitoba Altona Red River Valley Echo, Carman Valley Leader, Gimli's Interlake Spectator, Morden Times, Selkirk Journal, Stonewall Argus & Teulon Times, Winkler Times, và The Prairie Farmer. Tờ Canadian Jewish News chấm dứt hoạt động sau 60 năm. Tờ The Jewish News and Post ra đời từ năm 1925 nay cũng chấm dứt báo giấy.
Tại Hồng Kông, ngày 22-4, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) thông báo cắt giảm chi phí. Theo đó, 27 giám đốc cấp cao bị cắt giảm lương ngay lập tức, nhân viên lương cao được yêu cầu nghỉ không lương 3 tuần, lương bị đóng băng. Ở Anh, nhiều tổ chức truyền thông đã báo cáo doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh. Bộ trưởng Ngoại giao về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, Oliver Dowden, cho biết đại dịch đã gây ra "cuộc khủng hoảng tồn tại lớn nhất" trong lịch sử báo chí, khi các tờ báo địa phương và quốc gia suy giảm lượng phát hành.
Ngày 20-3-2020, tờ báo kinh doanh London City A.M. đình chỉ ấn bản in và tuyên bố giảm một nửa lương nhân viên vào tháng 4. Independent Digital News and Media, chủ sở hữu của các trang web tin tức The Independent và indy100, cho một số nhân viên nghỉ việc và cắt giảm lương những nhân viên còn lại. Tập đoàn báo chí Reach plc, sở hữu các tờ báo như Daily Mirror và Daily Express, đã báo cáo doanh thu giảm 30% trong tháng 4-2020. Tháng 7 cùng năm, hãng thông báo cắt giảm 550 việc làm do thu nhập giảm. Đến tháng 5-2020, 50 tờ báo địa phương ở Anh đã ngừng xuất bản báo in. Tháng 7-2020, The Guardian thông báo sẽ cắt giảm 180 việc làm. 

Các tin khác